SSDH – Nếu bố mẹ đang lắc đầu trước ý định đi du học thì nhiều khả năng là tại bạn chưa áp dụng những bí quyết dưới đây. Nghe thử xem sao nhé!
1. Hoạch định kế hoạch tài chính
Bố mẹ có lẽ là những người sẽ chịu ảnh hưởng gần nhất với việc “đầu tư” cho bạn đi du học nên họ hoàn toàn có thể lo lắng về điều này. Nếu có thể, bạn cần quan tâm đến vấn đề làm thêm để hứa trang trải một phần chi phí. Ngay từ bây giờ, hãy thể hiện mình là một người biết tiêu xài đúng mực và chịu khó làm thêm tích lũy kinh nghiệm ngay từ trong nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu rồi soạn ra chi phí ước lượng của chuyến du học sắp tới để cùng bàn bạc với ba mẹ các phương án thích hợp.
Trong trường hợp gia đình không thể chi trả cho mong ước này bạn cũng đừng chùng chân nhé. Biết mấy học bổng đang chờ bạn ngoài kia! Tuy nhiên, săn học bổng cũng cần nhận được ủng hộ từ bố mẹ bạn, dù chỉ về mặt tinh thần.
2. Đánh mạnh vào những ích lợi học thuật
Chẳng phụ huynh nào lại không muốn con mình được theo học trong môi trường sư phạm minh bạch, hiện đại, cho phép phát triển kiến thức lẫn kỹ năng sống. Quan trọng là bạn phải cho bố mẹ thấy những ích lợi của việc du học thông qua các bài viết, sách vở, chương trình truyền hình hay đơn giản là những “tấm gương” trước mắt. Thẳng thắn chuyện trò với bố mẹ về những điểm mạnh và hạn chế của việc học ở trong nước so với đi du học cũng là một cách hay. Nếu ngành học bạn muốn theo đuổi chưa được giảng dạy ở Việt Nam thì hãy sử dụng điều này như một lí lẽ. Quan trọng là bạn phải phô bày được nguyện vọng học tập nghiêm túc và thể hiện sự dày công tìm hiểu của mình!
3. Những trải nghiệm trưởng thành
Ngoài bài vở, bạn chắc chắn sẽ học hỏi thêm nhiều những kỹ năng ngoài lớp học. Du học nghĩa là bạn sẽ phải tự lập một mình, tự chăm sóc bản thân, phát triển kỹ năng tiếng, quản lý thu chi và tự xây dựng các kế hoạch cho tương lai chính mình. Những điều này chắc chắn sẽ giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Nếu sự trưởng thành này là tất yếu, phù hợp với độ tuổi, kết hợp với ít nhiều niềm tin sẵn có của bố mẹ, thì chẳng còn gì phải lo nữa!
4. Đảm bảo sự kết nối
Rất nhiều bố mẹ không muốn con em mình rời xa chỉ vì sợ “mất con”, sợ những cám dỗ của đời sống, đặc biệt là đối với những bạn là con một. Cho nên, bạn cần khẳng định sự vững vàng của mình, bên cạnh đó cũng cần “đảm bảo” rằng bạn sẽ vẫn tiếp tục kết nối với gia đình qua các phương tiện như Skype, Facebook, email và chat. Tuyệt đối đừng để bố mẹ nghĩ rằng bạn đang bằng mọi giá tìm cơ hội “bay vút” khỏi vòng tay gia đình.
Nếu là một người mê viết blog, bạn cũng có thể dùng hình thức này để tiếp tục cập nhật tình hình mỗi ngày của mình, chia sẻ hình ảnh và những câu chuyện trong đời sống mới… để bố mẹ được an ủi chút xíu.
5. Thu phục niềm tin ngay từ bây giờ
Hơn ai hết, bố mẹ là người gần gũi và có cách đánh giá xác đáng nhất về bạn. Nếu họ vẫn chưa cảm thấy tin tưởng vào khả năng tự lập của bạn thì hãy xem lại bản thân trước. Bằng kế hoạch rõ ràng và quyết tâm cao độ, bạn sẽ không sớm thì muộn thu phục được ủng hộ của phụ huynh thôi.
Nguồn: Trí Thức Trẻ