Lợi ích của việc học PTTH ở Canada

0

SSDH – Theo một khái niệm không thành văn bản ở Việt Nam thì trường chuyên là trường quy tụ nhiều giáo viên giỏi; tuyển lựa học sinh giỏi; có chương trình đào tạo nâng cao ở một số môn nào đó để học sinh có thể đi chuyên ngành khi vào đại học. Còn ở Canada thì khác. Khác như thế nào, hãy tìm hiểu cùng SSDH nhé.

loi-ich-hoc-ptth-tai-canada

Bài viết này của tác giả Bảo Nguyễn đăng trên Hội du học sinh Toronto đề cập đến tính chuyên và sâu của giáo dục Canada phổ cập đến tất cả mọi học sinh chứ không riêng những em giỏi.

Bậc trung học Canada (từ lớp 9) có rất nhiều môn học, thế nhưng, mỗi học sinh chỉ chọn lựa 4 môn để học mỗi học kỳ mà thôi. Mỗi ngày các em chỉ học sâu những môn đó cho đến hết học kỳ. Sau đó lại chọn tiếp 4 môn khác để học. Cứ như vậy cho đến khi ra trường. Điều này là đúng nghĩa với chữ Chuyên và Sâu cho từng cá nhân học sinh chứ không riêng gì các em giỏi.

Trong trường học Canada, các thầy cô chuyên môn ngồi ở lớp dạy riêng của mình. Cô computer ngồi phòng computer lab, thầy cơ khí ngồi trong xưởng máy, cô hoá ngồi phòng thí nghiệm… Một phòng chuyên môn nào thì được trang bị đầy đủ dụng cụ học tập sẵn của môn đó. Cứ nghe tiếng chuông reo hết giờ là học sinh chạy ùa chuyển lớp chuyên mà chúng đã chọn.

Từ mùa hè, mỗi trường đều niêm yết sẵn danh sách các môn học và thời khoá biểu từng môn trên website của mình. Học sinh sẽ ghi danh để chọn sẵn môn, có sẵn thời khoá biểu cho cả năm học. Tới tháng 9 vào học là chúng sẽ tự biết mình phải học môn gì, bao lâu, ở đâu, vào lúc nào. Đến trường cứ chuông reo là chạy tới những lớp mà mình ghi danh sẵn. Trong những khoảng thời gian trống lớp thì học sinh sẽ vào thư viện để tự học, làm bài tập hoặc ôn bài cho giờ học tới.

Xem thêm : Giáo dục ở Canada miễn phí như thế nào?

Ngoài các môn khoa học căn bản, trung học Canada còn dạy rất nhiều môn học hữu dụng và thiết thực trong đời sống hàng ngày như là kinh doanh; kế toán; sửa điện; sửa xe hơi; xây dựng; computer; network; cơ khí, lập trình; dinh dưỡng; thiết kế thời trang; âm nhạc; hoà âm phối khí … Học sinh có quyền lựa chọn những môn tuỳ theo sở trường và sở thích. Trong mỗi trường trung học, có những giáo viên gọi là guidance counsellor chuyên trách về hướng nghiệp. Người này sẽ chỉ dẫn cho từng em học sinh, cho chúng biết nên học ngành nào phù hợp với nguyện vọng và khả năng của mình. Thầy/cô giáo này có một văn phòng riêng ở trường. Ngoài giờ dạy hướng nghiệp trên lớp, các giáo viên còn gặp gỡ từng em, phỏng vấn, chỉ bảo cụ thể từng bước cho các em phải lấy các môn gì để đạt được mục đích nghề nghiệp tương lai. Đây cũng là những người giúp đỡ và hướng học sinh nộp đơn vào đại học.

Học sinh Canada được giáo dục để có sự suy nghĩ độc lập và định hướng nghề nghiệp từ rất sớm. Những em có khiếu âm nhạc, mỹ thuật sẽ tập trung lấy những môn nhạc, mỹ thuật. Những em chỉ thích làm thợ, chúng sẽ tập trung học toàn những ngành xây dựng; mộc; điện… Những em thích thể thao thì chúng dành thời gian của mình chơi thể thao. Những học sinh muốn học lên đại học thì sẽ tập trung vào những môn cụ thể mà những khoa trên đại học yêu cầu. Ví dụ: Khoa computer của đại học Toronto yêu cầu ứng viên phải có điểm 90% trở lên ở các môn dự bị đại học (Advanced) là: hàm số bậc cao; toán thống kê; lập trình và English. Các học sinh trung học sẽ hiểu ngay rằng muốn trở thành computer programmer thì chỉ cần tập trung vào học những môn trên sao cho đạt điểm cao nhất. Thế là từ những năm lớp 10 chúng chỉ việc tập trung vào học những môn đó mà thôi. Khi điểm số cuối học kỳ hiện ra, chúng sẽ sẽ thấy rõ được ngay cơ hội của mình là cao hay thấp, nên nộp vào đại học nào để dễ trúng tuyển. Thành công sẽ hiện ra ngay trước mắt học sinh rất là rõ rệt. Điều này khác hẳn Việt Nam, tất cả 12 năm học chỉ đánh cuộc vào 1 kỳ thi.

Xem thêm: Du học bậc PTTH Canada và những điều cần biết

Chương trình học phong phú; quyền được chọn môn theo sở trường và thời lượng học tập lâu dài tạo nên tính chuyên biệt và chuyên sâu cho mỗi học sinh Canada. Hãy tưởng tượng một bức tranh cụ thể như thế này: Nếu một em có năng khiếu về âm nhạc, thì ngay từ bậc trung học, nó có thể tự học chuyên về nhạc rồi. Nó có thể ghi danh học nhiều môn như piano, trống, jazz, hoà âm, phối khí, thanh nhạc… từ lớp 9 lên 12. Mỗi ngày nó học ít nhất 2-3 tiếng về nhạc và học liên tục như vậy trong vòng 4 năm. Vậy bạn nghĩ nó sẽ trình độ nó tới mức nào khi xong lớp 12? Một em muốn học thành bác sĩ, kỹ sư thì chúng có sẵn thời gian và điều kiện để đào tạo chuyên sâu ngay từ lớp 9. Một em muốn sau này vào đại học computer, kế toán, kinh tế thì đã có thể học lập trình (coding), kế toán, kinh tế ngay từ lớp 10. Đâu cần đến đại học mới chân ướt chân ráo học chuyên ngành như Việt Nam

Nhìn chung thì các em Canada rất là trưởng thành trong suy nghĩ và định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc trung học. Những em không thích học nhiều thì sau lớp 12 cũng có một chút kiến thức thực tiễn xài được trong đời sống hàng ngày. Những em muốn đi xa hơn thì tự bản thân chúng tìm trường, tự lo nộp đơn college, university và tự mình đi vay tiền ngân hàng để đóng học phí.

Cuối bài này, tôi để lại link cho các bạn đọc cuốn sổ tay của học sinh Toronto có tên là Choices (Quyền Chọn Lựa). Trong đó giải thích tất cả mọi thứ về học đường của Thành phố Toronto (Toronto Board of Education). Hãy đọc từ trang 44 trở đi để xem học sinh Toronto có bao nhiêu môn học nhé. Các bạn sẽ ngạc nhiên vì tên các môn đó. Có quá nhiều môn học mà không phải trường nào cũng đủ chỗ để dạy. Vì thế, học sinh Toronto có quyền sang trường khác và thậm chí vào luôn college để học. Có những môn sinh viên Việt Nam sang du học college phải đóng tiền như nhà hàng, khách sạn, nấu ăn… thì học sinh Toronto cũng được vào y những chỗ đó từ những năm trung học. Các em thậm chí còn thể ra các công trường, nhà máy, ga-ra, hãng bánh, khách sạn… để học nghề .

Từ Việt Nam, các bạn thường nghe là Canada có giáo dục tốt, nhưng không rõ là tốt thế nào. Bây giờ có thể thấy được một trong những ưu điểm của nó rồi đó. Sự ưu tú của giáo dục Canada tất cả là nằm ở hệ thống trường công, nơi mà dân Canada theo học.

Học sinh Việt Nam cũng nên có định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị chuyên ngành sớm. Nền tảng kiến thức tốt nhất là được xây đắp ở Canada này. Những em nào học xong lớp 12 phổ thông ở Việt Nam, khi sang Canada vào đại học sẽ gặp một cơn sốc mạnh vì thiếu hụt căn bản trên tất cả mọi phương diện. Vào đại học càng tốt, ngành càng khó thì cơn sốc càng mạnh. Nếu không thực sự giỏi và có nghị lực thì sẽ dễ bị nản chí và đắm chìm không gượng lại nổi. Nếu bạn đọc quan tâm tới việc nuôi dạy con cái thì đều biết rõ rằng giáo dục là một quá trình rất lâu dài và kiên nhẫn. Một em muốn du học thành tài thì cần có hai thứ là nền tảng kiến thức và ý chí kiền trì.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết làm như thế nào để chọn được ngành phù hợp?

SSDH Team

Share.

Leave A Reply