SSDH – Sinh viên quốc tế du học Canada đên từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Mỗi một quốc gia có đặc điểm riêng nhưng sẽ thể hiện chung theo nhóm sau. Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi nhé.
Bài viết dựa trên góc nhìn chủ quan và trải nghiệm cá nhân, cả nhà đọc trong hoan hỉ!!!
Sinh viên quốc tế thường được chia thành hai nhóm, đầu tiên là nhóm invisible minorities, có thể hiểu nôm na là những bạn đến từ các quốc gia có một trong những đặc điểm tương đồng với Canada (sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, ngoại hình, sắc vóc không khác gì người bản địa. Ví dụ như đến từ Anh, Úc, Pháp, Ý…). Thông thường chúng ta sẽ không bao giờ biết họ có phải là người Canada không cho đến khi họ cất tiếng thì bạn mới nhận ra được accent có sự khác biệt hoặc bạn sống ở Canada một thời gian thì mới có khả năng nhìn ra những đặc điểm của từng quốc gia. Ví như con gái Ukraine hay Nga thì nhìn ai cũng như hoa hậu đẹp mê hồn, còn người Anh thì có đi ngủ cũng phải mặc thiệt chỉn chu và hợp mốt. Do có lợi thế về ngôn ngữ, mindset và ngoại hình, du học sinh thuộc nhóm này thường sẽ hòa nhập, kết bạn cực kì nhanh vì không có nhiều khác biệt so với đất nước của mình, các bạn thường thể hiện rất tốt trong những hoạt động yêu cầu giao tiếp, trình bày ý tưởng.
Hồi còn đi học, ngành của mình rất hay phải thuyết trình, làm play role hoặc tổ chức sự kiện. Một trong những group assignment mà mình nhớ nhất là cả lớp sẽ tổ chức một triển lãm về du lịch, mỗi nhóm sẽ phải thiết kế một tour du lịch đến một quốc gia ngoài Canada rồi phải làm gian hàng hội chợ ngay giữa sảnh trường để giới thiệu và bán tour cho mọi người bao gồm thầy cô và sinh viên các ngành khác. Mỗi nhóm có 4 bạn, nhóm mình thì có 3 bạn exchange students (sinh viên trao đổi) của Đài Loan và mình là Việt Nam. Cả nhóm lôi nhau lên thư viện sau giờ học để tìm hiểu thông tin về quốc gia mình sẽ trình bày, chọn ra những địa điểm nổi tiếng, danh lam thắng cảnh, sau đó đi mua boardcard về vẽ như kiểu báo tường rồi phân nhau ai sẽ thuyết trình phần nào. Sau mấy ngày tập dợt, đứa nào cũng tấm tắc khen phần thuyết trình của tụi mình đỉnh quá, còn hơn mấy bạn đa cấp hay phân lô bán nền, kiểu này tới hội chợ chắc chắn quầy của mình sáng nhất khu. Để thêm phần chuyên nghiệp, cả đám quyết định đóng thêm đồ vest cho chỉnh tề và chuyên nghiệp với quyết tâm không được điểm 10 xóa nhóm.
Tới ngày triển lãm khai mạc, mình hăm hở đóng bộ vest đi giày oxford bắt bus tới trường trước cả tiếng để có thời gian ngắm nghía gian hàng của các quầy khác xem có đỉnh bằng quầy mình hay không. Vừa bước vô tới cửa là mình thấy gì đó sai sai rồi, sao các quầy của các bạn locals và du học sinh nước khác nó lạ lắm. Tui nó không hề có cái bảng thông tin vào về tour hết trơn. Thay vào đó tụi nó hóa thân thành những người dân locals của đất nước đó. Nhóm làm tour Brazil thì các bạn nữ mặc những bộ đồ gắn lông sặc sỡ như những vũ công Samba ở Carnival, mấy thằng con trai thì mặc đồ của đội tuyển Brazil và cầm world cup. Mấy đứa bán tour đi Hawaii thì kiếm đâu ra được mấy cái vòng hoa (chắc là mua trong dollarama) đội lên đầu rồi mặt vẽ các biểu tượng thổ dân các kiểu. Chưa hết, tụi nó còn tìm đâu ra được một con vẹt đủ màu biết nói welcome welcome rất cuốn đứng ngay bàn vẫy khách. Mỗi lần khách ghé là tụi nó lại mang nước dừa ra cho uống và đeo vòng hoa vô cổ khách hỏi sao quầy đông đen. Nhìn lại quầy mình thì thấy đúng kiểu sầu lẻ bóng, 4 pho tượng đóng vest đứng như trời trồng không ai ngó ngàng, cảm thương !!!
Nhóm thứ hai là visible minorities, là những bạn đến từ những quốc gia không có nhiều điểm tương đồng với nước sở tại (tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, nhìn ngoại hình là thấy không giống như tóc đen da vàng, ví dụ như du học sinh châu Á. Có thể vì những sự khác biệt trên, nên các bạn thường có xu hướng sinh hoạt, tụ tập thành nhóm theo cộng đồng quốc gia của mình để tránh việc cảm thấy lạc lõng hay bị cô lập trong thời gian đầu, điển hình là du học sinh Việt Nam thường sinh hoạt trong các group, cộng đồng người Việt tại Canada hoặc du học sinh Trung Quốc cũng có hẳn một cộng đồng riêng của họ rất khủng mà mình có thể sẽ viết trong một bài khác để đầy đủ hơn. Vì tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, nên phần lớn nhóm du học sinh này sẽ không tự tin trong việc phát biểu hoặc tranh luận trong lớp dù cho kiến thức của các bạn có thể vượt trội hơn rất nhiều, thường du học sinh nhóm này sẽ chiếm ưu thế trong các môn về tư duy và tính toán vì chương trình học của chúng ta cũng tập trung vào các bộ môn tự nhiên nhiều hơn xã hội.
Có lần mình học môn accounting, đây chỉ là một môn phụ trong chuyên ngành của mình nên phần kiến thức thì rất cơ bản dùng để tính toán và định giá cho sản phẩm. Một điều mình vô cùng ngạc nhiên là với các kiến thức này, một bạn học sinh lớp 5-7 của Việt Nam chắc không cần đến máy tính để giải vì nó chỉ là dạng tính phần trăm và tam suất như kiểu sản phẩm này có giá là 100$, bạn sẽ được commission 20%, như vậy số tiền bạn nhận được là bao nhiêu? Gói bảo hiểm này trị giá 100usd, tỉ giá giữa usd và cad là 1.3, vậy gói bảo hiểm trị giá bao nhiêu CAD?
Ấy vậy mà mấy bạn nước khác ngồi mướt mồ hôi bấm máy tính sau đó bất lực giơ tay hỏi giáo viên không hiểu làm sao tính ra được kết quả trong khi đám du học sinh Châu Á vô phòng thi 20 phút là nộp bài ra về trong sự ngỡ ngàng của bàn dân thiên hạ.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là khả năng làm việc nhóm của các bạn lại có rất nhiều vấn đề, một phần có thể do chương trình đào tạo tại các quốc gia trong khu vực này tập trung vào thành tích của cá nhân nhiều hơn là tập thể dẫn đến việc trong nhóm toàn các bạn giỏi nhưng khi làm chung với nhau thì lại thiếu gắn kết, phân bố vai trò không đồng đều. Như kiểu một đội bóng toàn là siêu sao, nhưng lại thiếu kết nối và ai cũng muốn mình ghi bàn.
Có một mindset rất thường gặp đối với du học sinh Vn là việc dành toàn bộ thời gian du học tập trung đạt điểm số cao tại trường và bỏ qua việc giao lưu, kết bạn hoặc tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện hay làm thêm sau giờ học. Điều này không có gì là sai nhưng thường sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Ở Canada, các công ty sẽ thường ưu tiên tuyển từ nguồn nội bộ, người quen của các nhân viên giới thiệu trước khi đăng thông báo tuyển dụng ra bên ngoài để giảm chi phí quảng cáo cũng như đảm bảo được chất lượng nhân sự dựa trên độ tín nhiệm từ nguồn giới thiệu.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên lơ là học tập và chỉ tập trung vào việc xã giao. Mọi thứ đều cần có sự cân bằng. Vấn đề then chốt là biết cách chọn lọc ra những mối quan hệ chất lượng để vun đắp cũng như những thông tin, group bổ ích để cập nhật. Nhiều người cứ nghĩ mình còn nhiều thời gian, điều đó không bao giờ đúng nếu bạn đang là một du học sinh, vì study permit (giấy phép học tập) và pgwp (giấy phép làm việc sau tốt nghiệp) của bạn có một độ dài nhất định. Nếu bạn dành thời giờ quý báu đó để lao vào hít hà drama của người khác hoặc đắm chìm vào những mối quan hệ toxic thì hãy nhớ đồng hồ đang đếm ngược
SSDH (tác giả Minh Triết)