SSDH – Những năm gần đây, ngày càng nhiều sinh viên quốc tế đến Mỹ, và phần lớn là du học tự túc. Không chỉ Mỹ luôn là điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên muốn tu nghiệp ở nước ngoài mà bản thân các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ cũng đang tự mình tìm kiếm sinh viên từ các nước trên thế giới.
Theo báo cáo mới đây của Viện Giáo dục quốc tế thì trong năm học 2010 – 2011 có hơn 291,000 sinh viên nước ngoài đăng ký đại học hệ cử nhân ở Mỹ, tăng 6,2% so với năm học trước và cũng gần tương đương với số sinh viên đăng ký sau đại học là 296,000 người. Những thống kê này đã cho thấy con số cao kỷ lục ở các cấp học năm nay.
Chiếm phần lớn trong mức tăng này là sinh viên đến từ Trung Quốc. Với 2 năm liên tiếp dẫn đầu, Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ để trở thành quốc gia có số lượng du học sinh vượt trội nhất tại Mỹ. Bản báo cáo còn cho thấy, từ năm học 2009 – 2010 tới năm học 2010 – 2011, số sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ tăng 23.3%, trong khi Ả rập Xê Út cũng tăng mạnh với 43.6% nhưng tổng số vẫn thấp hơn Trung Quốc.
Nếu bạn cũng muốn đăng ký học ở Mỹ thì một điều quan trọng cần phải biết đó là bạn gần như phải trả toàn bộ chi phí giáo dục ở trường. Năm 2010 – 2011, 63.4% sinh viên quốc tế ở mọi cấp học chủ yếu dựa vào nguồn tài chính cá nhân hoặc gia đình để trang trải chi phí học tập. Từ năm học 2009 – 2010 đến năm học 2010 – 2011 các nguồn tài chính hỗ trợ từ các trường đại học cao đẳng, chính phủ, các nhà tài trợ tư nhân cả ở Mỹ và nước ngoài, và các tổ chức quốc tế đều giảm đi.
Trong bản báo cáo sáng thứ 2 hàng tuần tại Nhà Trắng, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã phát biểu “giáo dục quốc tế là một ngành phát triển trong nền kinh tế nước Mỹ”. Chỉ riêng năm tài chính 2010, du học sinh quốc tế đã đóng góp hơn 21 tỉ đô vào nền kinh tế cả nước – tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây 10 năm.
Sinh viên quốc tế dường như ngày càng phải chịu nhiều gánh nặng tài chính khi du học ở Mỹ nhưng hầu như họ không được hướng dẫn nhiều về việc này. Viện Giáo dục quốc tế hiện vẫn duy trì hỗ trợ trực tuyến cho chương trình “Funding for US study”, bao gồm những hướng dẫn về học bổng và những cơ hội lớn. Nếu bạn thích một trường nào đó, thì đây chính là nơi để hỏi về học phí hay hỗ trợ tài chính của trường đó.
Ví dụ, ông Tony Tambascia- Trưởng phòng đào tạo trường đại học Nam California cho biết, trường ông thường dành ra những cơ hội hỗ trợ có giá trị cho sinh viên quốc tế đang theo học.
Một điều cũng rất quan trọng đối với các sinh viên là phải xem xét đến những gì mình học được có thích hợp với số tiền mình bỏ ra hay không kể cả về khía cạnh học thuật lẫn xã hội.
Đại học Illinois – Urbana – Champaign năm ngoái đã tiếp nhận 7991 học sinh quốc tế, xếp thứ 2 ở Mỹ về tỉ lệ sinh viên quốc tế. Theo bà Kasey Umland, giám đốc chương trình YMCA của trường, sự gia tăng số lượng du học sinh sẽ giúp cho trung tâm Illinois ngày càng đa dạng hóa nhưng cũng là một thách thức lớn đối với trường và cả cộng đồng khi phải suy nghĩ đến việc tiếp đón và sắp xếp mọi thứ cho du học sinh đến từ các nước một cách tốt nhất.
Bà nói: “Một trong những điều mà chúng ta dễ nhận thấy nhất đó là họ không chỉ phải xa gia đình, không có chỗ dựa, mà còn phải trải qua một khoảng thời gian học tập vô cùng quan trọng trong đời. Sẽ có nhiều vấn đề lớn nếu bạn ở môi trường văn hóa mới mà không được hỗ trợ từ những người xung quanh”.
Để giải quyết vấn đề này, Chương trình của bà Umland đã tạo nhịp cầu kết nối sinh viên quốc tế với sinh viên Mỹ như các cuộc gặp gỡ giao lưu văn hóa ở quán café, các buổi biểu diễn nghệ thuật cuối tuần hay các lễ hội… Trường cũng khuyến khích các sinh viên tìm kiếm những sáng kiến cho những chương trình mà không chỉ dành riêng cho các sinh viên quốc tế chẳng hạn như tư vấn cho những bạn cảm thấy bị cô lập hay tổ chức các chuyến đi dã ngoại kết nối học sinh quốc tế với học sinh bản xứ.
Theo nghiên cứu có tên “Bản đánh giá học sinh quốc tế 2009” của các nhà khoa học – Đại học California – Los Angeles, những hình thức hòa nhập hay hợp tác như thế có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh nước ngoài.
Trong số những sinh viên được khảo sát thì những người sống và giao tiếp với các bạn học đến từ các quốc gia khác nhau thì thể hiện sự hài lòng cao hơn đối với trường học và ít khi ốm đau hơn so với những học sinh chỉ sống cùng đồng hương. Bà Shided Hanassab, tác giả của nghiên cứu này cho rằng, nếu chỉ kết bạn với đồng hương sẽ tạo ra một cộng đồng an toàn cần thiết nhưng cũng sẽ tạo ra khoảng cách và khó kết bạn mới.
Ông Bob Ericksen, giám đốc Trung tâm UCLA Dashew dành cho sinh viên quốc tế với những chương trình như Global Siblings (nơi du học sinh tìm giáo viên bản xứ), cho rằng: “Nghiên cứu này cho thấy một thông điệp rất rõ ràng rằng sinh viên phải tìm cách thoát ra khỏi chiếc chăn ấm, thoát khỏi vỏ bọc của chính mình và hòa nhập vào cộng đồng rộng lớn hơn ở trường học”.
Minh Phương – Theo US News