Hồ sơ học bổng Ivy League và các trường Top khác tại Mỹ khác gì so với hồ sơ nộp trường thường?

0

SSDH – Trong rất nhiều năm, dù thế hệ nào đi du học, mình cũng thấy các bạn hỏi: “Hồ sơ của em thế này, liệu đã đủ để xin học bổng top 20 của Mỹ chưa ạ?” Một phần thì mình thấy đó là mơ ước chân thành của những bạn trẻ nhưng phần khác thì mình thấy bản thân câu hỏi đó chính là vật cản để các bạn vào trường top.

HỒ SƠ TRƯỜNG SIÊU NHỎ CHỈ CẦN ĐIỂM CAO, HỒ SƠ TOP 100 CHỈ CẦN NHIỀU THÀNH PHẦN ĐỀU TỐT, VÀ HỒ SƠ TRƯỜNG TOP CỦA TOP CẦN TỔNG THỂ LỒNG VÀO NHAU:

Có rất nhiều trường nhỏ cần sinh viên tốt để đẩy điểm SAT và tăng thứ hạng. Ví dụ như trường Northern Kentucky hay Troy University tại Mỹ thì họ còn ghi hẳn trên website là SAT trên 1500 sẽ tự động có học bổng toàn phần. Những trường như thế này đào tạo không phải là tệ nhưng dù sao nó cũng chỉ là trường ở cấp địa phương của bang nên nói thật là ra trường, sinh viên quốc tế rất khó lòng ở lại và kiếm việc tốt.
Trường tầm trung trong top 100 kiểu như University of Tennessee Knoxville hay Texas Christian University (trong top 100 NU) thì cần tất cả các thành phần hồ sơ đều có điểm sáng: Dạng như bài luận hay, thư giới thiệu thể hiện các đặc tính của sinh viên trong bài luận, điểm tương đối cao (cả SAT cả điểm Trung bình môn GPA), có một số hoạt động ngoại khóa liên quan đến chương trình định học.
Trường IVY LEAGUE VÀ CÁC TRƯỜNG TOP KHÁC (kể cả là Top ngành thôi) thì là cả một loài động vật khác:
  • Với bậc đại học, 80% hồ sơ nào nộp vào đây gần như SAT trên 1500, IELTS qua sàn, AP đôi ba môn/ hoặc trường tư cấp ba nổi tiếng Mỹ, giải quốc gia, quốc tế tính bằng đơn vị chục cái huy chương, hoạt động ngoại khóa có liên quan đến chuyên ngành định học không chỉ nhiều mà còn rất sâu. Ví dụ, nếu học hóa học mà có giải điều chế một hợp chất gì đấy ở một sự kiện quốc tế
  • Với bậc thạc sĩ Tiến sĩ thì 80% hồ sơ có GMAT, GRE trên trung bình trường, IELTS qua sàn, kinh nghiệm tầm 3 đến 5 năm với chuyên ngành định học có lũy tiến (thăng từ nhân viên lên trưởng nhóm trưởng phòng, có tên tuổi công ty lớn) hoặc có xuất bản báo khoa học trong danh sách trường.
  • Chưa kể dù bậc nào thì bài luận và thư giới thiệu cũng khá là xuất sắc nếu đứng riêng nữa.
Vậy làm sao để hồ sơ bật lên tại các trường TOP CỦA TOP CỦA TOP NÀY?
  • Một thứ được nêu trong CV (sơ yếu lý lịch), sẽ phải được nhắc lại ở 2 thành phần hồ sơ khác (bài luận, thư giới thiệu hoặc phỏng vấn)
  • Nhưng việc nhắc lại này không chỉ là nhắc lại, mà phải mở rộng, thêm chi tiết. Ví dụ, trên sơ yếu viết 1 dòng về 1 hoạt động từ thiện mà mình tham gia, thì thư giới thiệu phải nói được là bạn này đã lên ý tưởng về hoạt động từ thiện đó như thế nào, người đang viết thư ấn tượng với bạn ấy ra sao.
  • Sau đó ngoài thư giới thiệu thì khi phỏng vấn, ví dụ trường hỏi: “Em đã từng xung đột với bạn cũng nhóm chưa và em giải quyết như thế nào?” Thì ứng viên phải nhắc lại hoạt động từ thiện cụ thể và nói xung đột cụ thể với ai trong hoạt động đó, và đi sâu xuống các giải quyết của mình.
  • Tương tự như vậy với một môn học điểm cao, hoặc giải thành tích cao, thì sẽ phải có 1 thư giới thiệu khác nhắc đến điểm này, nói là trong lớp bạn cố gắng như thế nào, hành động của bạn khi học và hướng dẫn môn học đó với các bạn khác ra sao, thắt lại bằng vì học môn đó nên bạn phù hợp với ngành này và có thể làm LỚN trong ngành này thế nào.
  • Với hồ sơ thạc sĩ, tiến sĩ thì ví dụ như có một bài nghiên cứu xuất bản, mà xung quanh bài đó có thêm một vài bài blog liên quan đến nghiên cứu đó để thể hiện quá trình. CV (sơ yếu) cũng phải thể hiện là mình từng làm những việc khiến mình có động lực để làm nghiên cứu đó. Rồi bài luận và thư giới thiệu vừa nói về động lực vừa nói về quá trình mình làm nghiên cứu thì là xuất sắc nhất.
Nhìn chung, hồ sơ ứng tuyển trường top khó nhất là ở chỗ nó sẽ bóc tách từng tầng như một con búp bê Nga Matryoska lớn. Mỗi tầng lập lại câu chuyện của tầng trước những kĩ hơn, sâu hơn, chi tiết nhiều hơn, khiến nó lôi cuốn người đọc:
  • Với trường top 100 thì vẫn là Matryoshka nhưng không cần nhiều tầng đến thế. Hoặc giả chỉ khoe vỏ ngoài của nhiều con búp bê đẹp (từng thành phần hồ sơ là được)
  • Với trường top ngoài 100 thì chỉ cần một cái vỏ (một thành phần hồ sơ đặc biệt xuất chúng như điểm SAT/ GMAT) là cũng xong
Cái khó nhất với một con Matryoska bóc tách từng tầng chính là độ thống nhất của câu chuyện. Vì kể cùng một (hoặc thường là rất nhiều) chuyện nhiều tầng, mỗi tầng sâu hơn một chút và chi tiết hơn một chút, hoặc từ nhiều góc cạnh khác nhau nên rất dễ có chi tiết không thống nhất. Mà chi tiết không thống nhất này có thể đến từ góc nhìn của nhiều người viết thư giới thiệu khác nhau. Và nếu góc nhìn này trái với cái mà mình nêu trong bài luận hoặc phỏng vấn thì đối tượng trượt thẳng cẳng.
Có vài cách để làm cho những chi tiết này thống nhất:
  • Mình phải giỏi xuất sắc và với ai mình cũng phải thể hiện một “thương hiệu” như nhauVí dụ hoạt động từ thiện mà mình làm ở một tổ chức ngoài trường nhưng cô giáo ở trên trường và một thầy đội tuyển quốc tế cũng biết thật chi tiết và ghi vào thư giới thiệu từng chi tiết nhỏ.
  • Mình kiểm soát toàn bộ thư giới thiệu, và viết xuống toàn bộ một câu chuyện theo 10 cách khác nhau trước khi phỏng vấn, thêm nhiều chi tiết khác nhau dựa trên 10 câu hỏi khác nhau.
  • Ví dụ như câu chuyện về cùng một hoạt động ngoại khóa, hay bài nghiên cứu, hay kinh nghiệm có thể thể dùng để trả lời cho câu hỏi: Em giải quyết mâu thuẫn giữa các bạn/ các phòng ban thế nào? Em từng đối mặt với những quyết định rủi ro như thế nào? Em thấy mình có điểm mạnh điểm yếu gì?
  • Nếu mỗi câu hỏi, bạn đều có thể kể 3 đến 4 câu chuyện nối thẳng vào CV (sơ yếu lý lịch của bạn) thì bạn thắng đậm
  • Và mạnh nhất là thư giới thiệu sẽ kể về đúng những câu chuyện đó từ một góc cạnh khác hoặc đi sâu hơn.
Nhìn chung đồng nhất và đi sâu hơn vào chi tiết hồ sơ là một thứ cực kì khó làm. Kể cả bạn có làm những việc đó thật nhưng làm sao bới ra được 10 chi tiết hay ho để kể theo 10 cách khác nhau thì lại là cả vấn đề khác.

NGOÀI RA HỒ SƠ TRƯỜNG TOP LUÔN LÀ MỘT HỒ SƠ KHÔNG HOÀN CHỈNH… VÌ NÓ CÒN ĐANG LỚN

Bạn nào cũng hỏi “Hồ sơ của em đủ chưa?” Nhưng riêng với trường top đây là cách tiếp cận không thể sai hơn. Nếu hồ sơ của mình có bao nhiều mình phải nộp cho trường hết thì bạn đang tự biến bản thân mình thành một bát nước hắt đivà khi trường hỏi thêm bạn không còn chi tiết gì để đưa ra nữa.
Trường top nhiều khi hơn nhau ở yếu tố ngạc nhiên, giống như kiểu trường đọc hồ sơ của bạn xong, trường phải nghĩ: “Ồ liệu bạn này còn gì để mình ngạc nhiên nữa không nhỉ ?” Nếu bạn đã liệt kê hết những cái mình có ở vòng đầu thì sau đó bạn cũng giống con búp bê rỗng trong hình, không còn gì nữa. Đây là cách nhanh nhất để bạn bị loại khỏi cuộc đua top.
Nếu bạn đã đọc profile của mình ở mấy bài trước rồi thì bạn sẽ để ý thành tích của mình rất nhiều nhưng mình không nêu nó hết ở một chập.
  • CV mình có 2 cái: một cái CV theo dòng thời gian bình thường và 1 cái nêu về kĩ năng nào mình học ở đâu, đào tạo chính thức ra sao, áp dụng vào cái gì, dự án cụ thể nào. Chỉ nguyên việc bóc tách kinh nghiệm theo 2 kiểu CV này đã khiến trường có nhiều góc nhìn hơn về mình và tò mò về những điểm mà họ chưa nhìn thấy trong 1 cái CV,
  • Ngoài ra mình công khai facebook gần như 100% cùng LinkedIn. Nó giống như một cái CV động, mình nêu quan điểm của mình về một số cái liên quan đến chính trị xã hội, chuỗi cung ứng, văn hóa, tôn giáo trên facebook khá nhiều (gần đây không thế vì mình qua giai đoạn cần vào các trường lâu rồi). Nhưng nếu đọc thì các bạn sẽ thấy mình viết cả bài về Chuỗi cung ứng Mỹ phản ứng với COVID thế nào thời kì đầu COVID.
  • Các bạn cũng không nhất thiết phải viết bằng tiếng Anh vì nếu bạn nói trong bài luận là tôi muốn gây ảnh hưởng với Việt Nam thì họ nhìn bài Việt Nam rồi phản ứng của độc giả Việt Nam với bài của bạn cũng tốt. Nó thống nhất với cái bạn viết trong bài luận.
  • Ví dụ như Columbia đi: Mình viết về dự án quốc phòng trong bài luận, cùng lúc đó mình có nhiều bài Blog về Biển Đông và cách nghĩ của mình về biển Đông. Sau đó khi phỏng vấn mình kể về chuyện anh họ mình nhập ngũ như thế nào. Rồi có người nhìn thấy 1 dòng kể về doanh nghiệp của mình trên CV thì hỏi mình và mình lại có thêm chuyện khác để kể với họ.
Có bạn nhận xét trực tiếp trên hồ sơ của mình là tất cả những gì mình liệt kê cho hồ sơ học bổng mới là 1 phần nhỏ trong những cái mình làm được. Và đúng như vậy, mình chỉ để đủ trong hồ sơ để họ thấy mình làm tốt và vẫn tò mò về mình:
  • Columbia nhìn thấy mấy cái doanh nghiệp mình mở, dù chỉ 1 dòng
  • Họ hỏi và mình kể cho họ một câu chuyện khác hẳn.
  • Điều này khiến họ thầm nhủ: “Ô động vào chắc còn nhiều thứ nữa. Và tương lai thì lại càng nhiều.” Vì thế họ không ngần ngại mà tiếp tục cho thêm.
Hồ sơ Tiền tiến sĩ cho Stanford đi:
  • Hồ sơ này mình động đến phần quan hệ quốc tế rất mỏng.
  • Nhưng nếu các bạn so giữa bài profile và bài quan hệ quốc tế gần đây nhất của mình, bạn sẽ thấy là bài quan hệ quốc tế toàn là những câu chuyện mình chưa nêu trong profile nhưng có thể kể để bổ sung khi mình nộp vào trường top. Dù hồ sơ thực sự nộp trước lúc phỏng vấn ghi vụ quan hệ quốc tế có 4 5 dòng vì kinh nghiệm sứ quán của mình.
  • Và khi Stanford thấy mình kể thêm về những câu chuyện quan hệ quốc tế ngoài start up của mình thì họ sẽ đánh giá là: “Bạn này có khả năng còn mở rộng quan hệ nữa để phục vụ cho cả nghiên cứu và kinh doanh sau này.
Có một bác Partner (vị trí cao nhất trong các công ty tư vấn chiến lược lớn Consulting) của PwC từng nói với mình thế này: “Jenny đừng có biết gì là nói nấy. Khi biết gì nói nấy nhiều khi người nghe họ biết nhiều hơn mình thì họ sẽ nghĩ mình thật ngu ngốc. Hãy nói 10% cái mình biết rồi hỏi họ. Khi họ kể câu chuyện của họ thì minh hỏi thêm những câu hỏi thông mình lồng hiểu biết của mình vào. Như thế đối phương mới nghĩ ồ bạn này cũng biết biết đây. Nhưng vì đối phương không biết mình biết được bao nhiêu nên họ nghĩ là mình biết rất rất nhiều hơn cái mình nói.
Đây là các bán gói dịch vụ của các Công ty tư vấn chiến lược lớn và nó cũng là cách các bạn nên dùng nếu muốn tiếp cận trường Ivy League hay những trường top khác.

CUỐI CÙNG, TRƯỜNG CHỌN MÌNH HAY MÌNH CHỌN TRƯỜNG?

Câu hỏi này phụ thuộc vào bản thân bạn có làm được nhiều hơn cái trường cần hay không. Nếu bạn phải đưa ra hết những thứ mình làm ngay vòng đầu nộp hồ sơ thì là trường chọn bạn. Còn nếu bạn chỉ đưa 50% hoặc thậm chí chỉ 30% hay 10% hồ sơ trong vòng đầu, giữ phần còn lại để tạo bất ngờ cho trường thì bạn sẽ là người chọn trường. Đến cuối ngày thì chỉ có năng lực hoặc/ và tiền cực nhiều thì mới có thể học Ivy League hoặc các trường top khác.
Disclaimer luôn là minh tập trung hơn vào những bạn CẦN HỌC BỔNG TỪ FULL HỌC PHÍ ĐẾN TOÀN PHẦN chứ còn bạn có tiền thì game của bạn có thể đuối hơn một chút. Và bạn nào chỉ cần làm được một nửa cái kĩ năng mình nêu ở trên thì ở trường top 100 thì dù thành tích không quá cao cũng sẽ dễ full học phí.
SSDH (theo Jenny Hoang)
Share.

Leave A Reply