Sẵn sàng du học – Vừa đảm bảo nghề nghiệp vững chắc cho chính mình, vừa xây dựng tương lai tươi sáng cho thế giới, tại sao bạn không thử “dấn thân” vào những ngành nghề này?
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới cùng cam kết theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, bất cứ ai cũng có thể góp sức bảo vệ Trái Đất, xây dựng tương lai nhân loại như những điều các siêu anh hùng vẫn làm trên màn ảnh. Những ngành học “giải cứu thế giới” như Môi trường, Năng lượng, Quản lý tài nguyên…, thời gian gần đây, được đánh giá có triển vọng cao với nhu cầu lớn về nhân lực trong tương lai.
Tại New Zealand, các ngành nghiên cứu như sinh vật học, kỹ sư có lương trung bình một năm thấp nhất 50.000 NZD (khoảng 800 triệu đồng). Đây là mức tương đối cao so với mặt bằng lương chung của đất nước này. Với ngành Quản lý nguồn nước, mức thu nhập có thể lên tới 100.000 NZD mỗi năm.
Chuyện cổ tích được viết nên bởi người trẻ
Anh Soheil, du học sinh người Iran, đang học bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống Năng lượng Bền vững tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand. Mục tiêu của Soheil khi đến New Zealand là nghiên cứu nguồn năng lượng sạch thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, đưa đến các trường học, bệnh viện, những vùng hẻo lánh ở khắp nơi trên thế giới.
Soheil cho biết: “Tôi chọn New Zealand vì được làm việc cùng giáo sư Alan Brent – một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về ngành này. Không chỉ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch, New Zealand còn thực sự áp dụng nó trong thực tế. Ít nhất 50% nguồn năng lượng điện của New Zealand đến từ thủy năng – một loại năng lượng sạch”.
Tại trường Victoria Wellington, anh Soheil đang thực hiện các nghiên cứu ứng dụng trí thông minh nhân tạo. Mục đích là hiện thực hóa biện pháp hiệu quả về chi phí để triển khai lưới điện độc lập với quy mô nhỏ, cung cấp điện nhanh chóng với giá cả phải chăng cho các khu vực hẻo lánh như đảo hay vùng núi sâu.
Cùng mối quan tâm với Soheil về môi trường mà nhân loại sẽ đối mặt trong tương lai, Alexandra Lischka, du học sinh đến từ Đức, đã nghiên cứu về ngành Hải dương tại Đại học Công nghệ Auckland (AUT), New Zealand. Ở đây, cô cùng các bạn nghiên cứu mức độ nhiễm kim loại ở mực ống và cá voi để đánh giá tình trạng ô nhiễm biển, từ đó thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường thông qua giáo dục.
Ngoài việc là nơi tập trung nhiều chuyên gia đầu ngành, New Zealand còn có điều kiện tự nhiên lý tưởng để nghiên cứu về môi trường biển. Diện tích biển nơi này rộng lớn gấp 20 lần diện tích đất liền, hệ sinh thái hải dương là cốt lõi của nền văn hóa, tín ngưỡng đối với người Kiwi, đồng thời đem đến nhiều lợi ích kinh tế.
Alexandra rất vui vì có cơ hội học tập ở New Zealand: “Tôi đã được hỗ trợ rất nhiều để có cơ hội thuyết trình nghiên cứu của mình tại hội nghị Hải dương học cấp quốc gia. Mọi người đều rất thân thiện góp ý và ủng hộ nghiên cứu của tôi”.
Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành, cô còn đánh giá cao nền giáo dục New Zealand vì luôn khuyến khích người học hướng tới những giá trị bền vững và suy nghĩ vì môi trường. Cô và bạn bè mình đã được truyền cảm hứng để sống xanh, thân thiện với môi trường.
Không thua kém các sinh viên quốc tế, nhiều bạn trẻ từ Việt Nam cũng đã lựa chọn học tập để xây dựng tương lai bền vững cho nhân loại. Anh Nguyễn Khiêm là một ví dụ về người trẻ Việt như vậy.
Theo học thạc sĩ Quản lý Tài nguyên nước tại Đại học Canterbury, New Zealand, anh Khiêm cho rằng kiến thức chuyên môn của mình không chỉ dừng lại ở việc quản lý nguồn nước, mà còn góp phần giảm tranh chấp biên giới giữa các quốc gia, đảm bảo chất lượng nguồn nước cho thế hệ sau.
Trong thực trạng 90% lượng nước thải của Việt Nam chưa được xử lý đạt chuẩn gây ảnh hưởng môi trường (theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường), những kiến thức của anh Khiêm rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển của lưu vực nói riêng và bảo tồn môi trường nói chung.
Những người như Soheil, Alenxandra hay anh Khiêm một lần nữa chứng tỏ bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là siêu anh hùng, thầm lặng cống hiến, góp phần mang đến một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Tương lai rộng mở cho những "người hùng"
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới kết hợp Đại học Yale và Columbia, Mỹ, năm 2018, chỉ số hiệu suất môi trường (EPI) của New Zealand hiện đứng thứ 17 trên thế giới và đứng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương. Vị trí này cho thấy quyết tâm của người dân nơi đây trong cuộc chạy đua với thời gian để gìn giữ môi trường cho thế hệ sau. Do đó, đây là điểm đến lý tưởng nếu bạn có định hướng theo đuổi ngành bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nhiều trường đại học lớn ở New Zealand đều có các khoa đào tạo những ngành trên như Đại học Wakaito, Đại học Canterbury, Đại học Công nghệ Auckland (Auckland University of Technology – AUT)…
Ngoài ra, những ngành học có liên quan cũng được cải tiến theo định hướng phát triển bền vững để phù hợp thời đại như ngành Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ, Nông nghiệp Phát triển Bền vững. AUT cũng sắp mở thêm khoa Kiến trúc và Môi trường tương lai nhằm hướng tới những thiết kế hài hòa và thân thiện với môi trường.
Không chỉ phát triển ở nước ngoài, thế hệ trẻ Việt hoàn toàn có thể đem những kiến thức và kỹ năng tích lũy được tại New Zealand để phát triển sự nghiệp tại quê hương.
Từ năm 2004, Việt Nam đã có định hướng chiến lược về phát triển bền vững qua Chương trình nghị sự 21 cấp quốc gia. Chương trình đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể cho Việt Nam cho tới năm 2030 trên tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường.
Từ năm 2018, Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế xanh, huy động nhiều nguồn hỗ trợ từ nước ngoài. Đây chính là điều kiện thuận lợi mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho những du học sinh Việt.
New Zealand hiện là quốc gia sở hữu nền giáo dục đẳng cấp thế giới:
– Quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai.
– Cả 8 trường Đại học đều nằm trong Top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới.
– Cơ hội visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế.
Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News