Kinh nghiệm ở homestay khi du học

0

SSDH – Hình thức home stay – ở chung với gia đình người bản xứ khi đi du học là sự lựa chọn của không ít du học sinh. Cùng bỏ túi  những kinh nghiệm ở home stay khi du học nào!

 

Những lợi ích của home stay

 

Với những du học sinh không có người quen hay bạn bè tại xứ người thì việc chọn “home stay” là giải pháp tối ưu, ít nhất là trong những năm tháng đầu tiên tại đất nước lạ lẫm. Bạn không cần phải lo lắng về chất lượng của gia đình cho ở nhờ này, bởi nếu một gia đình muốn trở thành “home stay” cho du học sinh, họ phải đăng ký và chịu sự quản lý của nhà trường. Thường họ khá thân thiện và cởi mở đối với du học sinh quốc tế.

 

Home stay là hình thức ở trọ chung với chủ nhà, được sinh hoạt chung như trong một gia đình nhưng bạn vẫn có phòng riêng và đảm bảo được sự riêng tư cần thiết. Ngoài ra, được sử dụng mọi vật dụng khác trong nhà như một thành viên trong gia đình họ. Ở những nước có nền văn hóa khác biệt như Anh, Úc, Mỹ, Pháp, Nhật,… thì những tháng đầu tiên du học, bạn lựa chọn hình thức home stay sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất định.

 

Kinh nghiệm ở homestay khi du hoc

 

Trước hết, so với việc thuê nhà riêng ở ngoài với chi phí đắt đỏ, hình thức home stay khi du học sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền lớn và sống trong một môi trường an toàn hơn.

 

Một số gia đình “home stay” lo cho du học sinh các bữa ăn với chi phí tiền ăn không cao. Tất nhiên trong trường hợp bạn có thể ăn được thức ăn bản xứ. Nếu không bạn có thể xin chủ nhà sử dụng bếp để nấu các món ăn Việt Nam. Ngoài ăn chung, bạn còn có thể tham gia các lễ hội của đất nước đó cùng gia đình chủ nhà để tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc. Tất cả sinh hoạt chung đó sẽ giúp bạn giao tiếp ngoại ngữ với người bản xứ tốt hơn, nắm bắt kịp văn hóa sống của người dân địa phương nhanh hơn, rất có ích trong việc hòa nhập trong đời sống và học tập.

 

Bạn Hồ Anh Nguyệt, cựu du học sinh Trường ĐH Cambridge khóa 2009-2013 chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp ngoại ngữ với chủ nhà khi ở “home stay” rằng du học sinh cần phải chủ động trong giao tiếp cũng như tạo được không khí thân thiện. “Người Anh hay Mỹ rất thoải mái trong giao tiếp nhưng cũng vô cùng tôn trọng sự riêng tư. Nếu bạn không cởi mở, không tạo ra được những câu chuyện khi gặp nhau thì họ nghĩ rằng bạn cần yên tĩnh để học tập”, Nguyệt cho biết.

 

Để tạo được không khí cởi mở, vào những ngày cuối tuần, khi không phải đi học, bạn hãy cùng họ nấu những món ăn truyền thống và lắng nghe những câu chuyện thú vị hay cùng họ đón mừng những ngày lễ hội lớn trong năm. Việc đóng vai trò là một thành viên trong gia đình chủ nhà sẽ giúp bạn bớt cô đơn khi trong những ngày xa xứ.

 

Host stay cho du học sinh dưới 18 tuổi

 

Ngoài “home stay” còn có hình thức “host stay”, hay còn gọi là “host family”. Hai hình thức này về cơ bản không có gì khác biệt nhưng “host stay” mang tính chất như một gia đình giám hộ, dành cho du học sinh dưới 18 tuổi.

 

Tại Mỹ, nếu dưới 18 tuổi, không có thân nhân và không ở nội trú thì bạn sẽ được gửi đến “host stay”. Tương tự, nếu bạn du học tại New Zealand hay Anh thì tất cả học sinh quốc tế dưới 18 tuổi phải ở “host family” do nhà trường chỉ định. Nhà trường sẽ chọn lựa kỹ càng “host family” và đại diện nhà trường sẽ viếng thăm “host family” hai lần trong một năm.

 

Ngoài việc đã được nhà trường lựa chọn kĩ càng thì bạn còn có thời gian “sống thử” với gia đình chủ. Thời gian sống thử thường kéo dài từ 2 – 4 tuần tùy theo thỏa thuận. Đây là lúc để bạn quyết định xem mình có phù hợp với gia đình chủ hay không. Bạn cần quan sát tinh tế mọi khía cạnh như lối sống, giờ giấc, khẩu vị ăn uống và những vấn đề bạn cho là ảnh hưởng quan trọng đến đời sống học tập của mình. Nếu thấy không phù hợp bạn có thể đề nghị nhà trường đổi qua một home stay/host stay khác.

 

Thông tin chi tiết về các dạng nhà homestay, chi phí nhà ở và form đăng ký xem tại đây

 

 

                                                                                                              Hồng Hà(SSDH) – Theo Tuyển Sinh

 

Share.

Leave A Reply