Học và ngẫm từ phim ảnh nước ngoài khi du học

0

SSDH – Ngày nhỏ mẹ mình hay cấm xem phim tại mình cứ xem là sẵn sàng quăng hết bài tập. Nhưng lớn hơn một chút, mình lại thấy xem phim có chọn lọc và vừa xem vừa ngẫm lại là một trong những cách để duy trì việc HỌC CHỦ ĐỘNG hay ACTIVE LEARNING.

Thông thường, xem phim hay đọc truyện chỉ là để giải trí. Và với mục đích này, mọi người hay thả lỏng đầu óc, không nghĩ quá nhiều, và để cho tâm trạng trôi theo cảm xúc trong mạch truyện hoặc phim. Xem phim cách này vui thì cười, buồn thì khóc nhưng xong là xong, gần như không đọng lại được gì. Vậy nên ngoài mục xả xì trét thì xem như vậy quá nhiều thực sự là tốn thời gian.

Học và ngẫm từ phim ảnh nước ngoài khi du học

 

MUỐN HỌC CHỦ ĐỘNG THÌ PHẢI DÙNG NÃO ĐỂ XEM PHIM

Thực ra một bộ phim được làm tốt thì ngoài giá trị giải trí thì nó còn có những giá trị văn hóa cũng như triết lý nhân sinh của quốc gia nơi nó được tạo ra. Kể cả những phim mang tính chất ngôn tình hay cung đấu cũng chưa chắc không có những giá trị này. Ví dụ, trong phim “Chân Hoàn Truyện,” các bạn có thể tìm thấy rất nhiều câu nói mà càng ngẫm thì càng thấy có nhiều triết lý trong nó.

Trong một phân cảnh, Chân Hoàn đi dạo cũng con trai nuôi, nàng nghe thấy một phi tần khác nói xấu mình nhưng chỉ phản ứng rất nhẹ nhàng. Con trai nàng hỏi tại sao nàng không tức giận. Nàng lại dạy: “Hãy nhớ. Đừng vì những người không đáng, việc không đáng mà phí thời gian, phí tâm sức.”

Nếu dùng não để xem thì câu nói này không nhằm để hạ thấp phi tần kia. Nó thực sự nói về những người ghét mình thì sẽ ghét mình nhưng chắc gì đã ảnh hưởng được đến việc của mình. Vậy thì sao mình phải tức giận phái phí công tính toán giải thích chỉ vì một người chắc chắn không thích mình. Như thế chỉ tốn thời gian mà thôi. Áp vào thời hiện đại, thì cái này cũng giống như “người ta chửi mình trên mạng thì cũng có làm gì được mình đâu mà phải tức.”

XEM PHIM MỸ ĐỂ HỌC CHỦ ĐỘNG THÌ CŨNG VẬY THÔI…

Gần đây mình xem bộ phim Yellowstone nói về cách sống của cao bồi miền Tây nước Mỹ trong thời hiện đại. Điểm mình thích nhất của phim chính là thi thoảng các anh cao bồi sẽ bật ra một câu mà mình phải ngẫm mấy ngày mới hiểu.

Mới đây nhất, khi một anh cao bồi nhặt một đứa trẻ vô gia cư về và dạy nó cách hót phân ngựa, ảnh đã nói: “Để cuộc sống của mày tốt đẹp hơn thì mày đừng báo giờ nghĩ mình xứng đáng có được công việc này. Hãy là người sớm nhất tới đây và muộn nhất rời khỏi.” (Nguyên văn tiếng Anh: “Don’t ever think you deserve it. Be the first one to come and last one to leave.” – MÌnh dịch đúng ngữ điệu của anh cao bồi , “mày” chứ không phải “cháu” nhé)

Câu nói này có vẻ ngược với cái tư tưởng rằng một đứa trẻ luôn xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất và có vẻ như anh cao bồi này đang “xấu tính” với cậu bé. Tuy nhiên nếu ngẫm kĩ thì anh cao bồi lại thực sự có ý khuyên bảo. Cuộc sống của đứa trẻ đã có thể tệ hơn việc hót phân ngựa. Giờ nó có một công việc, nếu nó có tư tưởng nó xứng đáng thì nó sẽ càng ngày càng muốn nhiều hơn và không tập trung chăm chỉ làm việc. Ngược lại nếu nó thấy có một công việc đã khó, thì nó sẽ chăm chỉ, và vì chăm chỉ, người khác sẽ đánh giá cao nó, dần dần nó cũng sẽ có được những gì nó muốn.

Nghĩ sâu hơn nữa thì việc du học cũng vậy. Rất nhiều bạn có tư tưởng mình “xứng đáng” được đi du học và được học bổng. Nhưng chính vì vậy, mà rất nhiều bạn không tập trung cố để mà cải thiện bản thân. Cứ như vậy, thời gian trôi đi, các bạn cũng không tiến bộ và phí hoài tuổi trẻ. Ngược lại với tư tưởng không xứng đáng thì nhiều bạn lặng lẽ cố từng ngày và rồi cũng đi du học.

Với cậu bé vô gia cư trong phim, cậu đã cố đến sớm mỗi ngày, và ông chủ lớn nhìn thấy điều đó. Vậy nên không những cậu được dọn vào nhà ông chủ lớn mà còn được ông chủ này dạy cưỡi ngựa và đối xử với cậu như một đứa cháu ngoại trong nhà.

Bản thân câu nói này cũng thể hiện một tư tưởng rất Mỹ: “Cố gắng là của cá nhân. Cho dù cá nhân này là một đứa trẻ, nó cũng không thể dựa dẫm vào tình thương của người khác, mà phải tự chăm chỉ cho chính bản thân mình. Sẽ không ai thương nó nếu tự bản thân nó không cố gắng.”

VẬY PHẢI CHỌN PHIM NHƯ THẾ NÀO ĐỂ HỌC CHỦ ĐỘNG?

Thực ra, bản thân mình xem phim thị trường và giải trí nhiều vô kể. Những phim kiểu “Tam sinh tam thế thập lí đào hoa” hay “How I met your mother” mình cũng hay bật để vừa giết thời gian vừa nấu cơm. Tuy nhiên những phim đó đánh nhiều về cảm xúc và nụ cười ngây ngô chứ thực sự không có mấy giá trị về ngôn từ hay văn hóa.
Mình từng nghe ai đó nói xem “How I met your mother” hay “Friends” để học văn hóa Mỹ. Mình thấy xem hai phim này để học tiếng Anh thường thức với giáo tiếp bề nổi của văn hóa Mỹ thì cũng được. Còn nếu muốn thực sự hiểu văn hóa Mỹ thì phải ngẫm ở những bộ mang tính “kịch – drama” hơn là “phim hài – sitcom.”

Với phim Trung Quốc cũng vậy. Đạo diễn Vu Chính nổi tiếng với khả năng làm lại các phim kinh điển để nó giải trí hơn. Mình cũng thích xem “Diên Hi Công Lược” vì nó có cảm giác mì ăn liền “ta thắng địch thua” ngay trong một đến hai tập phim. Tuy nhiên, mình chỉ xem “Diên Hi Công Lược” có một lần là đã nhớ hết chi tiết. Trong khi, “Như Ý Truyện” thì mình xem đến vài lần mà lần nào mình cũng phát hiện ra chi tiết mới.
Các phim khác cũng vậy. “Thiên Long Bát Bộ” của Vu Chính mất hoàn toàn tầng nghĩa ẩn trong 10 giới của Phật giáo. Trong khi nếu xem phim Thiên Long Bát Bộ bản 2003 và ngẫm nhiều lần thì 10 giới này đều được phân biệt rất rõ ràng. Vậy nên nếu muốn xem để học chủ động thì nên chọn phim mà xem thôi. Còn giải trí thì sao cũng được.

CUỐI CÙNG…
Mình thực sự không phản đối xem phim để giải trí. Minh chỉ muốn nói rằng vẫn luôn có một cách xem phim khác. Tuy cách này phải động não nhiều hơn nhưng mà vì động não nên tích lũy kiến thức cũng nhiều hơn đó
Những phim có thể xem nhiều lần:
1 – Schindler’s List – Mỹ
2 – Forest Gump – Mỹ
3 – The Shawshank Redemption – Mỹ
4 – The Big Short – Mỹ
5 – Don’t Look Up – Mỹ
6 – Il Postino – Ý
7 – Django Unchained – Mỹ
8 – Chân Hoàn/ Như Ý Truyện – Trung Quốc
9 – Minh Lan Truyện – Trung Quốc
10 – Danh gia vọng tộc – Trung Quốc
11 – Thiên Long Bát Bộ 2003 – Trung Quốc
12 – Mỹ Hảo Tình yêu của tôi – Trung Quốc
13 – Ba mươi chưa phải là hết – Trung Quốc

SSDH (theo Jenny Hoang)

Share.

Leave A Reply