Sẵn sàng du học – Không áp dụng những cách dạy học thông thường, một ngôi trường ở Úc đã tiên phong giảng dạy mô hình “giáo dục trong rừng”. Cách dạy “lạ lẫm” này khiến nhiều học sinh thích thú tới độ, đến cuối ngày không em nào muốn về nhà.
The Nature School (Trường Tiểu học Thiên nhiên) là ngôi trường nằm ở Port Macquarie, bờ biển phía Bắc New South Wales. Đây là một trong số ít trường học ở Úc theo đuổi mô hình học tập ngoài trời vốn rất phổ biến ở châu Âu.
Cô Catherine Oehlman, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm học đầu tiên, dù nhà trường phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng đã gặt hái được những thành công đáng kể.
“Giờ đây không còn là câu hỏi: “Bọn trẻ học có đủ không?” nữa mà thay vào đó là: “Hãy nhìn vào những điều bọn trẻ học được đã vượt quá mong đợi của chúng ta”.
Chú trọng việc chơi ngoài trời
Theo cô hiệu trưởng Oehlman, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu môn học như Tiếng Anh, Toán hay Khoa học, nhà trường còn tiến hành giáo dục theo một cách khác.
Khoảng một nửa thời gian mỗi ngày của trẻ sẽ được dành cho việc học tập ngoài trời; trọng tâm là tư duy độc lập. Ngoài ra, mỗi tuần một lần, trường sẽ tổ chức chuyến phiêu lưu ngoài trời. Trong khi đó, chơi ngoài trời là hoạt động diễn ra thường ngày, bất kể thời tiết ra sao.
"Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ những trải nghiệm thực trong tự nhiên. Thay vì ngồi ở trong lớp học, chúng được hòa mình với thiên nhiên. Điều đó sẽ mang lại những lợi ích đáng kể”.
Khi vào trong rừng, học sinh cũng được mang theo máy tính bảng để viết và vẽ. Giáo viên có thể thực hiện một bài Toán về trọng lượng, khối lượng hay chiều dài ngay trong rừng. Những tiết học diễn ra ở một nơi như vậy đem lại quá nhiều niềm vui, đến mức 3 giờ chiều không học sinh nào muốn về nhà.
Học sinh khôn lớn giữa tự nhiên
"Chúng cháu có thể gặp một con chim bói cá hay một con vẹt cầu vồng…", một học sinh cho biết.
Bé Blake, con trai của Jacqui Rullis là một cậu bé có nhu cầu đặc biệt. Do vậy cô Rullis đã lựa chọn The Nature School cho Blake với hi vọng con sẽ có một môi trường học tập tốt hơn những trường học chính thống.
Và người mẹ này đã vui mừng trước kết quả mà con trai mình đạt được. “Con đã đi từ chỗ không thể có bất cứ cuộc trò chuyện nào tới việc có thể tham gia vào tập thể và kết bạn”.
Eirwyn Davidson, một phụ huynh của trường cũng cho biết, con gái Evie của cô đã có những tiến bộ tuyệt vời sau khi học tập tại ngôi trường này.
“Con bé đã rất quen với triết lý giáo dục của trường. Đó là một môi trường học tập giúp trẻ được giữ vai trò chủ động và được ở ngoài trời, được học hỏi trong tự nhiên. Môi trường này khiến trẻ được học tập theo nhịp độ riêng và có thể theo đuổi đam mê, sở thích của mình”.
Trẻ sinh ra không phải để ngồi một chỗ
Theo cố vấn giáo dục Thompson, mô hình học tập ngoài trời nên được triển khai rộng rãi hơn. Bởi lẽ, điểm hạn chế trong hệ thống giáo dục chính thống liên quan tới việc bắt trẻ ngồi một chỗ trong thời gian dài, trong khi cơ thể trẻ không được thiết kế để làm việc này.
Cách dạy “lạ lẫm” này khiến nhiều học sinh thích thú tới độ, đến cuối ngày không em nào muốn về nhà.
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ giáo viên luôn “nhồi” quá nhiều thứ vào một ngày học, chạy theo số lượng thay vì chất lượng học tập. Nếu chúng ta liên tục buộc chúng phải học nhiều và khó hơn, trẻ sẽ chẳng còn thời gian để học những thứ mà chúng hứng thú.
“Nếu chúng ta đưa cho một đứa trẻ tấm thẻ in hình chiếc lá xanh, điều này rất khác so với việc chúng được đi vào tự nhiên và tìm kiếm các loại màu sắc, kết cấu, hình dáng khác nhau của từng chiếc lá. Chúng có thể học được nhiều hơn theo cách đó”.
Trong năm học tới, The Nature School sẽ giành một khoản cho việc mua 10 máy quay. Chúng sẽ hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập ngoài trời.
“Mỗi lần vào rừng, học sinh sẽ mang theo máy quay và được học cách thực hành kỹ năng lấy nét, phóng to và giữ máy sao cho có thể chụp được những bức ảnh đẹp về cây cối, các loài chim, các con thú trong rừng”, cô hiệu trưởng vui vẻ cho biết.
“Chúng tôi sẽ đưa những điều đó vào cuốn sách của mình và chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng”, cô nói.
Cá Domino (SSDH) – Theo vietnamnet