SSDH – Ela Siddiqui, nhân viên bộ phận Quan hệ quốc tế của trường đại học Chester chia sẻ những kinh nghiệm “sống sót” tại Anh thời du học.
Ảnh minh họa
Tôi vẫn còn nhớ những tháng đầu tiên khi vừa từ Ba Lan đặt chân tới Vương quốc Anh vào năm 2004. Khi đó, tôi nhẩm tính và đổi giá cả của tất cả mọi thứ với giá ở nhà. Khỏi nói, bất cứ món hàng nào cũng đắt hơn rất nhiều lần và tiền lương làm babysitter (trông trẻ) không thể giúp tôi trang trải những thứ mình muốn.
Tôi đã mất hàng tháng trời để học cách tiêu tiền tiết kiệm và sống bằng hầu bao khiêm tốn của mình. Và tin tôi đi, rằng tôi và bạn cũng giống như nhưng sinh viên khác ngoài kia thôi.
Hiện tại tôi làm việc ở Văn phòng quốc tế của Đại học Chester và dù cho quãng đời đi làm babysitter đã xa lắm rồi, tôi vẫn còn nhớ mồn một thời gian khi phải căng mắt, căng tai ra mà “chớp” lấy những mẹo nhỏ giúp tiết kiệm túi tiền. Đây là một số bí quyết của tôi trong hai khâu ăn uống và du lịch.
Đừng ngượng ngùng
Hãy “hiên ngang” tiến đền khu vực bán đồ giảm giá trong siêu thị. Ở các siêu thị lớn tại UK thường có những chương trình khuyến mại cho những sản phẩm gần hết hạn sử dụng. Ban đầu họ sẽ giảm từ 10-20%, nhưng sau đó, những sản phẩm còn tồn sẽ được giảm đến tận 70-80%. Bạn nên tìm hiểu xem đâu là lúc mà các nhân viên giảm giá và đôi khi còn có thể mặc cả đôi chút (cách làm này hiện nay không còn phổ biến nữa vì sản phẩm giảm giá nào cũng có giá cả dán sẵn ngoài bao bì và đặc biệt là ở những siêu thị lớn, bạn tất nhiên không thể “thương lượng” với một cái máy tính tiền tự động rồi – Người dịch).
Đi chợ và nấu ăn chung
Với những người bạn ở trường Đại học, bạn có thể rủ họ cùng đi chợ và nấu ăn chung. Việc làm này không chỉ tiết kiệm được tiền (nấu ăn một mình thường đắt đỏ hơn và bạn sẽ có xu hướng ăn một món y hệt trong nhiều ngày liền) nhưng cũng là cơ hội giúp bạn nếm qua các món ăn từ khắp nơi trên thế giới.
Sử dụng thẻ khách hàng thân thiết
Nhiều siêu thị có chương trình khách hàng thân thiết cho phép bạn tích điểm mỗi lần thanh toán và nhận các phiếu khuyến mãi vào các tháng. Chẳng hạn với một coupon của Tesco, bạn có thể sẽ được giảm tới 10 bảng Anh cho 30 bảng giá trị mua hàng.
Hãy sử dụng phiếu giảm giá
Nếu bạn muốn ăn ở ngoài, có rất nhiều trang web như VoucherCodes, Kgbdeals và Groupon để nhận được các phiếu giảm giá mua-một-tặng-hai cho thức ăn và nhiều sản phẩm khác nữa. Ở Chester, có rất nhiều cửa hàng giảm giá cho sinh viên vào một số ngày nhất định. Chẳng hạn tại cửa hàng Wok&Go, một trong những hàng ăn ưa thích của sinh viên University of Chester, bạn sẽ mua được hai hộp mì ống chỉ với 6,60 bảng Anh vào các ngày thứ ba. Một số nhà hàng cũng dành một số thực đơn giá rẻ riêng (trước 5 giờ chiều) vào cuối tuần như Pizza Hut với món pizza, salad, nước uống chỉ với 6 bảng. Tôi thậm chí đã không thể ăn hết phần thực đơn này dù đã cố hết sức.
Một trong những Pub (quán rượu) ở Chester có bán “bữa điểm tâm kiểu Anh” với trà hoặc café – hai món điểm tâm chỉ với 10 bảng. Toby Carvery’s Full English lại là một “kênh” các cửa hàng cho phép bạn ăn hết-sức-có-thể chỉ với 3,99 bảng.
Sau ẩm thực, tôi cũng có một sở thích khác là du lịch.
Dù bạn đến Vương quốc Anh với mục đích học tập nhưng cũng nên dành ra một khoản tiền để đến thăm đất nước con người Anh cũng như châu Âu.
Có rất nhiều hãng máy bay giá rẻ, trong đó phổ biến nhất là Ryanair, với nhiều chuyến bay đến hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu. Chẳng hạn, một chuyến bay khứ hồi từ UK đến Ba Lan sẽ tốn của bạn chừng 40 bảng Anh. Nếu bạn chỉ muốn du lịch trong phạm vi gần thì Megabus là một lựa chọn không nên bỏ qua. Nếu chịu khó đặt vé sớm, bạn sẽ có thể mua được vé từ Manchester đến London với giá dưới 5 bảng Anh!
Và một khi đã đặt chân đến London, bạn nên thử đăng ký trên Coachsurfing để được ở “ké” nhà dân hoàn toàn miễn phí. Các khách sạn cho dân “phượt” cũng thường giảm giá cho sinh viên. Tại Chester Backpackers Hotel, giá ở trọ cho một người một đêm là 15,95 bảng.
Nguồn: Scholarshipplanet