Sẵn sàng du học – Hai sinh viên quốc tế đang tiến hành thủ tục pháp lý chống lại một nhà hàng ở Melbourne khi nơi này đã ăn chặn tiền lương của họ hàng trăm ngàn đô la. Các công đoàn nói rằng đây là một thí dụ điển hình về nạn bóc lột trong ngành nhà hàng khách sạn, khi có gần một phần ba di dân bị trả ít hơn mười hai đô la một giờ.
Du học sinh Chin Yew Chong và Edwin Yeung từng là nhân viên tại nhà hàng Monga Dessert Lounge ở phía Đông Melbourne.
Cả hai cho biết mình đều đã bị lừa gạt tiền lương trong nhiều năm khi làm việc tại đó.
Họ chỉ được trả mười đô la một giờ và phải làm việc tới 70 tiếng một tuần mà không có bất kỳ mức lương phụ trội làm thêm giờ nào.
Edwin Yeung đã mô tả cách đối xử của chủ nhân họ là vô nhân đạo.
‘Họ đối xử với chúng tôi rất tệ. Tôi không nghĩ mình được đối xử đúng nghĩa như con người khi làm việc tại Monga.’
‘Chúng tôi ước tính, cả hai du học sinh này đều đã bị quỵt gần $200.000 đô la trong bốn năm. Đó là một khoản tiền đáng kinh ngạc’, trích lời Wallace Huang- nhà tổ chức Trung tâm Lao động Di dân.
Vì quá ấm ức, hai du học sinh 32 tuổi và 23 tuổi đã mang bảng chấm công và giao dịch ngân hàng của họ đến Trung tâm Lao động Di dân tìm lại công bằng.
Nhà tổ chức Wallace Huang của trung tâm đã phải giật mình trước thông tin được tiết lộ.
‘Chúng tôi ước tính, cả hai du học sinh này đều đã bị quỵt gần $200.000 đô la trong bốn năm. Đó là một khoản tiền đáng kinh ngạc.’
Nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt.
Theo một cuộc khảo sát gần đây về người lao động di dân tạm thời, gần một phần ba sinh viên quốc tế và du khách ba lô làm việc trong ngành khách sạn bị trả ít hơn $12 đô la một giờ.
Theo Wallace Huang, con số đó thấp hơn một nửa so với mức lương tối thiểu của luật lao động Úc.
‘Ăn chặn tiền lương là một vấn nạn rất lớn tại nơi làm việc, xảy ra ở diện rộng. Thật không may, các nhà tuyển dụng nhìn thấy lao động di dân và sinh viên quốc tế là những đối tượng dễ bị lường gạt và đây là một hành động phải chấm dứt hoàn toàn.’
Đại diện công đoàn đang yêu cầu Monga trả số tiền mà họ nói đang nợ Chin Yew Chong và Edwin Yeung.
Nhưng người tổ chức của Trung tâm Lao động Di dân Wallace Huang cho biết chưa có nhiều tiến triển trong các cuộc đàm phán.
‘Chuyện này đã kéo dài hàng tháng trời. Vụ này được đưa đến cho chúng tơi vào tháng 11 năm ngoái và đến nay vẫn chưa có giải pháp.’
Khi được SBS tìm đến, ban quản lý Monga chỉ nói rằng yêu cầu của hai nhân viên đã được chuyển đến luật sư và kế toán của nhà hàng, những người mà họ không thể nêu tên.
Vấn đề bóc lột lao động di dân tạm thời và du học sinh đang được nhiều tố chức đoàn thể quan tâm trong nỗ lực khuyến khích nạn nhân lên tiếng trình báo để đòi lại công bằng cho mình.
Theo bản phúc trình Ăn chận Tiền lương tại Úc, có một phần tư sinh viên quốc tế kiếm được $12/giờ hoặc ít hơn, và 43% sinh viên kiếm được $15/giờ hoặc ít hơn.
Đa số cho rằng người lao động nhập cư không trình báo việc bị bóc lột bởi vì họ không hiểu rõ luật của Úc. Trong đó, người Á Châu là nhóm muốn giành lại công bằng tiền lương nhất.
Hau trường đại học Úc là UTS và UNSW đang thực hiện cuộc khảo sát toàn quốc nhằm thu thập ý kiến sinh viên quốc tế để giúp các bạn tránh trở thành nạn nhân của nạn bóc lột lao động ở Úc.
Khảo sát có sẵn bằng tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha. Kết quả sẽ công bố cuối năm 2019.
Nếu bạn là du học sinh ở Úc và đang bị bóc lột, bạn có thể tham gia khảo sát ở ĐÂY.
Thái Hải (SSDH) – Theo SBS