Làm sao để đi du học khi nhà không giàu, học cũng không giỏi ?

0

 SSDH- Bạn có ước mơ đi du học nhưng điều kiện gia đình không có và học cũng không giỏi. Vậy làm sao để ước mơ trở thành hiện thực? Hãy cùng SSDH tìm hiểu thêm một góc nhìn khác về du học nhé !

1. Không nên đi du học quá sớm

“Du học chỉ tốt khi nó phù hợp, cả về tài chính, nguyện vọng và năng lực”. Theo mình, các bạn không nên đi du học quá sớm ở độ tuổi chưa thành niên.

Thứ nhất, đi càng sớm, gánh càng nặng. Đã đi từ cấp 3 thì gần như chẳng ai về lại Việt Nam học đại học, nên nếu đi từ bậc trung học, gia đình phải chuẩn bị một số tiền khổng lồ cho các bạn học qua đại học, thậm chí học lên cao học. Để chi trả cho du học ở các nước đắt đỏ như Mỹ, Úc, Canada riêng ở bậc đại học, gia đình cần chi từ 600 triệu đến 1.2 tỉ đồng 1 năm, và chỉ nên chi tối đa dưới 50% tổng thu nhập năm của gia đình để tránh rủi ro tài chính. Nhiều gia đình dồn tiền, thậm chí vay thêm hoặc vét hết tiết kiệm cho con cái du học là quá rủi ro cho cha mẹ cùng các con còn lại.

Thứ hai, ở độ tuổi chưa thành niên, các bạn cần người giám hộ để Bảo Vệ các bạn, và không phải ai cũng có người nhà ở nước ngoài để thay cha mẹ giám hộ. Các bạn chưa trưởng thành dưới con mắt của Luật pháp, cũng chưa đủ khả năng đưa ra các quyết định lớn về tài chính hay cuộc đời. Thậm chí, các bạn đi sớm có nguy cơ đối mặt với việc bị trầm cảm, bị xâm hại thậm chí là “gãy” hẳn cao hơn những bạn đi ở độ tuổi trưởng thành. Các bạn gia cảnh khá giả có gãy làm lại cũng còn có cơ hội, còn khi chúng ta gia cảnh bình thường thì nên “liệu cơm gắp mắm” để đừng bấm nút tự hủy tương lai.

2. Du học thực ra không có nhiều học bổng

Du học thực ra không dành cho tất cả, và sẽ phải chấp nhận muốn đi học thì cần trả tiền. Mọi bài học đều phải trả phí, không chỉ tiền mà còn là thời gian công sức. Để đạt học bổng cần chuẩn bị lâu dài và tài chính để bồi đắp chứ không “tự dưng mà giỏi”, chưa kể đến tư chất bản thân.Nhiều khi học bổng họ cho chỉ là miễn một phần học phí, cộng lại con số vẫn phải chi trả cho sinh hoạt phí và các phí khác vẫn là con số khổng lồ.

3. Làm sao để đi du học khi nhà không giàu và học cũng không giỏi ?

  • Hãy đi du học muộn hơn.

Đừng đòi đi ngay đi luôn đi bằng được. Ví dụ mình, gia cảnh bình thường và học cũng bình thường nên mình học ở Việt Nam hết Đại học rồi mới du học thạc sĩ. Mình đi làm, tiết kiệm để đóng tiền đi học IELTS, GMAT; có thêm thời gian tiếp xúc với thị trường và nghề nghiệp chuyên môn. Từ đó xác định mình thích gì, còn thiếu gì để học bổ sung. Lứa tuổi này cũng có cái nhìn sâu hơn về nghề, về đời, nhiều tư liệu để viết luận, SOP. Thêm nữa, tự bản thân kiếm tiền để đi học cũng khiến ba mẹ tin tưởng hơn và không đẩy gia đình vào thế khó khi tiếp tục phải chu cấp.

  • Hãy cố gắng học hơn.

Học không giỏi mà muốn đi du học thì phải đi muộn hơn để mà… học cho nó giỏi lên chứ sao. Nếu điểm cấp 3 thấp thì cố GPA đại học cao, thậm chí bổ sung kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu để tăng cơ hội lấy được học bổng/ hỗ trợ tài chính. Khi đi làm rồi, mới thấy học để làm thiết thực hơn rất nhiều. Nên học thêm các khóa học ngắn hạn để tiếp tục nâng cao trình độ nghề nghiệp, đồng thời gắn nó vào hướng phát triển ngành học ở cao học. Các bạn học trái ngành nên tận dụng kinh nghiệm làm việc và các khóa ngắn hạn nếu muốn đổi ngành ở thạc sĩ (không phải ngành nào cũng có thể đá chéo sân nha).

  • Du học không nhất thiết là phải đi Mỹ

Nói thì có vẻ hơi nặng, nhưng mình thấy các bạn nhỏ hiện nay đua nhau mơ ước du học mỹ, hoặc Canada, hoặc Úc do phong trào chứ không hẳn là hiểu chính sách du học của các nước này, nên mới thường hỏi những câu ngô nghê, thậm chí bậc học nào nước nào cũng hỏi thi SAT với cả hoạt động ngoại khóa…( Các quốc gia nói trên đều là các quốc gia thuộc nhóm “nhà giàu”, nôm na là rích kít thì mới đi được)

Tỉ lệ kiếm được học bổng du học ở các nước này cực kì thấp. Học bổng chỉ dành cho một số cá nhân cực xuất sắc, và cực may mắn. Nên các bạn gia cảnh bình thường như nhà mình thì nên nghĩ kĩ.

  • Hãy chú ý đến chính sách định cư các nước

Mỹ là một quốc gia siêu cường, là “American Dream”, nhưng các bạn nên tìm hiểu chính sách định cư Mỹ vì mất nhiều tỉ đồng mà đổi lại là gần như không có cơ hội định cư. Tất nhiên sẽ có nhiều bạn nói, bạn không cần định cư. Nhưng nếu cái đích là về Việt Nam làm việc thì có cần mất nhiều tiền học đến thế không? Vì mức lương ở Việt Nam khá thấp, làm đến chừng nào mới hoàn vốn cho gia đình? Trường hợp đi các nước khác, vẫn nên chú ý chính sách, mức thuế, cơ hội việc làm và định cư.

Hiện nay có những quốc gia đầu bảng thu học phí khủng như Mỹ, Úc nhưng cửa định cư cực hẹp; hoặc nghe có vẻ dễ định cư nhưng du học tự túc cực đắt đỏ và gần như không có học bổng là Canada. Các bạn gia cảnh bình thường, nên chọn lọc kĩ, và đi những quốc gia phù hợp với gia cảnh.

Trường hợp của mình, nếu cố, có thể đi Mỹ, Úc, hoặc New Zealand nhưng sẽ đẩy cả nhà vào thế rủi ro tài chính vì quá đắt đỏ. Đã thế còn quá khó định cư, profile bản thân không quá xuất sắc để phấn đấu các suất học bổng cực cạnh tranh, nên mình quyết định… đi Đài Loan. Để mà nói thì so với bao nhiêu người xung quanh đi Mỹ, đi Úc, mình thật là…“kém sang”. Nhưng mình đậu học bổng nhiều tiền nhất, chương trình MBA top đầu của Đài và có trải nghiệm 2 năm du học cực kì thảnh thơi. Sau khi ra trường có job tại công ty lớn hàng đầu trong ngành tại Đài Loan, nắm chắc định cư lại gần Việt Nam , bay đi bay về siêu rẻ. Đài Loan có hệ thống y tế hàng đầu thế giới và rẻ, dịch vụ công song ngữ Trung Anh, thuế thấp, môi trường sạch sẽ và phúc lợi tốt. Kể thêm, chồng mình người Canada và cũng quyết định định cư Đài vì hệ thống y tế và phúc lợi của Đài có phần hơn Can, mà rẻ hơn, đời sống an lành, khí hậu dễ chịu hơn. Còn nhiều người quen, nhà giàu hơn nhà mình nhiều, sau khi con cái đi Úc, đi Mỹ nhiều năm tốn chục đến tỉ đồng rồi thì lại quay về Việt Nam do không định cư được.

Mình tự biết mình không xuất sắc nên mình chỉ lựa cái vừa tầm để nhanh có kết quả. Vì với đại bộ phận những người bình thường, học hành cũng chỉ là phương tiện để có một nghề nghiệp nuôi sống bản thân và chăm sóc cho gia đình.

SSDH ( Nguồn: Săn học bổng du học )

Share.

Leave A Reply