Nhận diện 3 “chướng ngại vật” khi học tiếng Anh

0

SSDH – Theo Giáo sư Krashen, trong não bộ của mỗi người có một cơ quan tiếp nhận ngôn ngữ. Để kích hoạt phần não này, con người cần trau dồi kiến thức bằng nhiều cách khác nhau. Song song với quá trình tiếp thu từ vựng, ngữ pháp, chúng ta phải nỗ lực sử dụng ngôn ngữ trong mọi tình huống của đời sống để tạo thành thói quen phản xạ

 

Bên cạnh đó, trên hành trình chinh phục tiếng Anh, người học cần biết cách tránh những “chướng ngại vật” sau.

 

Thiếu động lực học tập

 

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thụ đắc tiếng Anh của con người nằm ở động lực ban đầu. Khi chưa xác định được nguyên nhân và ý nghĩa của việc học tiếng Anh, bạn sẽ rất khó vượt qua những khó khăn thường gặp trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ này. Vì vậy, trước khi bắt đầu học thuộc 1 từ mới, nghe 1 đoạn hội thoại hay đọc 1 tài liệu bằng tiếng Anh, bạn nên tìm cho mình một động lực cụ thể và kiên trì đến cùng với mục tiêu của mình.

  	Nhận diện 3 "chướng ngại vật" khi học tiếng Anh

 

Chưa đủ tự tin

 

Thông thường, với những kiến thức mới, nhiều người tỏ ra thiếu tự tin vào việc họ có thể nắm bắt, vận dụng tốt thông tin này vào công việc và cuộc sống. Chính tâm lý này đã khiến việc tiếp thu tiếng Anh trở thành áp lực, khiến người học bỏ cuộc ngay từ những chặng đầu tiên của hành trình.

 

Một nhà hiền triết từng nói: “Để một người học được những điều mới mẻ thì chính người đó phải tin rằng mình sẽ thành công”. Điều này cho thấy, nếu bản thân mỗi người có ý thức về việc thiết lập chế độ thụ đắc tiếng Anh cho não và tự tin vào khả năng tiếp thu của mình, họ sẽ cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ dễ dàng hơn so với người khác.

 

Sợ hãi và lo lắng

 

Sự sợ hãi, lo lắng là hệ lụy của trạng thái chưa tự tin khi tiếp xúc với ngôn ngữ mới. Để giải tỏa khúc mắc này, trong các buổi diễn thuyết của mình, Giáo sư Krashen thường đưa ra một câu chuyện thực tế khá thú vị. Một người đàn ông gốc Áo đang trong quá trình học tiếng Anh và chỉ mới giao tiếp được ở mức trung bình. Ông luôn lo lắng mỗi khi đến lớp học tiếng Anh vì “phát âm không đúng cách, viết sai chính tả tiếng Anh sẽ khiến tôi bị người khác coi thường”. Một ngày, người thầy giáo vô tình hỏi ông về Golf – một môn thể thao mà ông vô cùng yêu thích. Sự say mê đối với Golf khiến người đàn ông này bị cuốn hút vào cuộc trò chuyện và quên đi nỗi sợ hãi về việc giao tiếp tiếng Anh. Từ sau hôm đó, ông đã có thể gạt bỏ mọi lo lắng từng có trước đó và học ngoại ngữ 1 cách hiệu quả hơn.

 

Câu chuyện do Giáo sư Krashen chia sẻ đã trở thành động lực học tập của không ít người tham dự buổi trò chuyện của ông và trở thành một trong những phương pháp học tiếng Anh khá hiệu quả trên toàn thế giới.

 

 

Nguồn: Trithuctre

Share.

Leave A Reply