Sẵn sàng du học – Bộ phim cảm động về tình phụ tử "Ở đây có nắng" là một tác phẩm đáng thưởng thức. Tuy nhiên dường như cái đẹp, cái hay trong phim lại khuôn mẫu như những bài văn trong sách vở.
"Ở đây có nắng" là một trong số những bộ phim mở màn thị trường phim Việt năm 2018. Khai thác đề tài gia đình không quá mới lạ dưới bàn tay của nhà biên kịch tài ba Việt Linh, bộ phim mang đến cho người xem một câu chuyện cảm động, nhân văn về sợi dây tình cảm gắn kết những thành viên trong một gia đình.
Con cái là lộc trời cho nhưng với "Ở đây có nắng", con cái lại đến như một tai họa. Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, ánh hào quang và sự nổi tiếng của MC Tùng Nhân (Quý Bình) là một đứa trẻ bơ vơ, hiểu chuyện (Gia Bảo). Thằng bé với gương mặt khôi ngô, hớn hở sau lưng người giúp việc, được bà mẹ vừa bị bắt vào trại giam giao phó lại cho Tùng Nhân với lời lẽ khẩn thiết cùng bức thư tay cầu xin xác nhận đó là con trai của anh – kết quả của mối tình đã kết thúc trong đau đớn cách đây gần chục năm mà anh chưa từng biết đến sự tồn tại trên đời.
Sau lưng Tùng Nhân là người yêu xinh đẹp Phương Thùy (Quỳnh Chi), quản lý Long (Trương Thanh Long) thân thiết như ruột thịt cùng một sự nghiệp đang ở đỉnh cao mà hoàn toàn có thể đổ bể bất kì lúc nào vì scandal trước mặt và hàng tá kẻ ganh ghét sau lưng.
"Ở đây có nắng" là hành trình vượt thoát khỏi biến cố, từ gạt bỏ đến cảm thông, chấp nhận và yêu thương Cu Bin của Tùng Nhân. Trong hành trình đó, Tùng Nhân phải đánh đổi rất nhiều thứ kể cả một tình yêu nồng đượm đang đợi đến ngày kết trái đơm bông. Sự gắn kết của tình phụ tử đến khá nhanh như thể lẽ tự nhiên phải như vậy cho đến khi tấm màn bí mật về câu chuyện mười năm trước được vén mở.
Kịch bản và ý tứ hay ho
"Ở đây có nắng" là dự án điện ảnh có sự tham gia của đạo diễn Việt Linh trong vai trò biên kịch, sau thành công vang dội của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Một điểm thú vị trong chuyện phim của nhà biên kịch Việt Linh là dấu ấn của hai thế giới song trùng: thế giới của người lớn và thế giới của trẻ con.
Trong "Ở đây có nắng", phần kịch bản về hai thế giới đó được khắc họa khá đậm nét và thành công: thế giới người lớn với bi kịch tình yêu, toan tính công danh nhưng lại phải chùn bước trước thế giới trẻ con dịu dàng, trong trẻo, đôi khi vì đôi ba câu chuyện của người lớn mà sớm phải lo toan với những nghĩ suy còn trưởng thành hơn cả cha mẹ chúng.
Phần kịch bản được làm đúng theo công thức của một bộ phim về tình cảm gia đình với những biến cố liên tục xảy đến, từ việc bỗng dưng có một đứa con từ trên trời rơi xuống, day dứt và giằng xé tới những tính toán, lo toan và đánh đổi. Ý tưởng kịch bản cùng sự xuất hiện của tuyến nhân vật chính khá hợp lý để cuối cùng khép lại cùng một ý niệm sâu sắc, rằng con cái đến trước, cha mẹ đến sau, người lớn được tiếp sức và trưởng thành từ chính con trẻ.
Nhưng cấu trúc vẫn còn yếu và thiếu cao trào
Một trong số những lý do khiến cảm xúc trong "Ở đây có nắng" chưa thực sự tròn đầy chính là việc đạo diễn đã tham về nội dung khiến nó dàn trải, khán giả bị thừa thông tin nhưng lại thiếu trải nghiệm.
Trong "Ở đây có nắng", có nhiều nhân vật và mối quan hệ đáng lẽ ra đủ sức để đẩy phim lên tới cao trào nhưng lại khiến khán giả cảm thấy chưng hửng. Cô người yêu xinh đẹp của Tùng Nhân thay vì hiện lên như một rào cản của tình cha con hoặc chí ít cũng phải sống như một người mẹ kế cam chịu và hi sinh. Nhưng rốt cuộc lại chỉ xuất hiện được trong vài ba phân cảnh cùng sự thất bại trước tất cả những nhân vật còn lại và một cái kết không thể thảm hơn, mất người yêu, một mình bỏ ra nước ngoài mà chẳng nhận lại được một lời níu kéo.
Có vẻ, sự gắn bó mấy năm trời của tình yêu lứa đôi nồng cháy chẳng đủ mảy may ảnh hưởng tới nhịp độ của bộ phim, thậm chí người xem chỉ thấy thoáng qua vài giây sự day dứt trong ánh mắt của Tùng Nhân.
Kể cả những kẻ đối đầu với Tùng Nhân, kẻ mà người xem chỉ biết phong phanh qua vài ba lời kể của Long cũng không mấy ảnh hưởng tới cuộc sống của hai cha con như chính những gì các nhân vật dự đoán ban đầu. Vài ba bài báo lá cải được Long dẹp yên bởi một câu nói.
Cuối cùng, đứa con trai từ trên trời rơi xuống – mối quan hệ lẽ ra cần được giấu kín nếu không sẽ trở thành một scandal phá nát hoàn toàn những gì Tùng Nhân và Long đã gây dựng trong gần 10 năm lại trở thành niềm tự hào, người cứu vớt hình ảnh của Tùng Nhân, hơn nữa, ý tưởng cứu vớt hình ảnh này lại đến từ Thắm – người phụ nữ quê mùa, luôn miệng khẳng định bản thân không hề hiểu gì về giới showbiz.
Sau cùng, Phan Quang (Huy Khánh) – nhân vật lẽ ra đủ khả năng cướp đi thứ hạnh phúc ngắn ngủi mà Tùng Nhân vừa có được, đẩy kịch bản phim quay ngoắt 180 độ cùng những diễn biến và mâu thuẫn hoàn toàn mới rốt cuộc cũng chẳng mấy có nghĩa lí gì trong cuộc đời hai cha con. Người đàn ông cùng câu chuyện bí ẩn gần 10 năm trước đó thoáng xuất hiện trong cuộc đời của Cu Bin rồi cũng nhanh chóng biến mất bởi sự cảm động trước những tình cảm chân thành của Tùng Nhân. Ý đồ của đạo diễn là để sự gắn kết giữa những tâm hồn tạo nên một gia đình sẽ chiến thắng tất cả nhưng rốt cuộc sự chiến thắng đó có vẻ lại chưng hửng về cảm xúc và càng chẳng cần đến sự đấu tranh.
Mỗi nhân vật trong phim đều có khả năng đẩy câu chuyện lên tới cao trào, từ một anh chàng quản lý với sợi dây tình cảm và mối quan hệ mông lung, mơ hồ; một cô người yêu đỏng đảnh lẽ ra phải ích kỉ và mưu mô hơn; một người cha ruột từ Pháp về nhận con đến những hàng tá kẻ đối đấu đang lăm le cướp vị trí của Tùng Nhân,… rốt cuộc chỉ là đôi ba nhân vật có vẻ dư thừa khiến nội dung dàn trải và cảm xúc chưa kịp lên tới cao trào thì đã chuyển qua một mớ rắc rối mới. Lẽ ra "Ở đây có nắng" còn có thể đột phá hơn nhưng cuối cùng lại khép lại cùng sự viên mãn ngoài sức tưởng tượng, giống như một bài văn mẫu mà các cô giáo hay dạy thuở còn cắp sách.
Cảm xúc đẹp nhưng thoại phim nhiều chỗ quá thừa
Nội dung, chi tiết phim được xây dựng chủ yếu bởi lời thoại. Dĩ nhiên với khả năng của nhà biên kịch Việt Linh, chẳng mấy khó khăn để có thể đưa vào phim những lời thoại hóm hỉnh, sắc sảo, cảm động thậm chí là mang chiều sâu triết lý. Tuy nhiên đôi chỗ chính bởi những lời thoại đó đã làm giản lược hành động của các nhân vật. Ở đoạn cuối của bộ phim lẽ ra người xem cần nhiều hơn những tình huống cụ thể, kịch tính mang tính thuyết phục nhưng lại được giải quyết bởi đôi ba lời thoại của Long và Phan Quang.
Thời gian tuyến tính trong phim không được thể hiện rõ nét, từ lần đầu Tùng Nhân gặp Cu Bin cho tới khi anh bắt đầu nhận được tình cảm của mình, khoảnh khắc hai cha con nhận và yêu thương nhau, tất cả đều không có một dấu mốc thời gian cụ thể nào cả khiến khán giả không thể định hình rõ là sự giằng xé của Tùng Nhân diễn ra quá nhanh hay thời gian tuyến tính trong phim không hợp lí.
Không thể phủ nhận tình cha con là thứ được chăm chút rất kĩ lưỡng trong kịch bản, nhưng việc phim tự tạo cho mình quá nhiều sự kiện để gây kịch tính nhưng tất cả lại được giải quyết bằng thoại, nhân vật nào cũng thoại quá nhiều khiến cho các kịch tính cũng không có ý nghĩa.
Điểm cộng từ âm nhạc
Trong phim, phần âm nhạc không thực sự chiếm sóng quá nhiều nhưng lại tạo được hiệu ứng khá tốt. Từ ca khúc chủ đề Ở đây có nắng (Mew Amazing) đến ca khúc quen thuộc Cho con được làm mới lại đều có sức hút đặc biệt, tính toán thời diểm để vang lên khiến cảm xúc phim được bồi đắp thêm nhiều phần.
Sự kết hợp ăn ý của dàn diễn viên hai thế hệ
Đóng góp không nhỏ cho sự thành công trong phim là sự hiện diện của hai diễn viên nhỏ tuổi Gia Bảo vai Cu Bin và Ngân Chi vai bé Vui. Dù không xuất hiện nhiều nhưng sự tươi mát của Ngân Chi như một thanh âm trong trẻo khiến cảm xúc của người xem thực sự ngập nắng. Vai diễn dài hơi của Gia Bảo cũng được em diễn bằng những cảm xúc rất tự nhiên, không phải gò bó, tỉ mẩn từng chi tiết như người lớn nhưng lại đầy say mê với những khúc cao trào rất chân thật.
Vai diễn Tùng Nhân khiến cho Quý Bình thỏa sức thể hiện đủ mọi mặt cảm xúc, từ lo sợ, chối bỏ đến dằn vặt, hi sinh, hạnh phúc và cả sự mất mát. Nhưng chính vì kịch bản chưa đủ độ cao trào khiến cho vai diễn lần này của nam diễn viên chưa thực sự trọn vẹn. Nhưng dù sao Quý Bình cũng đã làm tốt vai trò người cha trên màn ảnh với những biểu cảm chân thật cùng nhiều lời thoại khá sâu sắc. Chỉ có một điều là anh cứ hay trợn mắt và bất thình lình hét lớn, khiến khán giả bị "ám ảnh" về anh như một người cha cực kì mất bình tĩnh trong mọi việc.
Trái với Quý Bình, Quỳnh Chi tưởng chừng sẽ được sở hữu một vai diễn có sức nặng lại phải hết vai trong sự chóng vánh. Đáng lẽ ra cô nàng cần có nhiều đất diễn hơn, hoặc là khiến khán giả thương cảm vì sự hi sinh hoặc khiến người ta ghét bỏ vì lòng đố kị cùng ích kỉ. Thế nhưng cô nàng lại chẳng được thể hiện gì nhiều ngoài vài ba lời thoại đỏng đảnh và những biểu cảm không mấy rõ nét.
Còn lại, vai Long của Trương Thanh Long có lẽ sẽ dễ gây được cảm tình với khán giả nhất. Anh giống như sự bù trừ với bản tính nóng nảy của Tùng Nhân (dù nhiều lúc anh cũng hay quát tháo ầm lên), khiến cho bộ phim dịu dàng, dễ chịu hơn mỗi khi anh xuất hiện. Quan trọng là nhân vật này được xây dựng rất tinh tế. Từ lời thoại, biểu cảm đến ánh mắt của Long đều nhất quán, khiến khán giả hiểu được tấm lòng của anh dành cho Tùng Nhân dù không cần nói ra. Nói vui một chút thì đến cuối cùng, chính Long, Nhân và Cu Bin mới chính là một gia đình ba người hạnh phúc.
Tạm Kết
Là phim đầu tay của đạo diễn Đỗ Nam, có vẻ anh chưa thực sự để lại dấu ấn cá nhân của mình trong sản phẩm lần này. Dù còn ít nhiều nhược điểm, lại khai thác một đề tài không quá mới giữa một thị trường phim ngày càng đa dạng về chủ đề nhưng nhận xét một cách công bằng thì "Ở đây có nắng" vẫn là một dấu hiệu vui cho dòng phim gia đình, hướng về trẻ nhỏ, một bước bắt đầu rất dễ thương cho điện ảnh Việt trong năm mới.
Bỏ qua những điểm khiến bộ phim đẹp đẽ kiểu một bài văn mẫu mà nhìn một cách tổng thể thì "Ở đây có nắng" đã thực sự thành công trong việc mang tới cho người xem những giá trị nhân văn sâu sắc về tình người, tình cảm gia đình, những mối liên hệ trong xã hội hiện đại. Gia đình không chỉ là mối tương quan cốt cục mà còn là sự yêu thương, gắn bó giữa những tâm hồn đồng điệu để cùng yêu thương và trưởng thành.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn