Sẵn sàng du học – Trong ngày 16/3 vừa qua, buổi talk show bàn về "Săn học bổng" do công ty SBS tổ chức đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn học sinh đang có dự định du học bằng các xin học bổng. Buổi talkshow đã bàn luận rất sôi nổi với những nội dung như đưa ra các loại học bổng; Yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn học bổng; động lực săn học bổng.
Buổi Talkshow có dự tham dự của anh Phong Nguyên đã có 8 năm kinh nghiệm giúp sinh viên săn học bổng thành công, cùng 2 đại diện trường Lincoln University chia sẻ về góc độ của người giúp các bạn học sinh săn học bổng khác gì với đại diện trường khi xét học bổng cho học sinh.
1. Các loại học bổng
HỌC BỔNG TOÀN PHẦN
Phần lớn chúng ta hiểu học bổng toàn phần, tức là toàn phần học phí (100% học phí), cách hiểu này không đúng. Học bổng toàn phần là gói học bổng mà người học không chỉ được 100% học phí, mà còn được cung cấp một khoản tiền cho sinh hoạt phí (tiền ăn, tiền nhà ở, tiền bảo hiểm), và đương nhiên được tiền tại liệu, vật dụng để học tập và nghiên cứu), thậm chí còn được chu cấp cả tiền vé máy bay (1 lần đến, và 1 lần về khi học xong). Học bổng dạng này thường được cấp bởi Các tổ chức lớn trên thế giới, chính phủ các nước.
Ngoài ra, các học bổng được cấp bởi dự án của giáo sư (được gọi là học bổng giáo sư), và một số trường có tiềm lực tài chính, và học bổng do các tổ chức xã hội, vùng… đôi khi cũng là học bổng toàn phần. Học bổng 322 (nay là 911) của chính phủ Việt Nam , và các học bổng hiệp định giữa Việt Nam và nước khác cũng thuộc loại này, nhưng thường giá trị nhỏ hơn.
Như vậy, với học bổng toàn phần thì người học không mất bất cứ một khoản kinh phí nào. Với sinh viên Việt Nam , khi được các học bổng lớn như Erasmus, Mext… thường họ sẽ chỉ dùng hết một phần học bổng và sẽ để dành được một số tiền tiết kiệm kha khá mỗi tháng.
Vì giá trị lớn cũng như cấp toàn bộ các chi phí học tập, sinh hoạt phí… cho người học, nên việc giành được một suất học bổng toàn phần thường rất khó. Và chỉ những sinh viên thực sự xuất sắc mới có khả năng đạt được. Và thường số lượng các học bổng này không nhiều.
HỌC BỔNG BÁN PHẦN
Đây là dạng học bổng mà người ta chỉ cho học phí (100% học phí), một phần học phí, hoặc một khoản tiền nhất định (mình vẫn phải đóng học phí), hoặc vừa được học phí, vừa được một khoản tiền hỗ trợ vào sinh hoạt phí hàng tháng…
Dạng học bổng này thường do các trường, các tổ chức xã hội, các công ty, các các nhân… cung cấp. Nó có thể là học bổng cả một khóa học, hoặc chỉ một vài năm học, một vài kỳ học, hoặc thậm chí chỉ một vài tháng, hay chỉ là một khóa học ngắn hạn như học bổng trao đổi sinh viên.
HỌC BỔNG CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, XÃ HỘI
Như học bổng Erasmus của Liên Minh Châu Âu, học bổng của Ngân hàng thế giới, học bổng của Liên hợp Quốc.. Học bổng chính phủ các nước: học bổng ADS (Úc), Mext (Nhật), BK21 (Hàn), Singa (Sing), Fulbright và VFF(Mỹ), NFP (Hà Lan), Eiffel (Pháp), 911 (Việt Nam ) …Học bổng của các trường, thực chất đây cũng là tiền của các chính phủ hoặc tổ chức xã hội cấp cho trường. Học bổng của các cá nhân, do các nhân vật đứng đầu các công ty, doanh nghiệp cung cấp.
HỌC BỔNG DO KHOA/BAN NGÀNH CẤP
Học bổng dạng này do các khoa hoặc ban ngành cụ thể của trường đại học trao tặng. Học bổng dành cho các lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể như khoa học máy tính, báo chí, tài chính ngân hàng… Thường điều kiện đầu tiên để được đăng ký học bổng này là bạn được chấp nhận vào một khóa học chính thức thuộc khoa đó.
Do giá trị của gói học bổng này không cao, nên yêu cầu thường nhẹ nhàng hơn, cũng như ít cạnh tranh hơn học bổng toàn phần. Đôi khi, để chiêu mộ sinh viên, các trường thường ra chiêu bài cho học bổng, sinh viên nào vào học cũng được học bổng, rồi thu lại bằng cách khác như học phí cao, phí nhập học…
CĂN CỨ VÀO BẬC HỌC, CÓ THỂ CHIA THÀNH
Học bổng trung học, học bổng tiền đại học; Học bổng đại học; Học bổng thạc sỹ; Học bổng tiến sỹ; Học bổng sau tiến sỹ. Thường các bậc học đại học và dưới đại học sẽ có ít học bổng, và do đó sự cạnh tranh sẽ rất cao. Với các bậc học sau đại học như thạc sỹ, tiến sỹ số lượng học bổng nhiều hơn, mặc dù cũng rất cạnh tranh, nhưng cơ hội sẽ nhiều hơn các bậc trước và thường là học bổng toàn phần.
2. Yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn học bổng
Trình độ tiếng Anh: Tiếng Anh là một trong những yếu tố không thể thiếu khi làm hồ sơ du học hay hồ sơ xin học bổng. Do đó, bạn phải chuẩn bị thật tốt về ngoại ngữ để không chỉ hoàn thiện thật tốt hồ sơ mà còn hỗ trợ đắc lực cho quá trình sinh sống và học tập của bạn ở nước ngoài. Tùy từng loại học bổng bạn muốn apply mà yêu cầu về trình độ tiếng Anh sẽ khác nhau. Ví dụ như bạn muốn chinh phục suất học bổng Chính phủ thì phải có trình độ IELTS tối thiểu là 6.5, còn với chương trình Thạc sĩ thông thường tại các trường đại học sẽ dao động từ 6.0 – 6.5 và chương trình Cử nhân là từ 5.0 – 6.0. Chính vì vậy, để có tỉ lệ “săn” học bổng thành công thì bạn cần phải đầu tư một cách thật nghiêm túc để đáp ứng được chuẩn tiếng Anh mà chương trình đề ra.
Hoạt động ngoại khóa: Passion – đam mê, nhiệt huyết, và Leadership – khả năng lãnh đạo, là 2 yếu tố các trường đại học xem xét khi nhìn vào thành tích hoạt động ngoại khóa của học sinh. Các bạn không nên tham gia tràn lan nhiều hoạt động ở mức hình thức, mà nên chọn 2-3 lĩnh vực mình thực sự say mê và sẵn sàng bỏ thời gian, công sức vào lĩnh vực đó.
Bảng điểm: Điều đáng nói ở đây là bạn không thể nộp hồ sơ xin học bổng với một bảng điểm có kết quả học tập “làng nhàng” và không ấn tượng. Điều đó phần nào thể hiện năng lực vàsự thiếu nghiêm túc trong việc học tập và rèn luyện của bạn. Với mỗi loại học bổng khác nhau sẽ có yêu cầu khác nhau về điểm trung bình học tập (GPA), nhưng tối thiểu là 6.5. Tuy nhiên, GPA chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để bạn có thể nhận được học bổng. Đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài chứ không đơn giản chỉ là điểm GPA cao là được.
Bài luận: Được xem là yếu tố “nặng ký” nhất quyết định đến 50% việc thành công hay thất bại của một hồ sơ xin học bổng du học. Đây chính là lúc bạn bình tâm để viết về chính mình và thuyết phục hội đồng chuyên môn là mình hoàn toàn xứng đáng để nhận được suất học bổng đó. Tùy vào yêu cầu, mục đích của bài luận mà bạn nên tìm hiểu cách thể hiện sao cho phù hợp nhất. Chẳng hạn như có trường sẽ yêu cầu viết về một đề tài nào đó, hoặc cũng có trường sẽ để bạn tự do phóng tác. Bạn phải thể hiện được: Tại sao bạn lại chọn trường để theo đuổi chương trình này? Điều bạn thích nhất ở ngành học này là gì? Bạn nghĩ khóa học tại trường sẽ giúp ích và hỗ trợ bạn như thế nào trong tương lai? Và quan trọng là bài luận phải thể hiện được sự khác biệt của bản thân.
Thư giới thiệu: Được xem là một trong những lá thư đánh giá năng lực và trình độ của bạn một cách khách quan nhất, bởi một người khác. Người đánh giá ở đây có thể là giảng viên (nếu bạn đang là học sinh sinh viên) hoặc cấp trên hay đồng nghiệp (nếu bạn đã đi làm). Họ phải là người có uy tín và từng tiếp xúc, làm việc trực tiếp với bạn. Tùy thuộc vào quy mô của từng loại học bổng mà bạn có thể yêu cầu phải chuẩn bị từ 2 – 3 thư giới thiệu, bao gồm chữ ký hoặc con dấu của người giới thiệu bạn với hội đồng. Nội dung của lá thư nên chi tiết và dễ kiểm chứng. Đó có thể là tên và mô tả một công trình nghiên cứu khoa học bạn tham gia từng được công bố trên
tạp chí ngành hay trên website của tổ chức, hoặc đó có thể là một sự kiện lớn có sự tham gia vận hành của bạn.
3. Động lực để săn học bổng
Tích kiệm tiền học: Bởi nếu gia đình bình thường nhưng bạn vẫn luôn xác định con đường du học là chính thì học bổng là giải pháp khá hữu hiệu để gia đình không phải gánh khoản phí học khá đắt đỏ tại các nước.
Không dễ bỏ cuộc: Hầu hết chương trình học bổng du học toàn phần đều có yêu cầu rất cao. Mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên cũng vô cùng khủng khiếp. Chính vì vậy, bạn phải có động lực để thôi thúc bản thân không dễ dàng bỏ cuộc.
Trên diễn đàn trên website hay facebook nhóm để xem cách đánh giá năng lực ứng viên, kinh nghiệm học bổng và những trao đổi xung quanh học bổng đó. Các bạn muốn săn học bổng nên tăng cường kết nối với tiền bối đi trước để học hỏi kinh nghiệm.
Khánh Ngọc (SSDH)