SSDH – Những lưu ý khi học ngành Luật tại Mỹ: Thông thường có hai kì thi tiếng Anh bạn có thể lựa chọn đó là TOEFL iBT và IELTS, tuy nhiên theo Lợi thì TOEFL iBT thông dụng hơn vì bằng này được chấp nhận cả ở Úc và Châu Âu.
Anh Huỳnh Tấn Lợi, hiện đang theo học chương trình thạc sĩ một năm tại Washington College of Law, trường luật của American University chia sẻ với chúng tôi về quá trình chuẩn bị trước khi lên đường Du học Thạc sĩ Luật tại Mỹ.
Theo đó, ba trong bốn điều đặc biệt quan trọng bạn cần lưu ý đó là Tiếng Anh, Xin Thư giới thiệu và Liên hệ nhà trường.
Thứ nhất, về phần tiếng Anh bạn nên đặc biệt quan tâm vì các trường Luật đòi hỏi kĩ năng tiếng anh khá cao. Thông thường có hai kì thi tiếng Anh bạn có thể lựa chọn đó là TOEFL iBT và IELTS, tuy nhiên theo Lợi thì TOEFL iBT thông dụng hơn vì bằng này được chấp nhận cả ở Úc và Châu Âu. Tất nhiên còn tùy thuộc vào quốc gia và trường học mà bạn nên quyết định chọn thi bằng nào, tuy nhiên phạm vi chấp nhận của IELTS hơi hạn hẹp tại Mỹ. Thông thường các trường yêu cầu điểm TOEFL iBT từ 90 trở lên, một số trường đòi hỏi 87 điểm trong khi một số cá biệt lại yêu cầu trên 100. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng nếu bạn thiếu một vài điểm.
Bản thân Lợi cũng từng được “châm chước” khi xin nhập học tại Houston Law Center, trường luật của University of Houston. Cụ thể là trường này yêu cầu 100 điểm trong khi anh bạn chỉ có 95 điểm, tuy nhiên Lợi vẫn được chấp nhận sau khi mạnh dạn gửi email giải thích bản thân Lợi vẫn thường sử dụng tiếng Anh trong quá trình làm việc. Kết quả là trường đã tư vấn rằng Lợi có thể ghi thêm trong Statement of Purpose (Tờ nêu mục đích học tập) việc thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong quá trình làm việc và có khả năng theo học. Cuối cùng Lợi đã được trường này nhận nhưng rất tiếc anh bạn vẫn quyết định chọn học ở Washington D.C.
Điều quan trọng thứ hai là Xin thư giới thiệu, được tác giả hóm hỉnh gọi là “một tờ A4 nhỏ nhưng có võ và sức nặng” mà bất kì hồ sơ xin nhập học nào ở bất kì quốc gia nào cũng cần phải có. Bạn có thể xin thư giới thiệu của các thầy cô hay những người lãnh đạo của bạn nếu đã đi làm. Đối với những ai có mối quan hệ thân thiết với thầy cô hay sếp, việc xin thư tiến cử không phải là điều khó. Bản thân Lợi đã được giới thiệu bởi sếp lẫn giảng viên ở trường cũ là trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Nên lưu ý về số lượng giấy giới thiệu. Nếu bạn phải nộp nhiều hồ sơ cùng một lúc, tốt nhất là hãy “phiền” người giới thiệu ký một lúc nhiều bản để khỏi phải chạy tới chạy lui.
Cuối cùng, cũng như kinh nghiệm về điểm TOEFL iBT đã kể trên, bạn nên chủ động liên hệ với nhà trường nếu có bất kì thắc mắc, trăn trở cần giải đáp. Một lưu ý nhỏ là vì học phí của sinh viên nước ngoài đắt hơn nhiều so với sinh viên trong nước nên các trường rất nhiệt tình trao đổi, nhằm “dụ” được bạn. Một số trường lớn có thể hơi chậm trễ trong việc hồi đáp. Lợi kể “thậm chí có trường còn phải đợi đến khi tôi gửi email trực tiếp cho hiệu trường mới chịu trả lời”.
Nguồn: SP