SSDH – Chúng ta khác nhau phương pháp học tập cũng khác nhau. Đừng bắt chước phương pháp, lịch học của người khác. Có phương pháp học tập tốt sẽ làm dày thêm kiến thức của bạn và tất nhiên là cải thiện điểm số.
– Xem lại bài ngay sau giờ học khi bộ nhớ vẫn còn lưu giữ những gì bạn vừa mới nghe, thấy, ghi chép. Tốt nhất là xem xét các tài liệu ngay sau giờ học khi nó vẫn còn tươi trong bộ nhớ của bạn.
– Đừng cố gắng xem lại tất cả các bài học trước khi bước vào phòng thi. Thay vì chờ tới kì thi mới lật vở sách ra, thì bạn hãy làm điều đó thường xuyên, hằng ngày. Nhờ đọc đi đọc lại, những kiến thức đó sẽ in hằn trong trí nhớ của bạn, việc mà không thể giải quyết chỉ trong một đêm.
– Bày biện tất cả tài liệu học tập ở trước mặt: slide bài giảng, giáo trình, sách giáo khoa, sách hướng dẫn và bất kỳ tài liệu nào có liên quan.
– Tìm một nơi yên tĩnh và thoải mái để học, phải bảo đảm có ánh sáng tốt và ít bị ai làm phiền. Nơi “lý tưởng” này nghe có vẻ giống giường ngủ của bạn phải không? Cố gắng tránh nó ra nhé, bởi vì giường là nơi lý tưởng để nằm và ngủ chứ không phải học bài. Bạn cũng nên chọn tư thế ngồi phù hợp để luôn giữ đầu óc tỉnh táo; nằm nghiêng trên bàn sẽ làm nảy sinh cảm giác mệt mỏi.
Chỗ nghỉ ngơi không phải là nơi lý tưởng để học
– Bắt đầu buổi học với những kiến thức quan trọng nhất. Những kiến thức quan trọng thường “khó nuốt” nhưng hãy cố gắng. Bởi vì thời điểm này đầu óc bạn đang còn mới nguyên, việc tiếp thu những kiến thức quan trọng sẽ dễ nhớ hơn rất nhiều.
– Song song với việc đọc những kiến thức quan trọng, hãy tìm hiểu các khái niệm chung, cơ bản. Học các kiến thức chi tiết sau khi bạn đã nắm vững những ý chính, đừng nôn nóng!
– Ghi chú và vẽ ra một bản tóm tắt các kiến thức quan trọng sau khi đã đọc qua tất cả tài liệu học tập.
– Nghỉ giải lao thường xuyên, khoảng sau một tiếng đồng hồ học tập. Bộ nhớ của bạn giữ lại các thông tin mà bạn học đầu tiên và cuối cùng tốt hơn so với những gì bạn học ở giữa thời gian đó.
– Như đã nói ở trước, hãy học thường xuyên, hằng ngày nhưng mỗi ngày một ít. Học thường xuyên sẽ giúp kiến thức lưu lại trong bộ nhớ dài hạn. Phân chia mỗi ngày học một môn hoặc một chủ đề nào đó thay vì chờ đến khi có lịch thi rồi mới “vắt chân lên cổ”, vừa mệt vừa không hiệu quả về điểm số.
– Chọn những người bạn nghiêm túc về học tập để lập nhóm. Bạn bè chơi vui thì tốt nhưng cần nghiêm túc khi học tập. Họ sẽ không làm mất thời gian của bạn, cùng có ý thức về việc học sẽ giúp mọi người tiếp thu tốt hơn và học lẫn nhau.
Lựa chọn nhóm học tập cầu tiến và phù hợp
– Tự làm bài kiểm tra cá nhân hoặc nhờ ai đó kiểm tra giúp để phát hiện ra những lỗ hổng trong kiến thức của bạn. Bạn có thể tự ra đề kiểm tra cho mình dựa vào sách vở, tài liệu và biết đâu những câu hỏi trong “đề thi” của bạn sẽ trùng với đề thi thực sự của giáo viên thì sao!
– Nghe nhạc jazz hoặc nhạc nhẹ với âm lượng nhỏ sẽ làm thư giãn đầu óc và giảm nhàm chán của việc học tập. Nên nhớ đầu óc của bạn cần được thư giãn, đừng mở nhạc rock và vặn âm lượng to.
Nghe nhạc nhẹ với âm lượng nhỏ để thư giãn
– Đừng thức khuya quá để học bài, mệt mỏi, nặng mắt hẳn là không tốt cho sức khỏe và chất lượng buổi học sẽ không cao. Thay vào đó hãy phân chia thời gian hợp lý vào buổi sáng, chiều và trước 10h tối. Nếu bạn có thói quen dậy sớm vào buổi sáng, tranh thủ lướt mắt qua sách vở.
Thục Uyên (SSDH) – Theo BDH