Không chỉ có hành động, Hai Phượng còn thấm đẫm tình mẫu tử

0

Sẵn sàng du học – Không chỉ gây sốt phòng vé với các pha hành động nghẹt thở, võ thuật đỉnh cao, câu chuyện xúc động của Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) và Mai (bé Mai Cát Vi) còn khiến khán giả nhiều lần phải ‘‘rưng rưng’’ ngay trong rạp phim. Đây cũng chính là điều khiến bộ phim trở nên sâu sắc, đẹp đẽ.

Có thể nói, Hai Phượng có cốt truyện khá đơn giản với mô típ giải cứu người thân thường thấy trong các tác phẩm điện ảnh của Hàn, Mỹ… Thế nhưng diễn xuất chân thực, rất đời thường của Ngô Thanh Vân và bé Mai Cát Vi đã góp phần tạo nên những thước phim vô cùng xúc động về tình mẫu tử trong Hai Phượng. Đặc biệt, Ngô Thanh Vân đã thể hiện xuất sắc sự bất lực, đau đớn tột cùng của một người mẹ bị cướp đi đứa con mà mình yêu thương nhất.

Hai Phượng vốn là dân ‘‘anh chị’’ máu mặt ở Sài Gòn. Cô từng có một cuộc sống ngông nghênh, lang bạt, bỏ nhà ra đi và khiến bố mẹ phải tức giận, đau lòng. Tuy nhiên, khi mang thai bé Mai, cô lại một bước ‘‘giã từ vũ khí’’, rời bỏ chốn Sài thành phù hoa, lui về miền Tây ở ẩn và sống cuộc đời đòi nợ thuê để nuôi con ăn học.

ssdh-hai-phuong

 

Mở đầu bộ phim, khán giả được chứng kiến cuộc sống bị dân làng ghét bỏ, khinh bỉ của 2 mẹ con Hai Phượng. Hình ảnh một Hai Phượng trong bộ áo bà ba tím ‘‘bàng quan’’ với cuộc đời, chấp nhận làm mọi việc hiểm nguy để lấy tiền nuôi con ăn học hiện lên khá chân thật. Tình mẫu tử ấm áp, đầy yêu thương của người mẹ được truyền tải vô cùng giản dị và sống động. Thế nhưng, hình ảnh Hai Phượng cũng chính là hiện thân của những bà mẹ Việt mà ta vẫn thường thấy trong cuộc sống hằng ngày: chịu thương, chịu khó và sẵn sàng làm tất cả vì con.

Với phân cảnh hai mẹ con ngồi ăn cơm và trò chuyện cùng nhau, hình ảnh về cuộc sống của một bà mẹ đơn thân cùng đứa con nhỏ hiện lên cũng rất đời thường, gần gũi quá đỗi. Một Hai Phượng rất vụng về khi nấu cơm nhưng vẫn cố gắng làm và không cho Mai giúp vì muốn con bé có thời gian học bài; hay một bé Mai tự tay kho nồi cá để dành cho mẹ, dù không nói với nhau bằng những lời hoa mỹ nhưng tất cả đều cảm nhận rõ sự yêu thương giản dị mà hai mẹ con dành cho nhau.

ssdh-hai-phuong1

 

Cao trào của bộ phim bắt đầu dâng lên khi Mai bị bọn buôn người bắt cóc. Từ đây, tâm lý căng thẳng, vừa căm phẫn vừa đau khổ và tuyệt vọng của một người mẹ bị mất con hiện hữu trong Hai Phượng. Khi nhìn thấy 2 tên đàn ông lôi con mình đi trước mắt, cô điên cuồng đuổi theo. Dù bị bọn chúng đánh cho tơi bời, dập nát nhưng ánh mắt của cô vẫn luôn hướng theo chiếc xuồng máy, nơi bé Mai đang bị bọn xấu bắt đi. Nhìn hình ảnh chiếc xuồng cùng đứa con gái bé bỏng khuất dần giữa biển trời mênh mông, có lẽ không chỉ riêng Hai Phượng mà bất kỳ người mẹ nào rơi vào tình cảnh này chắc hẳn đều đau đớn. Xem phim, nhìn gương mặt thất thần và tuyệt vọng khi mất con của Ngô Thanh Vân khiến người xem không khỏi rơi lệ.

Trong suốt hành trình đi tìm con, rất nhiều lần cô bị đánh, bị dìm xuống sông đến ‘‘chết đi sống lại’’, nhưng với ý chí sắt đá, với tình thương con vô bờ bến đã giúp Hai Phượng có một sức mạnh phi thường, cô mạnh mẽ vùng lên và chiến đấu với bọn ác đến giây phút cuối cùng. Trong cơn bất lực, Hai Phượng đã bật khóc giữa đường. Giọt nước mắt hiếm hoi của một người mẹ gan lì khiến khán giả đều khóc theo bởi những đồng cảm của tình mẫu tử. Đó cũng chính là hình ảnh của một người mẹ mạnh mẽ có thể cam chịu mọi nỗi đau, tủi nhục, trừ nỗi đau mất con.

ssdh-hai-phuong2

 

Phim khá ít thoại, thế nhưng những câu nói mà Hai Phượng thốt lên trong suốt hành trình đi tìm con đều để lại ấn tượng sâu sắc và khiến khán giả phải suy ngẫm. "Con tao đâu?", "Con tao đâu?". "Con tao đâu?", chỉ một câu hỏi ngắn gọn nhưng chất chứa nỗi lòng đau đáu và sự căm phẫn không nguôi của người mẹ mất con.

Câu thoại ấn tượng tiếp theo là khi Hai Phượng đối đầu với Thanh Sói (bà trùm của đường dây bắt cóc trẻ em) trên tàu lửa. Thanh Sói rất mạnh, hung ác và đã từng đánh bại Hai Phượng khi cô đột nhập vào sào huyệt của bọn chúng. Khi Thanh Sói nói với Hai Phượng: "Mày lết được đến đây cũng giỏi lắm, nhưng tiếc là mày đã vào nhầm chỗ", cô chỉ đáp trả ngắn gọn: "Có thể tao đến nhầm chỗ, nhưng tụi mày chắc chắn đã bắt nhầm con tao rồi". Đó là câu nói khẳng định cho quyết tâm mãnh liệt của bất cứ người mẹ nào, không một giây phút nào rời bỏ suy nghĩ về con mình và luôn sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đứa con của mình. Đó là điều thiêng liêng tạo nên vẻ đẹp về tình mẫu tử cho Hai Phượng.

Một Hai Phượng sẵn sàng chiến đấu đến cùng vì con

Có thể nói bộ phim đã tiết chế rất nhiều thời gian cho các tình tiết tâm lý, tình cảm vì phải dành nhiều thời gian cho những pha hành động. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm cộng lớn cho Hai Phượng, khi mà phim Việt Nam trước giờ toàn bị mắc phải việc "nói quá nhiều, sợ không nói khán giả không hiểu". Một cách vô tình những chi tiết tình cảm dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Lê Văn Kiệt được khúc chiết để mọi thứ trở nên vừa đủ, không quá sến sẩm, gây phân tâm người xem. Tất cả đã hòa quyện để tạo nên một Hai Phượng đủ đầy, với nội dung dễ hiểu, làm hài lòng hầu hết những người hâm mộ phim điện ảnh.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply