Sẵn sàng du học – Khi mới chập chững tìm kiếm các chương trình học bổng, ai cũng có những câu hỏi rất “ngớ ngẩn”. Tuy nhiên, bạn đừng lo, ai nên khôn mà chả dại đôi lần. SSDH chia sẻ với bạn những câu hỏi như thế của anh Phạm Thông, một trong những người đã xuất sắc dành chương trình học bổng chính phủ Ailen qua bài viết dưới đây nhé.
Hôm nay vô tình đọc lại mấy tin nhắn cũ của cái thời mới lần đầu ủ mưu săn học bổng, ra mình cũng không hề cao siêu gì, cũng “mặt dày” đi hỏi, gửi mail tứ tung với đủ câu hỏi ngu ngơ khó đỡ. Đúng là ai muốn khôn ra cũng phải đôi lần dại. Hôm nay mình sẽ tổng hợp lại vài câu hỏi “đần” nhất từ chính mình của 3 năm trước. Và mình của bây giờ sẽ trả lời chúng, mình tin sẽ rất rất nhiều bạn đang có những câu hỏi này trong đầu.
- Tham gia hoạt động xã hội có giấy chứng nhận nhiều là sẽ đậu học bổng phải không?
Xưa mình hỏi câu này vì vào thời điểm mình ủ mưu mình có một con số không tuyệt đối về hoạt động xã hội. Hồi sinh viên thì mình thấy đi làm thêm, đá banh hay chơi điện tử thì “có ích” hơn đi mùa hè xanh, tới lúc đi làm thì thời gian rảnh mình đi bù khú lại “vui” hơn đi làm việc xã hội. Mình càng hoang mang hơn khi đọc các tấm gương học bổng (chủ yếu trên VNExpress) thì hình như không có ai là không đi tình nguyện, xã hội. Tới lúc muốn apply học bổng, thì mình bấn loạn đi hỏi hết người này người kia, chỉ mong có ai đó ủng hộ mình kiểu “em đừng lo, chuyện này có cách giải quyết”
Và sự thực là…
Đúng, chuyện này có cách giải quyết và cách đó là…đăng kí tham gia hoạt động xã hội. Tuy nhiên, đậu hay rớt nó không nằm ở “giấy chứng nhận” – hay chính xác hơn là suy nghĩ của bạn về cái tờ giấy này. Nếu bạn tham gia hoạt động chỉ để sưu tập thật nhiều giấy chứng nhận, 90% bạn sẽ chẳng đậu gì cả. Bạn cần kìm hãm cơn cuồng certificate lại một giây và suy nghĩ người ta sẽ nhìn cái gì trong hoạt động xã hội của bạn? Rõ ràng, người ta không có ngồi đếm số giấy chứng nhận của bạn rồi bấm máy tính để chấm điểm! Người ta muốn thấy bạn đem lại được giá trị gì cho CỘNG ĐỒNG!
Do đó, thay vì chạy theo hoạt động xã hội, bạn nên suy nghĩ và chọn cho mình một hoạt động xã hội nào đó mà mình thực sự thích. Khi bạn đăng kí tham gia hãy tham gia vào một vị trí một vị trí có trách nhiệm rõ ràng, từ đó bạn sẽ có thể đóng góp một cách rõ ràng.
Mình ví dụ về mùa hè xanh, rất nhiều bạn có giấy chứng nhận mùa hè xanh còn nhiều hơn số công việc trong 5 năm đi làm của mình, nhưng khi hỏi em đã cụ thể làm gì, bạn nhún vai “em cũng không biết, em tham gia vô ai sai gì thì em phụ nấy thôi ạ!”. Nếu là mình, mình sẽ tham gia trong nhóm truyền thông (vì mình thích làm việc với con người, sau này ai hỏi mình sẽ có rất nhiều thứ để kể, như mình đã kêu gọi được bao nhiêu bạn tình nguyện, mình đã kêu gọi hỗ trợ được bao nhiêu tiền, mình giúp đỡ xây được bao nhiêu cây cầu, dạy bao nhiêu đứa trẻ. Bạn nghĩ trong 2 trường hợp trên giám khảo sẽ thích ai hơn? Hơn nữa có kinh nghiệm sâu hơn bạn sẽ viết luận tốt hơn, thuyết phục người cấp học bổng hơn.
- Điểm GPA mình có 7.1 thôi, có cơ hội đậu học bổng không?
Một lần nữa, các con nhà người ta trên VnExpress lại làm mình hoang mang. Hoang mang cơ bản là vì ở Việt Nam mình luôn suy nghĩ “ráng học cho tốt sau này làm gì cũng được”, từ đó GPA (hay chăm học) giống như một công cụ thần kì có thể đáp ứng mọi điều ước, từ nhỏ là được mua đồ chơi, lớn là có việc (nhẹ) lương cao, tới giờ là tìm học bổng
Sự thực là…
Hoang mang là đúng! Vì GPA cao là lợi thế, không có GPA cao rõ là bất lợi. Tuy nhiên, tương tự như chuyện hoạt động, mình cần suy nghĩ một xíu, con số GPA nói lên cái gì? Người ta cho học bổng là dựa trên TIỀM NĂNG và CON NGƯỜI của mình trong tương lai, GPA chỉ là một trong những yếu tố để nói về bạn thôi! Apply học bổng không phải như apply đại học, bạn không đơn giản nộp một bảng điểm rồi tháng sau có người gửi bạn 2-3 tỉ để bạn đi học. Không không, học bổng khó hơn vậy nhiều!
Để xứng đáng phần thưởng này, bạn cần cho người ta thấy con người tương lai của bạn ra sao. Và người ta sẽ thấy điều này thông qua tầm nhìn mà bạn chia sẻ về tương lai, về motivation tại sao bạn muốn du học. Bạn cũng đừng nghĩ mình sẽ cứ nổ thật to, viết thật sướt mướt trong bài luận là được. Giám khảo không thể khờ hơn bạn được, họ nhìn CV, nhìn những gì bạn đã làm và với kinh nghiệm của họ, họ sẽ biết bạn có nói quá hay không. Bạn có thể có một số điểm mờ tịt, nhưng nếu bạn cũng mờ tịt về tương lai của mình, bạn không xứng đáng có học bổng. (và ngược lại).
- Em thi IELTS được 7.5, có nên “khoe” trong bài luận để thêm điểm không?
Mình có suy nghĩ này vì mình sống ở…Việt Nam, nơi mà mọi người RẤT thần tượng khả năng nói tiếng Anh của một người (có khi hơn cả khả năng tư duy của người đó) – đối người Việt mình (cả mình khi xưa) thì nói tiếng Anh giỏi = Giỏi! Nếu mình thuyết trình ở công ty bằng một slide tiếng Anh và bằng tiếng Anh, mình sẽ luôn nhận được ít chất vấn hơn và luôn nhiều tiếng vỗ tay hơn, từ đó khiến mình nghĩ tiếng Anh là điểm cộng rất sáng của mình khi xin học bổng.
Sự thực thì…
Sai rồi! Tiếng Anh chỉ là điều kiện đầu vào, người ta quy định IELTS 6.5, bạn có IELTS 6.5 thì họ xét hồ sơ, bạn không có thêm điểm cộng nào kể cả bạn có IELTS 9.0! Suy nghĩ một xíu về chuyện người ta nhìn vào điều gì ở điểm IELTS nào!
Học bổng là sự đánh giá về CON NGƯỜI trong tương lai của bạn, bạn biết nói một ngôn ngữ thì nó nói được gì về bạn nào? Rõ ràng bạn nói tốt tiếng Anh không đồng nghĩa bạn sẽ là người thành công vượt trội ở tương lai, mình nghĩ vậy khác nào mình tự cho rằng khả năng, kinh nghiệm và tư duy của mình còn chẳng bằng một người Anh, Úc hay Mỹ nào đó thi trượt cấp 3?! Mình cho rằng tiếng Anh tốt rõ cho bạn một số lợi thế, nhưng những lợi thế này sẽ không có quá nhiều đóng góp vào thành công của bạn cho học bổng được.
Trên đây là 3 câu hỏi mình tự thấy ngây ngô nhất trong những ngày đầu của anh Thông. Còn bạn thì sao? Mọi câu hỏi ngây ngô đều là khởi đầu của một học bổng thành công! Anh Thông đã xuất sắc hoàn thành khóa học tại Ireland cũng trải qua những câu hỏi như bạn. SSDH tin rằng bạn cũng sẽ thành công từ những câu hỏi vụng dại như thế này. Hãy cứ hỏi và không ngừng tìm kiếm phương án để hóa giải câu hỏi đó các bạn nhé. Chúc bạn thành công.
SSDH team