Sẵn sàng du học – Những ông bố với vai trò “gà trống nuôi con” đã thực sự chinh phục khán giả, khiến người xem như thấy được đâu đó hình ảnh của mình và bố cũng đã từng có những kỷ niệm tuyệt vời như thế!
Đều có chung một số phận là phải gồng gánh nuôi những đứa con khôn lớn khi hoàn cảnh sống thiếu đi bóng dáng của người phụ nữ trong gia đình, những ông bố này đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả bởi tình phụ tử quá đỗi thiêng liêng.
1. Ông Sơn của "Về Nhà Đi Con" – Người bố âm thầm "trong nóng ngoài lạnh"
Về Nhà Đi Con – bộ phim hiện tại đã đi đến được tập thứ 10 và gây ấn tượng lớn đối với khán giả. Nếu như cô nàng Dương (Bảo Hân) khiến khán giả yêu thích bởi tính cách thẳng thắn nhưng vô cùng đáng yêu thì ông Sơn (NSƯT Trung Anh) cũng khiến ngưởi xem yêu mến khi hóa thân thành ông bố đơn thân, một mình gồng gánh nuôi ba cô con gái khôn lớn. Ông thuộc tuýp đàn ông ít thể hiện tình cảm ra ngoài, nhưng bên trong lại tràn đầy tình yêu thương.
Từ Lương "Bổng" lạnh lùng, tàn nhẫn trong Người Phán Xử, NSƯT Trung Anh trở thành một người đàn ông của gia đình. Tuy bên ngoài ông vẫn hơi ít nói nhưng bên trong, ông Sơn luôn lo lắng, suy nghĩ cho cả ba cô con gái. Quá khứ bê tha của bản thân gián tiếp khiến người vợ mà ông yêu thương qua đời đã làm cho ông"đổi tính đổi nết". Không rượu chè, đàn đúm, ông Sơn quyết định "gà trống nuôi con" và cho đến khi những người con của ông đã trưởng thành, ông vẫn không màng đến hạnh phúc riêng của bản thân dù cho quanh ông luôn có "vệ tinh" là… cô Xuyến.
Nhiều khán giả khi xem Về Nhà Đi Con không khỏi bật khóc khi nhìn thấy hình ảnh người bố của mình qua nhân vật ông Sơn. Đánh con, mắng con khi con sai, nhưng khi nguôi ngoai lại tự trách bản thân mình. Và cứ thế ông Sơn âm thầm "theo dõi" hành trình khôn lớn của các con bởi đối với ông "Hạnh phúc của các con quan trọng hơn nỗi đau của người khác".
2. Quang trong "Khi Con Là Nhà" – Ông bố bê tha, tìm thấy được ánh sáng cuộc đời chỉ khi mất con
Cũng giống với ông Sơn trong Về Nhà Đi Con từng có quá khứ chểnh mảng, Quang (Lương Mạnh Hải) của Khi Con Là Nhà được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng xây dựng là một ông bố trẻ "góa vợ", một mình nuôi cu Bi (Duy Anh) khôn lớn. Cuộc sống của hai bố con dựa vào đồng lương bác sĩ thú y của anh, tuy nhiên số tiền mà anh kiếm được đa phần đều ném vào những trò chơi may rủi.
Mặc dù đã được cu Bi hết lời khuyên ngăn, tuy nhiên Quang vẫn không thể từ bỏ đam mê cờ bạc. Chỉ đến khi cả hai bố con lạc nhau thì Quang mới thật sự nhận ra lỗi lầm của mình.
Quang cảm nhận được sự đau đớn khi mất đi người quý giá nhất trên đời là như thế nào khi Cu Bi đi lạc. Anh dẹp bỏ những ảo mộng của bản thân và bắt đầu hành trình đi tìm con. Hình ảnh người cha khắc khổ với bộ đồ rách rưới, đôi mắt vô hồn đã thật sự chinh phục khán giả và lấy đi không ít nước mắt của người xem.
3. A Tẻo trong "Mặt Trời, Con Ở Đâu?" – Ông bố câm nhưng luôn dành trọn tình thương cho con, dù đó không phải là con ruột
Trong Mặt Trời, Con Ở Đâu? tình yêu thương của người cha dành cho con đã được khắc họa một cách chân thực, rõ nét. Á (Bảo Bảo) vốn là một đưa trẻ bị bỏ rơi khi mới sinh ra và được A Tẻo (Huỳnh Đông) mang về nuôi. A Tẻo trong Mặt Trời, Con Ở Đâu? là một người cha lam lũ, gặp khó khăn trong giao tiếp và phải dầm mưa dãi nắng. Tuy nhiên, anh luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho Á, mong muốn con được học hành tới nơi tới chốn.
Chỉ vì Á chưa hiểu hết tình thương mà cha dành cho mình, thế nên trong một lần cãi nhau, Á bỏ nhà đi rồi bị bắt cóc. A Tẻo tưởng lúc này dù rất khó để có thể giao tiếp nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để mong con trở về.
Hành trình tìm con tưởng chừng vô vọng, A Tẻo câm, không ai hiểu được anh đang nói gì. Vậy mà người cha vẫn kiên trì tìm đến từng ngõ ngách khiến ai nấy đều cảm động.
Đặc biệt hình ảnh, người cha ôm vào lòng sấp giấy tìm con dưới trời mưa, rồi khi gió cuốn bay đi những tờ giấy, anh vội vã chạy theo nhặt lại vì sợ rằng chỉ một tờ giấy bay mất thì hy vọng tìm con của anh càng ít dần khiến khán giả khi xem phim cũng phải bật khóc bởi tình phụ tử thiêng liêng.
4. Mộc trong "Cha Cõng Con" – Ông bố nghèo quyết tâm thực hiện ước mơ cùng con trong những ngày cuối đời của bé Cá
Cha Cõng Con kể về cuộc sống của người cha tên Mộc (Ngô Thế Quân) cùng đứa con tên Cá (Đỗ Trọng Tấn) sống bên bờ sông. Trong phim đạo diễn Lương Đình Dũng đã xây dựng hình ảnh hai cha con có một cuộc sống khắc khổ. Vợ mất sớm, anh Mộc cứ thế ở vậy nuôi con. Mỗi lần lũ về, hai cha con lại gói ghém đồ đạc, dìu dắt nhau lên cái lán để tránh lũ.
Cá luôn mơ về thành phố tràn ngập ánh sáng trong những câu chuyện kể của một người đàn ông mù. Cậu mơ ước khi lớn lên sẽ được đến nơi mà anh mù từng ở, được chạm vào những đám mây trên "tòa nhà của tương lai". Đến một ngày, cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo. Cha của cậu quyết định cõng con đi hiện thực hóa ước mơ trước khi mọi chuyện quá muộn.
Có những chi tiết nhỏ nhưng lại thể hiện rõ tình yêu mà anh Mộc dành cho bé Cá. Đó là khi anh làm lụng vất vả nhưng không bao giờ la mắng con, bán từng con cá bắt được với giá rẻ bèo để dành dụm mua áo cho con mặc. Và phân đoạn gây ra nhiều cảm xúc nhất là khi Mộc nuốt nước mắt, lau mồ hôi, cõng con lên trên đỉnh của "tòa nhà tương lai", để bé Cá có thể thỏa ước nguyện khi đang chống chọi lại căn bệnh hiểm nghèo.
5. Hải trong "Hồn Papa, Da Con Gái" – Ông bố quyết tâm "trưởng thành" vì con
Khác với anh Mộc, Hải (Thái Hòa) trong Hồn Papa, Da Con Gái được xây dựng là một ông bố thời hiện đại. Vì một tai biến mà vợ anh đã không còn ở cạnh hai bố con nữa khiến Hải gần như suy sụp. Anh dần trở nên buông thả với cuộc sống hơn, kì vọng vào con nhưng sự thật lại làm đứa con gái của anh – Châu (Kaity Nguyễn) bị áp lực… Khoảng cách của hai bố con ngày một xa, đến nỗi Châu đã tìm mọi cách để đi du học, để được sống cuộc sống của riêng mình chứ không phải lo cho bố nữa. Chỉ đến khi biến cố, hai cha con bị hoán đổi thân xác cho nhau, thì ông Hải mới thật sự hiểu được những áp lực mà mình đã vô tình tạo ra cho con gái.
Việc Châu đã gần hoàn thiện được hồ sơ đi du học khiến ông cảm nhận rõ nét nhất chuyện mình bị con gạt ra khỏi cuộc sống. Lúc này với ông, không phải là tức giận nữa, mà là tủi thân. Sống cùng một mái nhà, mỗi ngày đều chạm mặt nhau, nhưng nếu không biết sớm thì rất có thể một sáng nào đó tỉnh dậy, ngôi nhà chỉ còn có ông. Và vì ông đã không thể bước chân vào cuộc sống của con, nên ông đành dốc hết sức cho màn ballet cuối cùng để giúp con dành được học bổng của chuyến du học mơ ước.
Tình thương của người cha có thể không dễ thể hiện như mẹ, nhưng tận sâu trong trái tim, họ luôn dành cho con sự hy sinh âm thầm, là chỗ dựa vững vàng cùng con đi đến tận cùng của ước mơ.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14