Ở lại sau du học là chuyện bình thường?

0

SSDH- Mình muốn chia sẻ một góc nhìn khác về lòng yêu nước đặt đúng chỗ sau trận chung kết Olympia vừa qua bởi có kha khá nhiều những bình luận toxic trên mạng. Mình mong rằng qua đây nhiều bạn sẽ và đang du học sẽ có quyết định chính xác hơn giữa việc trở về hay ở lại.

1. Ở lại sau du học là chuyện bình thường 

Đầu tiên thì mình muốn nói việc người Việt ở lại nước ngoài là không hiếm và sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào kiều hối là rất cao, đặc biệt là trong năm dịch bệnh vừa rồi. Theo thống kê của World Bank trong năm 2021, lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh lên tới hơn 18.1 tỷ USD, xếp thứ 8 trên thế giới. Con số thứ hai mình muốn đề cập là theo thống kê của Cục di trú Úc vừa qua, Tiếng Việt là ngôn ngữ nước ngoài phổ biến thứ ba tại Úc (chỉ sau tiếng Trung và Ả rập). Và thêm một con số tham khảo nữa từ chính phủ Việt Nam, thì có hơn 2 triệu kiều bào ở nước ngoài có nguồn gốc từ TP HCM và hơn 50% hộ gia đình tại TP HCM có người thân ở nước ngoài.
Chính vì sự phổ biến của việc người Việt ở nước ngoài như vậy, việc ở lại sau khi du học là một điều hết sức bình thường và không có gì phải ngại ngùng cả.

2. Giúp đỡ Tổ Quốc từ xa là hình thức yêu nước kiểu mới

Mình không rõ ngành các bạn thế nào, mình lấy ví dụ ngành Hóa vật liệu của mình thôi thì cơ sở vật chất trong nước năm mình nghiên cứu cực kỳ thiếu thốn. Riêng các máy khảo sát chuyên dụng như SEM ở Thủ đô chỉ lác đác vài ba cái, các tỉnh lẻ là chắc chắn không có. HRTEM thì có mỗi một cái ở Viện Hàn lâm là được việc nhưng cũng hỏng lên hỏng xuống mấy tháng liền trong một năm. Còn thiết bị đo nguyên tố đặc biệt như XPS thì cả VN không có nổi một cái, hoặc từng có nhưng không hoạt động nữa. Chẳng như ở Úc, các trường đại học lớn đều có toàn bộ thiết bị. Có trường còn có vài cái mỗi loại liền. Mình ở Swinburne đi đo SEM như đi chơi vậy chẳng phải mất công chờ như ở nhà. Bạn mình ở Hàn còn khoe ở khoa của nó, chỉ một khoa thôi nhé, có tới 6 cái SEM lận.
Chính vì cơ sở thiết bị nghèo nàn nên mỗi lần nghiên cứu xong thì nhóm mình ở nhà buộc phải đặt lịch đo SEM và HRTEM dài cổ, rồi phải gửi mẫu đi Nhật đi Hàn để nhờ người ta đo hộ. Quá trình gửi đi, nhờ đo rồi gửi lại cũng mất cả năm liền làm trì trệ tiến độ nghiên cứu. Mà gửi đi cùng toàn gửi tới nơi mà có quen biết, chủ yếu là nghiên cứu sinh hoặc tiến sĩ người Việt ở đó để nhờ họ móc nối hộ. Nếu ai cũng về nước hết thì lấy đâu ra người để giúp thúc đẩy tiến bộ khoa học của nước nhà. Mình không chắc rằng việc nghiên cứu vaccine ở Việt Nam có hoàn toàn tự chủ trong nước hay không, nhưng mình tin nhắc là nhiều bạn ngồi đọc dòng này đều được chích mỗi mũi kim tiêm được viện trợ từ nước ngoài. Và nếu bạn chưa biết thì người chịu trách nhiệm điều phối và cung cấp vaccine Covid-19 cho 190 nền kinh tế thông qua chương trình COVAX, chính là nhà khoa học gốc Việt Aurélia Nguyen.
Vai trò của người Việt ở nước ngoài cực kỳ quan trọng cho quốc gia, không chỉ nằm ở việc giúp đỡ các vấn đề trong nước mà còn tạo điều kiện cho nhiều nhân tài có cơ hội học tập và làm việc ở môi trường tiên tiến. Mình không thể đếm nổi bao nhiêu người anh người chị làm giáo sư mà mình biết ở Úc và Mỹ luôn cố gắng dành những suất học bổng ưu tiên dành cho sinh viên ưu tú tới từ Việt Nam. Họ ở lại, họ cống hiến và may mắn được chính phủ và tư nhân cấp cho nhiều ngân sách để nghiên cứu. Họ dùng những quỹ tiền đó để tài trợ cho các thế hệ trẻ đồng hương có cơ hội nghiên cứu tốt hơn. Mình có thể lấy ví dụ điển hình là anh Vinh Olympia mùa đầu tiên đã trở thành giáo sư tại đại học New South Wales (Úc) rất tích cực trong việc tuyển sinh viên Việt vào lab, cũng như tham gia các buổi chia sẻ tọa đàm nghiên cứu với cộng đồng nghiên cứu Khoa học Vật liệu ở Việt Nam. Hay như gần đây mình cũng có chia sẻ suất học bổng xịn nhưng rất racist do nhóm anh Khánh Trương chỉ dành cho các bạn sinh viên Việt Nam. Bản thân mình lúc apply học bổng tiến sĩ cũng thường chủ động liên hệ với các anh chị giáo sư người Việt tại trường cần tới và được họ giúp đỡ rất nhiệt tình cho cả quá trình apply. Ngay cả suất hiện tại mình có từ chính phủ Úc cũng là do một anh người Việt thiện chí chia sẻ và hỗ trợ kết nối. Mình sẽ lặp lại câu hỏi trên rằng: nếu ai cũng về nhà sau khi du học thì lấy đâu ra người giúp đỡ lứa Việt trẻ bây giờ?
[ Tham khảo : Du học để làm gì ? ]
SSDH (Đặng Nhật Minh )
Share.

Leave A Reply