SSDH – Rất nhiều du học sinh tìm kiếm những công việc làm thêm trong thời gian học tập tại Anh Quốc. Đây là một cách tốt không những để du học sinh có thêm một khoản thu nhập mà còn giúp bạn có thêm những kinh nghiệm thực tế.
Làm thêm cũng là cách nhanh nhất để hòa nhập với cuộc sống của người dân bản địa. Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên là du học sinh cần phải có giấy chứng nhận cần thiết để có một công việc tại đây.
Cục biên giới Anh Quốc (UKBA) rất chặt chẽ trong các điều khoản về việc làm cho sinh viên quốc tế vì vậy phải tìm hiểu thật kĩ và nghiêm túc thực hiên các điều luật.
Việc làm thêm của du học sinh tại Anh (Nguồn: Internet)
Nếu vi phạm du học sinh có thể đã vi phạm đến các điều khoản trong visa và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Những chia sẻ dưới đây, sẽ giúp bạn tìm hiểu tất cả các thông tin cần biết về việc làm thêm tại Anh Quốc.
Các điều khoản giới hạn làm việc trên Visa của sinh viên
Những giới hạn về việc tuyển dụng sinh viên thay đổi tùy theo khóa học và kì học của sinh viên.Sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng hay các khóa học cơ bản trong trường đại học có thể làm việc không quá 20 tiếng môt tuần trong kì học của mình.
Sinh viên theo học các khóa trước đại học, cao đẳng (ngoại trừ những sinh viên theo học các khóa học cơ bản) có thể làm việc không quá 10 tiếng một tuần trong kì học của mình.
Vì vậy việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra các điều khoản giới hạn làm việc trên visa của mình để biết khoảng thời gian bạn được phép làm việc trong quá trình học tập.
Thẻ bảo hiểm quốc gia
Bước tiếp theo trước khi tìm một công việc tại Anh Quốc là đăng kí sổ bảo hiểm quốc gia (National Insurance- NI). Để làm việc tại nước này, tất cả mọi người phải đăng kí số thẻ bảo hiểm. Số đăng kí trên thẻ bảo hiểm là để phục vụ cho các mục đích về thuế (tương tự mã sỗ thuế cá nhân).
Vì thế, sẽ là bất hợp pháp nếu bạn làm việc tại Anh Quốc mà không có thẻ bảo hiểm. Số thẻ bảo hiểm cũng được dùng như thẻ đăng kí với các văn phòng cho du học sinh tại Anh Quốc như DWP (Department of Work and Pensions) hay HMRC (Her Majesty’s Revenue and Customs).
Để có được số NI, bạn có thể gọi đến Jobcentre Plus (0845 600 0643). Giờ làm việc từ 8.00 giờ sáng đến 6.00 giờ tối từ thứ hai đến thứ sáu. Jobcentre Plus sẽ xắp xếp một buổi phỏng vấn EOI (Evidence of Identity) cho bạn hoặc gửi cho bạn một bản đăng kí qua bưu điện. Họ sẽ xác nhận ngày, giờ và địa điểm của buổi phỏng vấn. Họ cũng sẽ cho bạn biết bạn cần những thông tin và tài liệu gì trong bản đăng kí.
Buổi phỏng vấn thường là một – một (bạn và người phỏng vấn) trừ những trường hợp ngoại lệ (ví dụ, bạn cần một người phiên dịch). Bạn sẽ được hỏi bạn là ai, tại sao bạn cần thẻ bảo hiểm quốc gia, quá trình học tập và hoàn cảnh hiện tại của bạn. Trong quá trình phỏng vấn, bản đăng kí thẻ bảo hiểm quốc gia sẽ được hoàn tất và bạn sẽ kí tên lên bản đăng kí đó.
Nếu bạn được yêu cầu cung cấp thêm thông tin, bạn cần phải hoàn tất trong thời gian đã được đinh sẵn. Jobcentre Plus sau đó sẽ báo cho bạn biết bản đăng kí của bạn có được chấp nhận hay không và gửi cho bạn số thẻ bảo hiểm.
Bạn nên báo lại nơi làm việc số thẻ bảo hiểm của bạn ngay khi bạn có. Thông thường khi bạn có số thẻ bảo biểm, bạn cũng sẽ được cung cấp một thẻ bảo hiểm kèm theo. Bạn sẽ có thẻ sau khi đăng kí khoảng 12 tuần.
Đông Đức (SSDH) – Theo OSC