Sẵn sàng du học – Những năm trở lại đây, du học tại Thụy Điển có nhiều bạn quan tâm hơn trước kia. Chính phủ Thụy Điển cũng có cung cấp một số chương trình học bổng, SSDH giới thiệu với bạn kinh nghiệm và quá trình nộp đơn cho chương trình học bổng Thụy Điển từ bộ phận Giáo dục Thụy Điển dưới đây.
Chúng ta cùng bắt đầu với bước đầu tiên: Ứng tuyển một chương trình thạc sĩ qua hệ thống Universityadmissions.se
Bước 1: Chọn khoá học trong danh sách được cấp học bổng SISGP
Thông thường SI sẽ upload danh sách này lên website hàng năm, các bạn có thể tham khảo danh sách các ngành học cấp học bổng cho năm học 2020-2021 tại đây.
Nhìn chung, CV là bản tóm tắt cá nhân, giúp cho hội đồng xét tuyển hiểu về bản thân bạn: bạn là ai, các thành tích và kinh nghiệm bạn đã có. Bài luận (Statement of Purpose – SoP) là bản tuyên bố cá nhân, giúp mọi người hiểu được đằng sau những thành tích của bạn là những câu chuyện, lý do, động lực nào. Còn Thư giới thiệu (Letter of Recommendation – LoR) là những đánh giá khách quan của những người xung quanh bạn, tốt nhất là những người đã theo sát bạn đủ sâu và đủ lâu để có thể hiểu về bạn, và giới thiệu/ đánh giá bạn gửi đến hội đồng xét tuyển.
Đầu tiên, làm thế nào để viết một CV chuẩn – chỉnh?
Ứng tuyển SISGP sẽ dùng mẫu CV do SI quy định, và được upload trên hệ thống theo từng năm. Nhưng nhìn chung, mẫu của SI sẽ bám vào các phần cơ bản của các mẫu CV thông thường (như mình nộp các học bổng Châu Âu dùng mẫu Europass).
Phần 1: Thông tin cá nhân (Personal Information)
Phần này chủ yếu các bạn cung cấp các thông tin sau: Họ tên, Địa chỉ (liên lạc), Số tiện thoại, Email, Ngày sinh, Giới tính, Quốc tịch.
Phần 2: Kinh nghiệm làm việc (Work Experiences)
- Nếu có quá nhiều kinh nghiệm làm việc thì nên đưa vào các công việc làm thời gian dài/ các vị trí quan trọng. Tránh đưa vào CV hàng loạt các vị trí thực tập, làm thêm không liên quan.
- Từng vị trí công việc, các bạn có thể bổ sung thêm:
- Tóm tắt vai trò và các công việc;
- Thành tích nổi bật nhất .
- Các công việc đưa vào trong CV cần thống nhất/ giống với Work/ Leadership Experiences Form (Giấy chứng nhận Kinh nghiệm làm việc/ lãnh đạo) mà các bạn nộp trong bộ hồ sơ.
- Đối với SISGP CV, từng vị trí cần thêm thông tin về: ngành (industry), mô tả ngắn gọn về công ty, và công việc của bạn liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nào.
Phần 3: Học tập (Education and Training)
- Đại học:
- Nên đưa ra một số môn chuyên ngành của chương trình học hoặc một số môn học yêu cầu của ngành học thạc sĩ, kĩ năng yêu cầu (skills accquired);
- GPA, nếu điểm mức giỏi trở lên;
- Ranking: top 1%, 5%… sinh viên của khoá,.. (nếu có);
- Bài báo nghiên cứu được xuất bản (nếu chưa bài nghiên cứu nào được xuất bản thì đưa ra một số bài bản thân đã nghiên cứu).
- Giải thưởng học thuật, diễn đàn khoa học đã tham gia;
- Nếu backgrounds của đại học không quá liên quan đến ngành dự định học thạc sĩ sau này, có thể thêm một số khoá học/ chứng chỉ liên quan đến ngành thạc sĩ.
Phần 4: Hoạt động xã hội (Network/ Civil Society Engagement)
- Phần này tuỳ mỗi người, nhưng mình đưa ra 03 hoạt động nổi bật nhất (do mình tham gia vào 3 tổ chức khác nhau, và mỗi tổ chức mình đều hoạt động lâu và tham gia nhiều dự án trong đó).
- Không nên đưa vào các kinh nghiệm khá nhỏ, không nổi bật và liên quan lắm như: tham gia hiến máu tình nguyện (trừ khi bạn là trưởng BTC)…
- Nếu bạn có đưa thông tin trong Form Work/ Leadership Experiences có liên quan đến hoạt động xã hội thì nên đưa vào CV mục này (VD: 01 bản Leadership Experiences mình có ghi là mình có kinh nghiệm làm Leader xxx giờ với vai trò yyy ở tổ chức xã hội zzz thì thông tin đó cần được thống nhất với CV).
Mỗi một hoạt động, mình đều đưa ra chi tiết:
- Thời gian, tổ chức tham gia;
- Vị trí và vai trò của vị trí đó (nếu trong thời gian dài làm nhiều vị trí khác nhau thì tách ra hai dòng khác nhau);
- Mô tả ngắn gọn về tổ chức;
- Mô tả ngắn gọn thành tựu/ thành tích của bạn trong tổ chức đó (one main achievement you accomplished within the network/organisation);
- Đối với mẫu CV của SISGP thì có thêm mục “SDG most closely related to the work you did at this position” (nôm na là hoạt động của bạn có liên quan đến mục tiêu nào trong 17 mục tiêu phát triển bền vững).
Phần 5: Các Giải thưởng khác (Previous Scholarship, Prizes & Awards)
Đưa ra theo trình tự thời gian hoặc theo nhóm: học thuật, hoạt động xã hội,…
Phần bổ sung: Không có trong mẫu SISGP nhưng có thể thêm vào CV cho các học bổng khác
- Ngoại Ngữ (Languages): Các bạn nên ghi chú thêm trình độ mỗi ngoại ngữ, nếu có chứng chỉ thì ghi rõ. Ví dụ:
- English (IELTS 7.5)
- French (DELF B2)
- Chinese (Intermediate) (Nếu chưa có chứng chỉ)
- References: Phần này có thể thêm thông tin người giới thiệu vào.
- Thứ tự sắp xếp thông tin mình gợi ý: Họ & tên, Học vị (PhD/ MA) (nếu có) – Chức vụ – Cơ quan đang công tác – Số điện thoại – Email;
- Nếu bạn có nhiều Thư giới thiệu cho nhiều học bổng khác nhau (Ví dụ: Thư giới thiệu liên quan học thuật, Thư giới thiệu liên quan đến nghề nghiệp; Thư giới thiệu liên quan đến hoạt động xã hội), tuỳ học bổng bạn chọn Thư giới thiệu nộp theo yêu cầu tương ứng, thì thông tin Người giới thiệu trong CV của bộ hồ sơ nộp học bổng đó nên nhất quán.
Một số lưu ý:
- Nội dung:
- Nếu chuẩn bị CV sớm thì đến lúc nộp cần update thông tin lại;
- Nên phân biệt giữa CV ứng tuyển công việc và CV ứng tuyển học bổng;
- Có thể chèn link profile LinkedIn (với điều kiện profile LinkedIn đã được hoàn thiện chỉn chu), không nên thêm các tài khoảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram,…; không nên đưa các mục Interests/ Hobbies vào CV;
- Các mục trong CV cần sắp xếp theo thứ tự thời gian từ gần nhất trở về trước;
- Mẫu SISGP không cần chèn hình vào CV; CV nộp các học bổng khác mình cũng không để hình. Tuy nhiên, tuỳ học bổng, tuỳ nước các bạn có thể cân nhắc có để hình vào trong CV hay không;
- Hình thức:
- Nên kiểm tra kĩ lại nhiều lần, nhằm tránh sai sót thông tin, lỗi chính tả, lỗi font chữ;
- Độ dài không quá 2 mặt giấy A4;
- Font: tham khảo mẫu Europass, hoặc edit các font thông dụng như Arial, Times New Roman, cỡ 10.5-12; riêng mẫu của SI cho SISGP đã định dạng font chữ sẵn;
Làm thế nào để “làm đẹp” CV?
Nếu bạn còn rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc ứng tuyển học bổng, một số việc có thể “làm đẹp CV” mình gợi ý dưới đây các bạn tham khảo thêm nhé.
- Học thuật: Làm thế nào nếu điểm học tập không đủ cao, ngành đang làm việc hoặc dự định học thạc sĩ không liên quan gì đến ngành học đại học? Một số gợi ý:
- Thi các chứng chỉ chuyên ngành. Ví dụ: GMAT (các ngành kinh tế/ kinh doanh), hoặc các chứng chỉ tài chính (CFA, ACCA,…);
- Tham dự các cuộc thi;
- Tìm các khoá học liên quan đến chuyên ngành (có rất nhiều khoá học online trên các nền tảng MOOC có thể học free hoặc có financial aid như mình hay học trên Coursera);
- Nếu đang còn học đại học: cố gắng cải thiện điểm số, bắt tay vào nghiên cứu khoa học,… (cá nhân mình học Ngoại Thương, cuối khoá mình chọn viết khoá luận thay vì viết báo cáo thực tập để nâng cao mảng academics trong CV vì mình không có giải thưởng/ bài xuất bản học thuật nào).
- Công việc:
- Các công việc bạn làm nên thống nhất, tránh nhảy các vị trí/ ngành không hề liên quan đến nhau;
- Những công việc làm nên có điểm nhấn/ thành tựu nhất định (thành tựu ở đây không cần phải quá lớn thì mới gọi là điểm nhấn).
- Hoạt động xã hội:
- Hoặc làm leader trong tổ chức nhỏ, hoặc làm thành viên của tổ chức “có tiếng”;
- SISGP rất chú trọng về khả năng lãnh đạo, bạn nên cố gắng làm vị trí leader trong tổ chức/ chương trình từ nhỏ, đến lớn; hoặc ít nhất bạn có thể tạo ra tầm ảnh hưởng ngay cả khi bạn không phải là “leader” (khái niệm “nhà lãnh đạo không chức danh” các bạn có thể đọc thêm trong quyển sách cùng tên của tác giả Robins Sharma);
Thế là bao nhiêu vốn liếng mình tham khảo, được chỉ dạy, góp ý từ bao nhiêu người để có thể viết ra được “một chiếc CV hoàn thiện” mình đã chia sẻ hết ở đây rồi, hy vọng có thể giúp ích cho các bạn phần nào đó. Phần sau mình sẽ tập trung vào Thư giới thiệu, các Giấy chứng nhận trong bộ hồ sơ nộp SISGP nhé.
SSDH team