Sẵn sàng du học – Nếu bạn trẻ Việt học giỏi toán ở phổ thông hoặc đại học thì các bạn có rất nhiều cơ hội chọn ngành nghề du học để có mức lương hấp dẫn và cơ hội xin việc cao ở Mỹ.
Tiến sĩ Đinh Công Bằng, từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học thông tin, Đại học bang Florida, có hơn 20 năm làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam và Hoa Kỳ; hiện là nhà hoạt động cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục quốc tế, việc làm, và định cư tại Hoa kỳ đã trực tiếp giải đáp cho những câu hỏi về chọn ngành nghề du học, xu thế tuyển dụng và tình hình thị trường việc làm tại Mỹ.
Câu 1: Lý do vì sao nhiều sinh viên Việt Nam sau khi ra trường không xin được việc tại Mỹ, có phải do học ngành không được ưu tiên tại Mỹ hay do bản thân sinh viên đó?
TS. Đinh Công Bằng: Lý do này đúng. Sinh viên Việt Nam không cạnh tranh được với sinh viên Ấn Độ và sinh viên Trung Quốc tại Mỹ bởi chúng ta học những ngành mà thị trường Mỹ không cần hoặc ít cần.
Nếu muốn xin việc tại Mỹ thì bạn phải học những ngành thị trường Mỹ đang cần. Do vậy, tôi thường không khuyên các bạn trẻ học trường top, học trường đắt, học trường ở thành phố lớn… mà yếu tố quan trọng nhất là chọn ngành nghề.
Câu 2: Ngành nghề nào có nhu cầu lớn về nhân sự ở Mỹ trong thời gian tới? Những kỹ năng cần thiết chuẩn bị để tăng cơ hội xin việc?
TS. Đinh Công Bằng: Những ngành hiện đang là xu thế và sẽ còn có nhu cầu lớn về lao động trong thời gian tới tại Mỹ là các ngành liên quan đến tính toán, lập trình, các ngành hỗ trợ cho ngân hàng, doanh nghiệp.
Có quá nhiều thứ cần chuẩn bị để tăng cơ hội xin việc ở Mỹ sau tốt nghiệp, nhưng có hai cái sinh viên Việt cần tập trung hơn cả: một là học đúng ngành thị trường Mỹ cần, hai là học đến cao học.
Câu 3: Có nên học lên tiến sĩ không hay chỉ học thạc sĩ rồi xin việc tại Mỹ, khi mục đích cuối cùng là có công việc ở đây?
TS. Đinh Công Bằng: Bằng cao học là yếu tố hiệu quả để xin việc. Tuy nhiên, học tiến sĩ ví như quá trình leo núi Hy Mã Lạp Sơn nên nếu chỉ để nói về xin việc, học tiến sĩ là không cần. Học tiến sĩ thường cho sở thích cá nhân là chính. Với câu hỏi này, để xin việc hiệu quả nhất học thạc sĩ 2 năm là ổn.
Câu 4: Nếu học thạc sĩ ngành ngoài STEM thì cơ hội xin việc ở Mỹ có cao không?
TS. Đinh Công Bằng: Vẫn có chứ. Một số ngành không phải STEM nhưng học lên thạc sĩ tăng cơ hội đáng kể, không những về cơ hội xin được việc làm mà cả lương. Ví dụ: Accounting, Finance, Business analytics, Economics…
Lưu ý, khi bạn đã chọn "sai ngành" rồi thì có học thạc sĩ hay học lên cao nữa khả năng xin được việc cũng không thay đổi nhiều.
Câu 5: Học sinh giỏi Toán thì nên chọn ngành học ngành gì ở Mỹ? Cơ hội xin việc của sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành STEM là gì?
TS. Đinh Công Bằng: Khi bạn giỏi toán ở phổ thông hoặc đại học thì bạn có rất nhiều cơ hội chọn ngành nghề ở Mỹ. Những ngành chỉ liên quan đến Toán thôi thì có các ngành: Toán tài chính, Toán bảo hiểm, Thống kê…
Còn những ngành Toán liên quan đến lập trình thì cơ hội rất nhiều: Computer science, Data science, Computational Science.
Ngay cả bạn học các ngành xã hội nhưng dùng nhiều tính toán như Tài chính, Kinh doanh thì cũng khá nhiều lựa chọn.
Các ngành liên quan lập trình tính toán đa phần có cơ hội lương cao.
Tuy nước Mỹ rất ưu tiên ngành STEM dẫn đến cơ hội xin việc cao hơn ngành khác nhưng phải cẩn thận, trong các chuyên ngành STEM khác nhau thì cơ hội rất khác nhau. Ví dụ, trong những năm gần đây, một thống kê cho thấy chỉ 30-40% những người Mỹ có bằng cao học Hóa tìm được việc làm toàn thời gian tại chính quốc gia mình.
Điều đó có nghĩa, sinh viên quốc tế học ngành này cơ hội xin việc sẽ thấp vì Mỹ chuyển việc chế hóa chất sang nước khác chứ không làm ở Mỹ nhiều. Trong khi đó, các ngành về lập trình, tính toán, bào chế thuốc thì cơ hội xin việc sẽ cao.
Một số chuyên ngành khác thuộc STEM vẫn được ưu tiên có hội thực hành 36 tháng sau tốt nghiệp nhưng cơ hội việc làm khá hạn chế.
Do vậy, các sinh viên Việt du học ở Mỹ cần theo dõi, cập nhật xu hướng ngành nghề liên tục.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân Trí