Sẵn sàng du học – Có nhiều phụ huynh hỏi tôi về hệ thống giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến 12) tại Mỹ như thế nào? Hãy cùng SSDH nghiên cứu những chia sẻ bài viết dưới đây của chú Đỗ Kim Dũng, Giám đốc quốc gia của một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận toàn cầu (YFU) ra đời từ Mỹ năm 1951 hiện đã phủ rộng 60 nước.
HỆ THỐNG TRƯỜNG CÔNG (public school) do chính quyền quản lý.
Mọi học sinh là công dân Mỹ đều được miễn phí khi theo học tại trường công. Tuỳ theo độ giàu nghèo và chính sách mỗi bang, có thể cả xe bus đưa đón và bữa trưa cũng hoàn toàn miễn phí. Có một điều chắc chắn, các gia đình thu nhập thấp (thế nào là thu nhập thấp thì tuỳ mỗi bang quy định) đều được hỗ trợ chi phí bus và ăn tại trường. Tuy nhiên trường công không được phép nhận học sinh quốc tế một cách trực tiếp. (Có một vài bang “xé rào” chỉ nhận một năm, thường ở lớp 9,10,11 khi có người thân là Việt kiều đứng ra bảo trợ ăn ở). Họ chỉ được nhận thông qua các tổ chức giáo dục phi lợi nhuận (như YFU chẳng hạn) đã được Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa Mỹ cho phép. Chương trình này cho HS nước ngoài đến học 1 năm miễn phí với tên gọi là: “Du học trao đổi văn hoá” (visa J-1)
HỆ THỐNG TRƯỜNG “TƯ NHÂN THẾ TỤC”:
Thế nào là “tư nhân thế tục” ?. Đấy là loại trường không xác định chủ sở hữu, không kiếm lợi nhuận chia cho cổ đông hay chủ sở hữu. Ban đầu có thể có 1 (hay 1 nhóm) người góp tiền xây dựng nên trường. Những người góp tiền xây dựng này chỉ được “lưu danh” lấy tiếng chứ không gọi là cổ đông đầu tư. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền hay một tổ chức để bầu Ban quản trị, bầu Hiệu trưởng để vận hành. Trường này thu phí mọi học sinh (cả trong và ngoài nước) chi cho tất cả mọi hoạt động giảng dạy, tu bổ cơ sở vật chất và trả lương giáo viên (chính phủ Mỹ không cấp kinh phí). Nguồn thu của trường không chỉ là học phí, hàng năm nhà trường còn vận động các nguồn quyên góp, hiến tặng từ phụ huynh, từ các tổ chức và mọi người dân. (ĐH Harvard cũng thuộc dạng này, nguồn thu từ quyên góp và hiến tặng hơn 50%). Thi thoảng phụ huynh nhận các thư kêu gọi hay bảng báo cáo về tài chính của trường là để “xin” thêm ngân quỹ bổ sung.
Hệ thống trường tư (private school) này rất phổ biến tại Mỹ, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo. Chiếm tỷ lệ khá cao trên 70% thuộc về Tin lành và Thiên chúa giáo. Theo suy nghĩ của tôi, hệ thống trường tư nhân thế tục của Tin lành (Christian) thực sự rất tốt, quản lý học sinh chặt chẽ, không có các tệ nạn (hút cần sa, nhuộm tóc, đánh nhau, thời trang kinh dị đua đòi…) thâm nhập vào đây được. Đặc biệt, các thầy cô rất giàu lòng yêu thương, am hiểu tâm lý học sinh, đặc biệt là học sinh quốc tế để chăm sóc, chia sẻ những khó khăn khi sống xa nhà, hoà nhập vào môi trường văn hoá mới khác biệt.
HỆ THỐNG TRƯỜNG TƯ NHÂN của các tổ chức kinh doanh.
Thường những trường phổ thông kiểu này do các tập đoàn quốc tế đầu tư và kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Học sinh Mỹ và châu Âu ít khi đến các trường này học mà chủ yếu HS châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Những tập đoàn giáo dục kiểu này đầu tư nhiều hệ thống (trung học, đại học) tại các nước châu Á và Mỹ để chuyển tiếp học sinh có nhu cầu dịch chuyển. Đặc biệt hệ thống trường tư này thường có cả nội trú để lo cho cả ăn ở toàn thời gian. Tuy nhiên chi phí lại vô cùng đắt đỏ, thường phải trên 30,000 USD/ năm là con số khiêm tốn. Có một vài trường tuyển sinh rầm rộ tại Việt Nam những năm gần đây, đặt ở ngoại ô New York hay Boston với chi phí hàng năm tầm trên 50,000 đô – 65,000 USD. Tôi có dịp đến thăm vài trường như vậy, thành thật mà nói phần lớn (80%) là học sinh người China, con nhà quan chức giàu có. Có những HS lớp 9 đã khoe với tôi 2-3 thẻ credit ở mức 10-20,000 USD/ thẻ. Rõ ràng, nếu các phụ huynh gia đình trung lưu tại Việt Nam cho con “nhập hội” cùng HS ở các trường kiểu này cũng dễ…cháy két sớm !.
Hy vọng tôi đã cung cấp cái nhìn cơ bản nhất về hệ thống trường phổ thông tại Mỹ cho các Phụ huynh/ HSSV Việt Nam sẽ có cái nhìn thức đúng, sẽ hành động đúng và tăng cao cơ hội thành công cho các cháu du học Mỹ trong tương lai.
SSDH team