Sẵn sàng du học – Gia đình mình immigrated, mọi thứ đã ổn định mọi thứ đã ổn định nên xin kể lại chuyến đi di cư thời covid cho bạn nào quan tâm đến vấn đề cách ly thế nào, điều kiện cách ly ra sao, cũng như các vấn đề cần giải quyết khi mới bước chân qua Úc.
Thời covid moị thứ nó không như quy trình bình thường, thay đổi liên tục. Thời điểm mình bay vẫn được cách ly miễn phí, nếu bạn đi giai đoạn sau này thì mình nghĩ chỉ khác nhau ở điểm trả phí cách ly, còn lại vẫn như cũ.
Từ lúc xuống sân bay sẽ qua cửa y tế, nhân viên y tế đo nhiệt độ và hỏi những câu hỏi cơ bản về các triệu chứng nhiễm bệnh và thông báo sơ về quarantine 14 ngày tại khách sạn cách ly. Họ sẽ hỏi mình có sẵn cái form hải quan chưa (mang những vật dụng gì thì phải khai). Form này tiếp viên phát trên máy bay rồi, bạn nên điền trước. Sau đó sẽ qua cửa hải quan, officer hỏi nhà ở đâu, số điện thoại Úc là gì, vì chúng tôi không có điền vào khoản đấy, cảnh sát cũng hỏi thông tin này lúc check in khách sạn. Nhiều khi có 1 cái địa chỉ, 1 số điện thoại lại là vấn đề cơ bản và cần thiết nhất trong cuộc sống này. Chúng tôi trả lời đây là lần đầu tiên immigrated Úc, xong cách ly mới đi thuê nhà và mua SIM điện thoại. Nói đến khúc này thì officer có vẻ ngạc nhiên, nhìn gia đình tôi vài giây vì ít người nhập cư giai đoạn này. Họ á ớ 1 hồi rồi mới hiểu vấn đề là sao không có địa chỉ nhà hay số điện thoại gì cả.
Tiếp đến là chốt kiểm duyệt hành lý (nếu không mang những mặt hàng cần declare thì sẽ qua 1 bước này). Nhà tôi lần đầu di cư, sợ vụ hải quan nên không mang gì trong danh sách declare cho nó nhanh gọn. Giả sử có mang cái gì mình declare cũng được mà mất công phải khui hành lý này kia thêm phiền. Mà điều tôi khá là ngạc nhiên là sân bay Úc không có xe đẩy hành lý, hành lý nhiều thì sẽ vất vả chỗ này. Từ chỗ hành lý mà đi ra luôn chỗ đậu xe là 1 quãng đường khá dài. Các bạn hãy tập thể dục trước khi đi để tăng cơ mà có sức đẩy nhé. Đi di cư mà, hành lý đã cố gắng gọn nhẹ nhưng mà ko có xe đẩy thì khá là vất vả.
Tiếp đến là chốt xe bus đậu để di chuyển về khu cách ly, từ đây sẽ có quân đội và cảnh sát và y tế hỗ trợ. Quân đội sẽ giúp bạn khiêng hành lý lên xe. Trời ơi mừng rơi nước mắt vì chúng tôi đã rất đói bụng và mệt sau chuyến bay dài và kéo hành lý đi 1 quãng rất dài và rất nhiều thủ tục ở từng trạm. Có xe cảnh sát dẫn đường cho xe bus đi. Ngầu ghê lun. Tới khách sạn thì sẽ có 1 nhân viên của chính phủ đọc luật cách ly rồi dẫn vào check in. Lúc này bên quân đội sẽ hỗ trợ khiêng hành lý đem lên tận phòng. Lại 1 lần nữa mừng rơi nước mắt vì lúc này đã rất đói và mệt rồi. Check in người ta cũng hỏi số điện thoại và địa chỉ ở NSW 1 lần nữa, hỏi số bạn bè và người thân ở Úc để có chuyện gì người ta thông báo. Nhân viên khách sạn làm thủ tục check in xong thì tới bộ phận cảnh sát làm thủ tục. Họ sẽ hỏi sau 14 ngày cách ly thì mình về nhà bằng phương tiện gì, đưa địa chỉ và số liên lạc. Tuy nhiên nhà mình bảo là mới tới, chưa thuê airbnb, thuê xe đi về. Nhưng họ cứ đòi 1 địa chỉ và 1 số điện thoại, nên tôi đưa số và địa chỉ nhà của 1 người bạn cho họ. Vậy cũng xong.
Trong lúc chờ đợi làm thủ tục vô tình gặp 1 anh cảnh sát người Việt ảnh nói tụi tôi hên, khách sạn này mới xây, rộng rãi, và nói tuần sau sẽ có chính sách tính phí cách ly. Ảnh còn giới thiệu nhà hàng Việt Nam gần khách sạn, và món nào ngon để chúng tôi order.
Sau 45 phút làm thủ tục check in, nhân viên quân đội sẽ hỗ trợ bạn đi thang máy lên phòng (không được đi 1 mình). Ông con nhà tôi tám chuyện với anh quân đội rằng hi vọng sẽ được ăn lobster trong khách sạn mà anh ấy cười ko ngậm được mồm. Ở mỗi level đều có cảnh sát canh gác ngày và đêm ngay hành lang. Gia đình chúng tôi may mắn được ở serviced apartment mới xây 1 năm (Meriton Suites Sussex Street), đầy đủ tiện nghi như 1 căn hộ chung cư 2 phòng (Máy giặt, máy sấy, máy rửa chén, lò nướng, lò viba, bếp ga, chén bát nồi chảo, tivi, máy pha coffee). Khách sạn ở trung tâm nên có nhiều option đồ ăn delivery tới tận phòng. Một ngày họ sẽ đem đồ ăn đến 2 lần để trước cửa (buổi sáng và tối đem lên 1 lần, buổi ăn trưa 1 lần). Khẩu phần ăn ở đây rất nhiều, món ăn đầy đủ dinh dưỡng. Mà trời thì lạnh nên mau đói lắm. Dự là sau 14 ngày sẽ lên vài kg. Nhà mình phải request giảm bớt phần ăn lại (cắt 1 phần người lớn) để tránh đồ ăn thừa đổ.
Ngày mình landing họ tính day 0. Mỗi sáng bộ phận y tá điện lên phòng hỏi thăm sức khoẻ, có triệu chứng gì không. Ho làm test covid vào day 3 và day 10. Trước khi test họ sẽ confirm họ và tên ngày tháng năm sinh. Test ngay tại cửa phòng mình ở luôn, không đi đâu. Test thì họ sẽ lấy 1 cây tăm đưa vào cổ họng (ko sâu lắm) và đưa vào 2 lỗ mũi (hơi đau 1 tí như kiến chích thôi). Nhà tôi có bạn nhỏ 8 tuổi làm test ko có vấn đề gì. Nhẹ nhàng và tình cảm như nước Úc vậy. Sau khi test thì chúng tôi đánh răng súc miệng, xịt mũi bằng nước muối, và xịt họng bằng các loại chữa đau họng và diệt khuẩn cho sạch sẽ. Nếu kết quả covid âm tính thì họ sẽ không gọi mình để thông báo, mặc định là vậy. Chỉ khi có vấn đề họ mới gọi thông báo thôi. Ngày thứ 13, nguyên phái đoàn tầm 10 người bao gồm: bác sĩ, y tá, công an, quân đội sẽ gõ cửa phòng. Vừa mở cửa thấy 1 tập đoàn người không là người, ai cũng cao to lực lưỡng, làm tim đập chân run. Bình thường test covid cũng chỉ có 2 nhân viên y tế. Cứ tưởng họ tới áp giải mình đi qua khu cách ly khác vì dính covid nữa chứ. Té ra là họ trao cho bạn giấy chứng nhận covid free từ bộ y tế, bộ công an, và 1 cái vòng đeo tay (covid free). Họ sẽ đưa vài slot giờ để bạn chọn mà làm thủ tục check out.
14 ngày cách ly trôi qua khá nhẹ nhàng. Ăn uống thì cứ 2 ngày tôi order đồ ăn VN 1 lần, fresh seafood (tôm, mực….) thì order 1 tuần 1 lần. Còn lại ăn đồ ăn khách sạn. Ông chồng tôi còn order bia rượu về khách sạn lai rai. Ngày đầu tiên nên order 1 số snack hoặc 1 số đồ dùng cần thiết tại siêu thị để có mà dùng. Chỉ lưu ý là khi mình order nhớ ghi rõ full name, số phòng vì bên delivery họ sẽ đưa đến lễ tân. Rồi lễ tân kiểm tra đúng tên đúng số phòng mới gọi lên mình. Nếu trên app dùng tên tiếng anh thì phải note với lễ tân vấn đề này, không khớp tên họ không mang lên phòng đâu. Có vài app chuyên delivery (Ubereat, Menulog, Deliveroo, Open Table….) mỗi app khi sign up sẽ nhận được mã code discount 12$ thì phải. Nhà 2 đứa 2 số điện thoại (số ko phải của Úc vẫn xài được) thì có thể xài code discount 6- 8 lần rồi. Tiết kiệm gần cả 100$.
Giai đoạn cách ly thì con nhỏ lấy bài vở ra học, người lớn làm việc, xong coi phim giải trí. Thực sự là thư giãn để lấy lại năng lượng sau 1 tháng cong mông lo đủ thứ việc. Thời gian này, chúng tôi bắt đầu tìm nhà để ở, lên kế hoạch mua sắm cho căn nhà mới thuê trống không, plan thật kĩ để tránh đi lòng vòng thiếu sót. Hơn nữa, tình hình dịch đang phức tạp nên cũng rất ngại đi ra ngoaì. Trước khi đi 2 tuần thì tôi đã mua tất cả đồ nhà bếp online ship tới nhà người bạn trước, để khi có nhà thì sẵn đồ mà nấu. Canh đồ khuyến mãi mua nữa, 1 công đôi chuyện. Ở Úc có nhiều thiết bị mới, những sản phẩm mà xưa nay chưa có dùng bao giờ nên nghiên cứu cũng hết thời gian.
Lần đầu di cư, trúng giai đoạn tình hình covid diễn biến phức tạp, luật nhập cảnh thay đổi từng ngày từng giờ, và cũng là lần đầu tiên thưởng thức mùa đông ở Úc. Đã mấy chục năm kể từ khi xa quê hương phố cổ Hội An đã không còn biết bộ đồ dài tay, mang tất là gì cả. Cái lạnh ở đây thật dễ chịu, cứ mặt 3 lớp là ổn chứ không kiểu lạnh buốt xương như miền Trung mình. Di cư Úc vào mùa dịch rất là đau tim, nhưng vì nghề nghiệp chúng tôi thường hay chịu áp lực cao và đã quen đô dập dìu của cuộc sống nên cả 2 vc đều đồng lòng take risk. Cuộc đời là những chuyến phiêu lưu mà. Xách mông lên đi không nghĩ nhiều. Ở Sydney mỗi tuần khám phá 1 điểm, không có xe vẫn vi vu bình thường. Đồ ăn thì ngon tươi, cảnh thì đẹp ngỡ ngàng, biết thế đi sớm hơn.
Đi di cư thì mang gì? Chỉ 3 từ thôi: Thật nhiều tiền. Nhưng nếu đi trúng mùa dịch, mình nên chuẩn bị thêm 1 số đồ để bảo vệ sức khoẻ. Nếu chuẩn bị mấy thứ sau thì sẽ tiện lợi hơn
Đồ vệ sinh y tế: nước rửa tay mỗi người 1 chai, nhiều khẩu trang phân sẵn từng lần sử dụng (tránh tay dơ đụng vào đồ sạch), face shield. Bình xit diệt khuẩn bỏ vào hành lý kí gửi để khi vào khu cách ly mình xịt cửa tay cầm trong phòng, các loại vật dụng bàn ghế, và hành lý …… Bình xịt mũi (nước muối), bình xịt cổ họng, bao tay y tế. Nên chuẩn bị thêm bình nước rửa tay xà phòng vì ks ko có đủ dùng, mà cái loại đó chỉ rửa tay thường chứ ko diệt khuẩn. Thời dịch phải rửa tay liên tục khi tiếp xúc bất cứ thứ gì.
Vitamin, dầu gió: Thuốc bổ tổng hợp, vitamin c, xức dầu khi tắm xong. Mang tất cả ngày vì gia đình mình đang sống ở nơi nhiệt độ trung bình 30 độ và hoàn toàn không có mùa đông.
Kem dưỡng ẩm da và môi. Thứ này rất cần thiết, nhà mình quên mất lạnh là phải có cái này. Nên order từ Chemistwarehouse mà 5 ngày mới tới.
Đồ ăn thì hơi nhạt (nhà tôi miền trung nên ăn hơi mặn). Nếu được bạn mang theo 1 chút hạt nêm. Nhà tôi order đồ ăn Việt nam nên xin thêm nước mắm và ớt trái để kết hợp với các món ăn của Úc. Đồ ăn họ phát 3 bữa 1 ngày, ẩm thực cũng rất đa dạng: Thái, Ấn, Úc..trái cây, sữa chua, sữa tươi đầy đủ. Ăn mập lun. Có sẵn bếp, lò nướng nên bạn có thể tái chế đồ ăn họ phát lại theo kiểu ăn Việt Nam mình cho dễ ăn.
Nếu có hành lý bạn mua mì, phở gói, món ăn này gọi là cứu tinh của nhà mình. Ăn sáng mì có vẻ ngon khi kết hợp rau củ, thịt từ đồ ăn của Úc. Nếu không có mang thì order siêu thị woolworths phở Việt Nam vô tư
Những đồ dùng để dùng ở khu cách ly thì để chung 1 vali, để tránh mở các vali khác.
Mùa đông lạnh nên phải có lớp base là heattech của uniqlo (chọn loại extra warm cho áo và quần), thêm 1 lớp áo phao, hoặc loại áo nào waterproof cho tiện là ấm từ trên xuống dưới. Quần áo mình hút chân không cho nó gọn (mua túi hút chân không từ Daiso)
Ra khỏi khu cách ly 3 ngày thì nhà tôi đã tìm được nhà. Mọi thứ cũng nhanh gọn sau đó, 1 tuần sau là đã đi chơi câu cá, đi công viên. Nhà cửa set up đầy đủ hoàn thiện sau 1 tháng. 1.5 tháng sau mới mua xe. Cuộc sống sau những ngày tháng cách ly cũng khá là thú vị, nếu các bạn quan tâm mình sẽ kể trong bài sau. Mua gì ở đâu, mua sao cho rẻ, kinh nghiệm trả giá, thứ gì trên đời này cũng trả giá được hết.
Chúc những gia đình chuẩn bị di cư Úc có 1 chuyến đi suôn sẻ và nhiều may mắn.
Theo FB chị Phan Hoàng Yến