Sẵn sàng du hoc – Những ngày qua, rộ tin em Đào Thế Hoàng (học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Siêu – Hà Nội) liên tiếp nhận thư mời nhập học từ 06 trường Đại học danh giá của Mỹ với tổng giá trị học bổng lên tới 618.400 USD (gần 14,5 tỷ đồng).
Theo đó, Đào Thế Hoàng đã xuất sắc nhận được thư mời nhập học từ 6 trường Đại học: Albion College, Rochester Institute of Technology, Ohio Wesleyan College, University of Maine, Augustana College và Whitworth University. Trong đó, trường Whitworth – một trong những trường Đại học tốt nhất khu vực Tây Hoa Kỳ – đã đồng ý trao suất học bổng toàn phần trị giá 128.400 USD (khoảng hơn 3 tỉ đồng) cho Thế Hoàng.
Ít ai biết rằng, Đào Thế Hoàng là con của Tiến sĩ Đào Thế Anh; cháu nội của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn; chắt nội của Giáo sư, học giả danh tiếng Đào Duy Anh. Là hậu duệ của một học giả uyên bác, là con của một gia đình có truyền thống hiếu học, Đào Thế Hoàng sớm bộc lộ là một tài năng trẻ trên nhiều lĩnh vực.
Cách đây đúng một năm, Tiến sĩ Đào Thế Anh có chuyển cho tôi xem về một bài viết phê bình nghệ thuật của tác giả Đào Thế Hoàng và đề nghị cho ý kiến. Sau khi đọc xong bài viết tôi không thể hình dung được đây là bài viết của một cậu học sinh lớp 11. Vì vậy, tôi đề nghị Tiến sĩ Đào Thế Anh cho phép được trao đổi lại trực tiếp với tác giả bài viết để thẩm định lại trước khi đăng.
Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn một giờ đồng hồ giữa tôi và Thế Hoàng trong thư phòng giản dị nhưng in dấu những công trình của ba nhà khoa học: Giáo sư Đào Duy Anh; Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn; Tiến sĩ Đào Thế Anh. Cuộc nói chuyện thân mật với Thế Hoàng đã cho tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về tư duy sâu rộng một cậu học sinh lớp 11 về nhiều lĩnh vực.
Sau cuộc trò chuyện với Thế Hoàng, tôi không một chút hoài nghi về năng lực nghiên cứu và những tìm tòi mới mẻ được đề cập trên bài viết, tôi đã quyết định đăng bài viết “Suy nghĩ về tác dụng của nghệ thuật trong đời sống” của Thế Hoàng trên Tạp chí Văn Hiến Việt Nam và một số Tạp chí chuyên ngành khác.
Bài viết là quan điểm của Thế Hoàng về tầm quan trọng của nghệ thuật trong đời sống và những bài học sau mỗi tác phẩm nghệ thuật đã được đông đảo bạn đọc đánh giá cao. Họ càng lý thú hơn khi biết, Thế Hoàng không phải là học sinh chuyên về xã hội.
Nhìn vào kết quả, đặc biệt các điểm thành phần kỹ năng nghe 8.5 và kỹ năng đọc 9.0 của kỳ thi IELTS, chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng Hoàng đã bỏ nhiều công sức và chi phí luyện thi ở những lớp học thêm ở trung tâm tiếng Anh. Thật đáng ngạc nhiên, Hoàng đã chọn cách tự học, tự tìm hiểu từ các nguồn sách, tài liệu sẵn có trên mạng để cải thiện những kỹ năng còn yếu của mình.
Hoàng tự nhận thấy thành công của em đến từ nỗ lực, biết biến bất lợi thành lợi thế, và sử dụng chính sở thích viết để làm nên một bài luận ấn tượng. Thế Hoàng cho biết, với em, bài luận là phần khó nhằn nhất trong bộ hồ sơ du học: từ việc tìm ra ý tưởng đến cách viết để bài viết có tính liên kết toàn bài, truyền tải được những thông điệp về cá nhân mình đến ban tuyển sinh.
Hoàng chia sẻ, để tìm được ý tưởng cho bài luận, em quan sát cuộc sống xung quanh, từ những điều gần gũi nhất liên hệ lại những cuốn sách em đọc để chọn ra được bài học mà em tự hào. Theo Hoàng, một bài luận thành công không cần là một bài viết về những điều qua cao siêu, những triết lý phức tạp. Bài luận sẽ chỉ thực sự chạm được vào người đọc nếu câu chuyện khắc họa chân thực được con người người viết, kể cả khi câu chuyện bắt đầu từ những điều giản dị nhất.
Mẹ của Thế Hoàng vui mừng cho biết: “Cháu là một người tò mò, có trí tưởng tượng phong phú, có khả năng phát triển ý nghĩ mạch lạc và rõ ràng như một ‘kiến trúc sư ý tưởng’. Suy nghĩ và đánh giá của cháu với một vấn đề hay một sự việc nào đó thường mang tính phản biện, thể hiện quan điểm cá nhân độc lập ở các lĩnh vực khác nhau của mình.Từ nhỏ, cháu đã thích đọc sách, nên cũng dần dần hình thành sở thích viết. Từ bài viết đầu tay đăng ngày 19/4/2018 trên Văn Hiến đã khích lệ cháu rất nhiều trong học tập và nghiên cứu…”.
Ngay khi biết tin hậu duệ của học giả lỗi lạc Đào Duy Anh giành 06 học bổng danh giá từ các trường Đại học Mỹ tôi cũng không giấu được niềm vui mừng vì có chung tự hào cùng đồng nghiệp Tiến sĩ Đào Thế Anh mà còn vui vì cậu “Tú” Thế Hoàng vẫn còn nhớ những kỷ niệm về bài viết đầu tay trên Văn Hiến mà tôi trực tiếp phản biện.
Thái Hải (SSDH) – Theo ĐSPL