SSDH – Ngoài tiếng mẹ đẻ, Vũ Đào Tuyết Nhung (sinh năm 1995) còn biết 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Ngoài ra, Nhung còn là trợ giảng môn kế toán tài chính tại Trường đại học Ottawa, Canada.
Học bằng nhiều cách
Từ nhỏ, Tuyết Nhung đã được bố mẹ cho đến các trung tâm tiếng Anh để làm quen. “Hồi học ở Áo, mình không quen biết ai. Vào giờ ra chơi, mình chỉ ngồi một góc. Vì mình không hiểu các bạn ấy nói gì nên rất khó để hòa nhập. Ngày nào về nhà, mình cũng khóc và không chịu đến trường nữa. Bố mình động viên và dụ dỗ bằng rất nhiều đồ chơi, mình mới tiếp tục đến lớp”, Tuyết Nhung chia sẻ.
Đối với tiếng Đức, Nhung thường học khoảng 20 từ mới mỗi ngày và lên mạng đọc truyện, xem phim hoạt hình vì theo Nhung, phim hoạt hình dễ hiểu nhất. Ngoài ra, cô cũng thường xuyên làm bài tập, tra từ điển cũng như hỏi thêm từ thầy cô.
Tuyết Nhung là trợ giảng môn kế toán tài chính tại Trường đại học Ottawa từ khi là sinh viên năm 2
Khi sang Canada, Tuyết Nhung học tiếng Anh khá nhanh bằng cách nói chuyện và giao tiếp với các bạn ở đây. “Nhiều lần mình ngại vì sợ nói sai, nhưng các bạn rất tốt và thường giúp mình sửa sai ngay tại chỗ. Riêng với tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp thì do chỉ được học trên trường, mình thường tích cực nói chuyện với thầy cô những lúc lên lớp, mỗi ngày, mình học 5 – 10 từ mới, đồng thời nghe nhạc cũng như xem phim hoạt hình bằng tiếng Tây Ban Nha và Pháp”, Tuyết Nhung chia sẻ.
Theo Tuyết Nhung, tiếng Đức khó ở các thì cũng như chia động từ. Còn tiếng Pháp và Tây Ban Nha có cấu trúc ngữ pháp khá giống nhau. Thế nên, cô cũng không mất quá nhiều thời gian để thông thạo.
Cứ học đến khi nào còn có thể
Với Tuyết Nhung, những ngôn ngữ nước bạn là “món ăn tinh thần” hằng ngày không thể thiếu. Bằng nhiều cách, Tuyết Nhung cố gắng nâng cao khả năng giao tiếp, đọc, viết của mình. Trong quá trình học, khó khăn lớn nhất cô gặp phải là cách phát âm và giao tiếp với người bản xứ. Nhiều lần nói sai, bạn bè hay cười vui, chọc ghẹo. Nhưng, Tuyết Nhung không tự ti. Cô coi đó là động lực để cố gắng.
“Có lần mình phát âm mà thầy cô không hiểu. Mình về nhà tra cứu thông tin trên mạng, tập đọc rồi hôm sau lên giải thích lại. Ngoài ra, mình giải trí bằng cách xem phim hoạt hình, đọc truyện, nghe nhạc bằng ngôn ngữ nước ngoài. Những trang nào khó, mình dịch sang tiếng Việt để hiểu. Khi hiểu rồi thì việc dịch sang ngôn ngữ mình đang học dễ dàng hơn. Như vậy, mình vừa học thêm từ mới vừa không quên tiếng mẹ đẻ”, Tuyết Nhung tâm sự.
Bằng sự nỗ lực của mình, Nhung ngày càng khẳng định được “cái tôi” nơi xứ người. Ở trường, cô bạn là một người năng động và chăm chỉ. Thành tích học tập của Nhung luôn làm bố mẹ, thầy cô hài lòng. Năm thứ 2 đại học, Nhung tự tin đứng trên giảng đường làm trợ giảng.
Ngoài ra, Tuyết Nhung còn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Cô đã cùng các du học sinh thành lập “VISA Ottawa – Hội Sinh viên Việt Nam tại Ottawa”. “Điều này giúp mình mở rộng mối quan hệ. Ngoài ra, mình còn cải thiện được kỹ năng thuyết trình trước đám đông, giúp mình đạt điểm mong ước trong các lớp có dự án thuyết trình”, Tuyết Nhung cho biết.
Ngoài việc học, Nhung luôn cân bằng thời gian du lịch để được trải nghiệm thực tế
Bên cạnh việc học, Tuyết Nhung vẫn dành thời gian tham gia những buổi hội trại, du lịch cùng bạn bè. “Bản thân mình là một người hiếu thắng, độc lập và chăm chỉ. Mình luôn quan niệm cứ học, đến khi nào có thể chứ không tạo áp lực nhiều. Từ lúc “bỏ túi” được 4 thứ tiếng, mình tự tin và ấp ủ nhiều dự định hơn. Bên cạnh đó, mình dự định học thêm chứng chỉ thời trang và mở một cửa hàng để kinh doanh. Sau đó, mình sẽ học thạc sĩ”, Tuyết Nhung tâm sự.
Vũ Đào Tuyết Nhung
|
Nguồn: Thanh Niên