Sẵn sàng du học – Khi các bạn sang Úc làm việc, nộp đơn xin việc ở đây thì các bạn đang cạnh tranh với rất nhiều ứng cử viên (candidates) sáng giá từ các nước trên thế giới. Vì vậy, ngay từ bước làm hồ sơ xin việc bạn cần đầu tư thời gian và công sức thật kĩ, thật chuyên nghiệp và chuẩn Úc.
Theo báo cáo của ABS của Úc hồi tháng 6/2020 thì chỉ có 1/10 số người nhập cư tìm được việc trước khi qua Úc, 44% số người nhập cư phải mất ít nhất 3 tháng để tìm được công việc đầu tiên. Và rất nhiều người trong số đó có thông qua các agency, các công ty hỗ trợ tìm việc, những người hướng dẫn kinh nghiệm tìm việc làm, giúp mình tìm được việc làm ưng ý.
Do tính chất cạnh tranh của thị trường lao động ở đây, đặc biệt với các bạn ngừời bản địa, thì để có thể nổi bật trước đám đông, bước đầu tiên là các bạn cần phải đầu tư thời gian để viết một bản CV chỉn chu, pro và chuẩn Úc. Mình biết khá nhiều bạn đã từng gửi hàng chục, thậm chí hàng trăm CV tới các công ty ở Úc mà không hề được hồi đáp vì bản CV chưa thật sự theo chuẩn ở đây.
Trong thời gian làm việc tại VP Deloitte Consulting ở Melbourne, mình đã từng đọc rất nhiều CV của các bạn khi xin việc ở Úc, tham gia phỏng vấn các candidates và cũng có dùng phần mềm applicant tracking systems (ATS) giúp khách hàng lọc bớt các hồ sơ của ứng viên và đúc kết được một số kinh nghiệm như sau:
1. Mục đích:
Mục đích của bản CV là giúp bạn được mời phỏng vấn. Do đó, các bạn hãy coi CV như một tài liệu bán hàng, với mục tiêu chính là xây dựng hình ảnh bản thân (kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ học vấn…) với công ty các bạn đang apply. Vì vậy, CV của bạn phải cắt tỉa cẩn thận cho từng vị trí, từng công ty, để nhà tuyển dụng thấy bạn đáp ứng được những yêu cầu cụ thể nào của vị trí đang tuyển và có thể mang lại giá trị gì cho công ty.
2. Cấu trúc:
Thông thường, một bản CV ở Úc sẽ bao gồm các nội dung chính như sau:
- Personal Details (chi tiết về bản thân)
- Professional Summary / Profile (trình độ chuyên môn)
- Experience (kinh nghiệm)
- Skills (kĩ năng)
- Education / Qualification (bằng cấp, trình độ)
- Referees (thông tin của người mà nhà tuyển dụng có thể hỏi tin tức về bạn)
Tùy thuộc vào từng vị trí bạn nộp đơn., bạn có thể cân nhắc cho thêm thông tin về Volunteering activities, interest / hobby, các bài báo / đề tài nghiên cứu… có liên quan đến vị trí mình nộp đơn.
Lưu ý: CV ở Úc thường không có đính kèm hình của ứng viên và cũng không cần để năm sinh hay giới tính.
3. Độ dài của CV:
Hầu như mỗi post đăng tuyển hiện nay ở Úc thì HR đều nhận được vài trăm CV. Do vậy bản CV của các bạn nên dài 2-3 trang thôi, dài quá thì HR cũng không xem hết được, họ chỉ có khoảng 10-20 giây để lướt qua 1 hồ sơ.
4. Phần mềm ATS:
Hiện nay, nhiều công ty ở Úc có dùng phần mềm ATS để scan, lọc bớt hồ sơ, quét các thông tin từ khóa trên CV để chấm điểm (rank) candidates, trước khi phòng HR/ các bộ phận liên quan quyết định sẽ chọn xem tiếp CV nào. Do vậy, các bạn lưu ý nên include trong CV càng nhiều từ khóa liên quan trong phần miêu tả công việc càng tốt. Ví dụ: trong bản mô tả công việc ghi là “CRM software” thì bạn dùng đúng từ này trong CV, đừng ghi là “Salesforce” vì ATS sẽ không chấm điểm khớp phần này cho bạn, điều này bất lợi cho hồ sơ của mình.
5. Thiết kế CV:
Mình thấy một số bạn thích dùng bảng biểu (table), nhiều design, hình ảnh, icons, font chữ phức tạp, viết tắt… trong CV – điều này bạn cần cân nhắc kỹ vì ATS thường sẽ không quét được những nội dung này, và do vậy có thể sẽ làm giảm điểm ranking của bạn so với các candidates khác.
Nếu các bạn chịu khó tìm sẽ thấy rất nhiều trang web hướng dẫn cách viết CV như: Canva, Novoresume, Resume Genius.. Tuy nhiên, đừng quá phụ thuộc vào các mẫu có sẵn mà nên viết theo CV của mình, tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Mình là Minh Le, hiện đang sống tại Úc. Rất mong nhận được chia sẻ từ các anh chị đi trước để mọi người cùng hỗ trợ nhau tìm được công việc ưng ý ở Úc.
SSDH team