Review về chương trình PTTH tại Canada từ du học sinh

0

SSDH – Đối với các bạn học sinh ở độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi, việc quyết định giữa đi du học ở nước ngoài hay học ở trong nước vẫn còn là một nỗi đắn đo, hoang mang. Không biết mình nên học xong bậc trung học phổ thông trong nước rồi đi du học ở cấp đại học, cao đẳng, hay là nên đi du học từ sớm để có lượng kiến thức và kỹ năng đầy đủ để chuẩn bị cho các cấp học cao hơn?

 

review chương trình ptth tại canada

Những đắn đo, hoang mang của các bạn đều xuất phát từ việc không hiểu rõ chương trình học, cũng như không có cơ hội để tìm hiểu tận tường môi trường học ở bên đây. Nếu bạn vẫn đang hoang mang, mơ hồ không biết lựa chọn cho mình một lối đi, hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hình dung ra được chương trình học thpt ở Canada. hình dung được một phần nào đó của cuộc sống trung học phổ thông ở Canada.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC HIGH SCHOOL Ở CANADA: DỄ HAY KHÓ?

Nếu bạn là người có hứng thú với việc đi du học bậc trung học phổ thông ở Canada và đang trong quá trình tìm hiểu, hẳn là bạn đã nghe một trong những câu nói sau:
“Nếu ở Việt Nam bạn có điểm trung bình cao hơn 8 phẩy, 9 phẩy, vậy qua Canada học ngon lành rồi!”
“Ở Việt Nam học khá, giỏi thì qua Canada học vẫn giỏi thôi, vì chương trình học ở Canada dễ chán.”
“Học ở Canada dễ, học như chơi vậy đó!”

Thật ra, bản thân mình trong lúc đang tìm hiểu về du học trung học phổ thông ở Canada, mình đã thật sự tin những lời nói ở trên. Vì mình không biết rõ học ở đây như thế nào, nên ai nói gì cũng nghe. Tuy nhiên, sau 1 năm học ở Canada, quan điểm của mình đã thay đổi hoàn toàn.

Review một chút về chương trình học phổ thông ở Canada, một học kì có 4 môn, mỗi năm có tất cả là 8 môn. Bậc THPT bắt đầu từ lớp 9 và kết thúc vào lớp 12 (hoặc đến khi nào bạn đủ credit). Ngoại trừ các môn học bắt buộc (Toán, tiếng Anh, tiếng Pháp,…), các bạn có cơ hội lựa chọn môn học yêu thích, từ vẽ, graphic design, fashion design đến học piano, guitar hay cooking,… đều được nhà trường cung cấp đa dạng.

Đối với các môn chính, mình có một vài ý kiến như sau:

Toán: đối với du học sinh Việt Nam hay Trung Quốc, việc lấy điểm cao môn Toán trong chương trình học trung học phổ thông ở Canada là điều khá… dễ dàng. Thật sự mà nói, ít nhất thì các bạn phải kiếm được tầm 80 – 90% trở lên. Tuy nhiên, trong quá trình học, nếu lơ là, chểnh mảng, có thể các bạn sẽ bị mất điểm kha khá do không quen thuộc với cách làm Toán của dân bên đây, hoặc do… đọc đề không hiểu.

Anh văn: tuỳ vào khả năng tiếng Anh của mỗi người mà đánh giá độ khó của môn. Tất nhiên là học tiếng Anh ở nước ngoài vẫn phải vất vả hơn học ở Việt Nam rồi, nào là thuyết trình, làm essay, bình luận thơ, phân tích sách,… Các lớp ESL được nhà trường cung cấp dành cho học sinh quốc tế tương đối dễ dàng, nhưng lên các lớp ENG 11, 12 University hay ENG 11, 12 College, muốn lấy 80-90% thì phải bỏ rất nhiều công sức và thời gian.

Careers + Civics: Nếu chưa từng được học qua hai lớp này, bạn sẽ rất hoang mang không biết vì sao nó được xếp vào các môn học bắt buộc. Career (Nghề nghiệp) là một môn học rất bổ ích cho việc xin việc làm sau này của các bạn, nội dung môn học bao gồm hướng dẫn viết Resume Mail, Cover Leter, tập dợt phỏng vấn xin việc,… Còn Civics giúp học sinh hiểu hơn về bộ máy nhà nước, chính trị của Canada cũng như hiểu rõ hơn về đất nước mà các bạn đang sinh sống. Careers và Civics được gộp lại chung 1 credit (mỗi môn chiếm 0.5 credit).

Lịch sử và Địa lý: đôi khi các bạn may mắn được chuyển thẳng credit của hai môn này từ Việt Nam sang thì không cần phải học. Tuy nhiên, nếu không may mắn (như mình) thì bắt buộc phải tham gia khoá học rồi. Học lịch sử và địa lý ở Canada cũng giống như ở Việt Nam vậy đó, bài cực kì nhiều, mỗi lần kiểm tra là học sấp mặt. Nhưng việc lấy điểm cao ở hai môn này thì rất dễ, nhưng phải xem bạn có đủ chăm chỉ để ôn bài hay không thôi.

Tiếng Pháp: lúc mình chọn môn này mình có hơi hoang mang, vì mọi người bảo là du học sinh thì không cần (vì ngôn ngữ thứ nhất là tiếng Việt, ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh), nhưng cuối cùng mình vẫn quyết định chọn vì mình thích học tiếng Pháp. Review một tí về môn học tiếng Pháp, mình chọn tiếng Pháp của lớp 9 – tức là học căn bản, học như trẻ em mới học nói vậy đó, nên chương trình học khá nhẹ nhàng và thoải mái, mục đích là để làm quen với tiếng Pháp thôi. Ngoài thực hành nói và học từ vựng mới, cô giáo mình còn cho làm các hoạt động thú vị như vẽ poster, viết bài văn, design,… bằng tiếng Pháp 100% nên lớp học có không khí thú vị và vui hơn hẳn các lớp khác.

Khoa học: hầu như các bạn qua đây từ lớp 10 (hoặc đôi khi là 11) thì 100% sẽ bị guidance counsellor xếp vào lớp Science 10 Academic, là nền tảng cho các môn khoa học mà sau này các bạn sẽ chọn. Science 10 bao gồm 4 phần: Sinh, Lý, Hoá và Môi Trường. Science 10 tương đối dễ thở hơn so với các lớp Chemistry, Biology hay Physics của lớp 11 và 12 nên đỡ nhọc nhằn hơn.

Thể dục: Đa số mọi người đều cần 1 credit nằm trong nhóm “Health & Physical Education” để tốt nghiệp, ngoại trừ trường hợp bạn đã được chuyển credit từ Việt Nam sang rồi nên không cần học. Thể dục thể thao được cung cấp bằng nhiều khoá học, từ Aquatic Activities, Rhythm and Movement Activities cho đến Personal and Fitness activities đều được cung cấp tuỳ theo nhu cầu học của bạn. Các môn học này thường sẽ không quá căng thẳng, đôi khi đi học đầy đủ thường xuyên là bạn đã có cỡ 50-80% rồi.

Trên đây là review ngắn gọn của mình về các môn học bắt buộc, còn các môn tự chọn còn lại như the arts, business,… thì còn phụ thuộc vào ngành nghề tương lai của các bạn. Tốt nhất là các bạn nên chọn sẵn cho mình một ngôi trường đại học/ cao đẳng và tìm hiểu các credit mà trường yêu cầu ở bậc high school để có thể chuẩn bị tốt hơn. Mỗi ngành nghề sẽ có các credit bắt buộc khác nhau, ví dụ như để đăng kí Psychology ở U of T, bạn phải bắt buộc tham dự các khoá Biology SBI4U, English ENG4U và Calculus & Vector MCV4U ở bậc trung học phổ thông.

Và tất nhiên, môi trường học ở Canada phải có một vài khác biệt so với môi trường học ở Việt Nam rồi. Đầu tiên, ở Canada, sẽ chẳng có ai áp lực bạn chuyện học hành cả, cho nên kết quả cuối kì của bạn sẽ phụ thuộc vào 100% thái độ học tập của bạn trong suốt quá trình học. Ngoài ra, môi trường học ở Canada được đánh giá là khá thoải mái, năng động. Bạn có thể mặc đồ tự do khi đi học (ngoại trừ một vài trường bắt buộc phải mặc đồng phục), tự do đem đồ uống vào lớp, tự do trao đổi, trò chuyện cùng thầy cô giáo,… Thêm một điều nữa là các thầy cô ở Canada cực kì thân thiện, chỉ cần bạn không ngại và dám mở miệng nói chuyện với họ, 100% các thầy cô sẽ hướng dẫn bạn nhiệt tình, kể cả khi bạn không giỏi tiếng Anh.

Chương trình học ở Canada nói dễ không dễ, nói khó không khó, hoàn toàn phụ thuộc 100% tính tự giác của bạn. Các môn học ở Canada có cái khó riêng, ví dụ, đối với các môn tự nhiên, bạn phải tự lập luận, phân tích để đưa ra lời giải, còn đối với các môn xã hội, học thuộc lòng thôi chưa đủ, quan trọng là bạn phải hiểu và nắm vững kiến thức thì mới có thể làm lại dân bản xứ. Để có 80-100% trong các môn học ở Canada, bạn phải chấp nhận bỏ thời gian và công sức ra thì mới đạt được. Nói chung, du học bậc trung học phổ thông ở Canada là một cơ hội tốt để bạn có thể tự rèn luyện tính tự lập, tự giác và phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho tương lai của mình.

Hi vọng các bạn chuẩn bị du học Canada bậc trung học tại Canada sẽ có cái nhìn sâu hơn về bậc học này. Bài viết của tác giả Kim Ngọc – một du học sinh đã nhận được 9 thư mời nhập học tại các trường đại học tại Canada được đăng trên Canada không xa.

SSDH Team

Share.

Leave A Reply