Những “điểm cộng” cho Hồ sơ xin Học bổng

0

SSDH – “Học bổng”, “Scholarship” là những từ khóa được tìm nhiều nhất trên Google từ Việt Nam trong lĩnh vực học thuật.

 

Điều đó có thể nói lên hai điều: thứ nhất, sinh viên Việt Nam chúng ta vô cùng hiếu học và mong muốn được đi du học; thứ hai, có lẽ vì đất nước ta còn nghèo, và điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nên tài chính luôn là vấn đề các bạn quan tâm sâu sắc. Để có thể tiết kiệm các chi phí học tập, không một du học sinh Việt Nam nào bỏ qua các cơ hội học bổng.

 

Tuy vậy, thực tế là học bổng là một nguồn vô cùng khan hiếm, và bạn cần phải cạnh tranh với vô số người giỏi như mình, vậy làm sao để chúng ta có thể thành công? Chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm khi viết hồ sơ xin học bổng để các bạn tham khảo:

 

Hãy là chính mình

 

19012013duhocanh14.jpg

 

Kinh nghiệm đầu tiên và cũng là kinh nghiệm quan trọng nhất chính là bạn hiểu bạn như thế nào? Bạn mong muốn điều gì? Tại sao bạn lại đi học? Đi học xong bạn làm gì? Rất nhiều bạn với mong muốn làm đẹp hồ sơ của mình đã viết quá lên những kinh nghiệm hoạt động của mình, mà quên mất động lực quan trọng nhất để bạn đi học là gì.

 

Bạn nên nhớ rằng có hàng nghìn người như bạn, và bạn phải tìm được một điểm độc đáo của bạn, để bạn có thể xuất sắc hơn những người khác. Bạn không cần là người giỏi nhất, nhưng bạn cần có một sự độc đáo. Sự độc đáo có thể từ một kinh nghiệm thực tế bạn rút ra bài học, từ một cuộc đối thoại với một người bạn vô cùng yêu quý, hoặc có thể từ mong muốn mà bạn có thể đạt được sau khi đi du học.

 

Có một bạn học sinh đã viết như thế này: “Tôi đã đọc rất nhiều bài luận xin học bổng và phát hiện ra một điều thú vị là học sinh nước tôi đều lấy lý do là gia đình không có đủ điều kiện tài chính để đi du học nên phải xin học bổng. Còn tôi, tôi tin bố mẹ tôi có đủ điều kiện cho tôi đi du học, nhưng tôi vẫn mong muốn được nhận học bổng này, vì đơn giản, tôi muốn tự lập như chính các bạn sinh viên trên thế giới.” Bạn có tìm thấy sự đặc biệt nào trong bài luận trên không?

 

Lựa chọn phù hợp

 

Sau khi bạn hiểu bạn cần gì, bạn muốn gì, giờ đến lúc bạn cần lựa chọn những đặc điểm phù hợp với từng học bổng. Một thực tế bạn cần hiểu rằng các học bổng danh giá nhất (Chevening, Fulbright) hoàn toàn khác với các học bổng của từng trường. Bạn không thể copy hồ sơ bạn gửi cho các học bổng chính phủ để gửi cho các học bổng của trường được, vì mỗi loại có những yêu cầu khác nhau. Bạn cũng cần sử dụng các kinh nghiệm bản thân cho phù hợp với từng loại học bổng.

 

Đối với học bổng Lãnh đạo trẻ (trường đại học Indiana, Hoa Kỳ), một trong những yêu cầu của học bổng này là bạn có kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan nhà nước tối thiểu 12 tháng, còn đối với học bổng ngành tài chính của trường đại học Leeds, Vương Quốc Anh, thì họ lại chỉ mong muốn bạn là công dân Việt Nam và có thành tích xuất sắc trong học tập và công việc. Vậy bạn biết mình phải lựa chọn như thế nào chưa?

 

Điểm thi IELTS, TOEFL, SAT, GMAT, GRE

 

Các bài thi chuẩn hóa có thể coi là điều kiện nhất thiết cần để xin được học bổng. Khác với điểm GPA (trung bình học tập) là tùy thuộc vào chương trình đào tạo của từng quốc gia (ví dụ thang điểm Việt Nam là 10, thang điểm Mỹ là 4), thì các bài thi tiếng Anh như IELTS, TOEFL, hay bài thi tư duy như SAT, GMAT, GRE đều đã được chuẩn hóa để đánh giá trình độ của học sinh khắp nơi trên thế giới, vì thế bạn không thể viện cớ bạn ở Việt Nam nên điểm IELTS, TOEFL hay GMAT thấp được.

 

Do đó, để có thể cộng thêm một điểm vào hồ sơ xin học bổng, bạn cần phải có các điểm bài thi chuẩn hóa này càng cao càng tôt. Và sẽ thật khó để thuyết phục người khác cho bạn học bổng nếu bạn chỉ có IELTS 5.0.

 

Hoạt động ngoại khóa

 

Học sinh, sinh viên Việt Nam ta rất thông minh và nhanh nhạy, vì thế sau rất nhiều năm kinh nghiệm xin học bổng, giờ đây các diễn đàn và trang mạng đều có một lời khuyên sắt đá cho các bạn muốn xin học bổng là cần phải có thật nhiều hoạt động ngoại khóa.

 

Nhưng sự thật thì không hoàn như vậy. Những người xét duyệt học bổng muốn bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa để bạn phát huy được các tố chất cá nhân của mình, và để họ có thể phát hiện ra một tiềm năng nào đó của bạn. Bạn ghi ra quá nhiều hoạt động, người ta sẽ không thể biết bạn thực sự muốn làm gì, hay bạn chỉ muốn làm cho vui và đẹp hồ sơ thôi.

 

Một bạn học sinh trong hồ sơ học bổng của mình đã liệt kê 12 công việc khác nhau mà mình đã làm, nhưng không thể mô tả chi tiết một công việc nào. Một bạn học sinh khác chỉ có duy nhất một hoạt động ngoại khóa, nhưng có thể kể chi tiết từng quy trình, từng vấn đề gặp phải và từng bài học rút ra. Theo bạn, ai sẽ chiến thắng?

 

Thư giới thiệu

 

Kinh nghiệm cuối cùng để bạn có thể tạo được đột phá trong hồ sơ của mình chính là thư giới thiệu. Lựa chọn ai là người giới thiệu đặc biệt quan trọng, vì người đó không chỉ là người có chức vụ cao, mà còn là người hiểu bạn. Đa số các học bổng sẽ đều kiểm tra lại người giới thiệu bằng cách gọi điện thoại hoặc gửi email, nếu người bạn chọn không hiểu và thân với bạn, họ sẽ không thể trả lời các câu hỏi liên quan đến bạn được. Và đương nhiên bạn sẽ thất bại cho dù người giới thiệu đó có là tổng giám đốc hay hiệu trưởng của bạn.

 

Cuối cùng, cho dù bạn đã hội tụ rất nhiều yếu tố, thì may mắn cũng là một phần không thể thiếu trong việc xin học bổng. Bạn hãy coi việc xin học bổng như một trò cá cược, và khi bạn chiến thắng, bạn sẽ hả hê vô cùng! Còn khi bạn thất bại, hãy cứ mỉm cười và tiếp tục con đường du học bằng học bổng “butachi”, vì phía trước còn vô cùng nhiều cơ hội để bạn khẳng định mình! Chúc bạn luôn thành công!

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Huddersfield University, UK

Share.

Leave A Reply