Thuê nhà – rước họa vào thân?

0
49Tìm chỗ ở đã khó, đã vậy chủ nhà Úc còn lèn thêm người để kiếm siêu lợi nhuận, trên sự ‘nhẫn nhục’ của sinh viên quốc tế.

Do tình trạng có rất nhiều người muốn thuê nhà trong khi số nhà cho thuê trên thị trường có hạn, nên nước Úc hiện đang xuất hiện tầng lớp chủ nhà tham lam, ích kỷ. Nguyên tắc hoạt động của nhóm người luôn đặt lợi nhuận trên hết là… nhồi nhét càng nhiều người thuê nhà càng tốt.

Báo Úc đưa tin nhiều sinh viên quốc tế bị đã nhóm chủ nhà, được cho là hành xử như dân cao bồi, bóc lột và ngược đãi.

Do tiếng Anh còn hạn chế, lại ít hiểu biết về quyền của người thuê nhà tại Úc nên sinh viên nước ngoài hay bị thua thiệt.

Ngoài du học sinh, những người mới thuê nhà lần đầu như dân du lịch balô, thanh niên Úc từ thôn quê ra thành phố kiếm việc làm, công nhân nhập cư cũng bị chủ nhà bóc lột tối đa.

Nhiều phòng ở tạm (boarding house) đã được dựng lên một cách chóng vánh tại những địa điểm gần với các trường đại học lớn ở Sydney và Melbourne. Cách thường thấy là chủ nhà chia nhỏ phòng ngủ, ngăn đôi phòng khách, tân trang garage, nâng cấp nhà kho để làm thành nơi ở mướn.

Có sinh viên biết đến tình trạng chật chội quá hoặc chủ nhà ‘ẩu tả’ nên họ tránh xa. Người khác, do kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều, tin vào lời quảng cáo, khi dọn vào rồi mới biết là “dính bẫy”.

Nhiều hợp đồng thuê nhà được thực hiện bằng miệng. Nhiều trường hợp khi thân chủ dọn ra, tiền đặt cọc (bond) vô cùng khó đòi. Có chủ chủ nhà còn vô tâm đến mức trao cho người thuê nhà số điện thoại “dỏm”… để khỏi bị làm phiền. Tất nhiên tiền nhà họ vẫn thu đầy đủ!

Người mướn nhà đặc biệt lo ngại về độ an toàn tại các phòng ở được dựng lên một cách vội vàng. Theo luật Úc, nơi ở phải có khóa, dụng cụ báo cháy, lối thoát hiểm, thùng chứa rác, hệ thống dây điện an toàn… Những tiêu chuẩn này thường bị chủ nhà ham lợi nhuận làm ngơ.

Có căn nhà ở ba phòng ngủ được cơi nới thành sáu phòng. Có nơi từng là nơi ở của một gia đình năm người, chủ nhà nay biến thành dãy ở tạm cho 19 người. Sống trong môi trường ô hợp và phức tạp như vậy, sinh viên luôn lo lắng đến sự an toàn của cá nhân, và tư trang, khi cửa khóa bị hư hỏng liên tục.

Câu chuyện sinh viên

Sang Úc du học ngành kinh tế tại đại học Macquarie, bên cạnh nhiều kỷ niệm đẹp, Thanh Vân, một sinh viên người Việt, luôn nhớ đến giai đoạn hãi hùng khi thuê nhà tại Úc.

Trong ba năm du học, cô đã phải chuyển chỗ ở đến sáu lần, cảm giác thân phận yếu hèn, luôn bị người khác bóc lột luôn theo đuổi cô tới ngày về nước.

Tại căn nhà ba phòng ngủ ở quận Ryde, vùng Tây Bắc Sydney, gần nơi cô du học, rác rưởi ngập phòng khách.

Tiền phòng là 200 AUD một tuần, quá cao so với thu nhập của một sinh viên du học tự túc. Thanh Vân đành ở chung với người bạn để giảm chi phí. Tuy vậy cửa sổ của căn phòng bị hư, người ngoài chỉ cần giật mạnh cánh cửa là có thể chui vào bên trong.

Tủ lạnh bị hư nhưng chủ nhà không sửa. Mở ngăn lạnh ra người ta thấy ruồi và bọ bay vèo vèo, mùi thức ăn ôi thiu làm nghẹt mũi. Bếp đun dính đầy thức ăn bị trào, cáu bẩn, thành sơn đen do lâu ngày không lau chùi. Bao giờ cơm nấu cũng đi chung với mùi lạ.

Đêm ngủ có thể nghe thấy tiếng chuột chạy trên trần nhà. Sáng dậy nhìn ra sân sau thấy tập vở, hộp pizza, băng vệ sinh lẫn trong đống rác chưa dọn.

Vân cho hay nhiều lúc cô không muốn về nhà và vẫn tránh căn nhà ô uế bằng mọi cách. Một trong các biện pháp sơ tán tạm là…ngồi ở thư viện của trường cho đến giờ đóng cửa.

Rẻ đi đôi với dởm?

Một cuộc điều tra của Đài truyền hình số 9 cho thấy do cầu cao hơn cung trong thị trường thuê nhà, đặc biệt ở vùng trung tâm thành phố, giá thuê phòng đã bị đẩy lên cao, thậm chí nhiều nơi không còn có phòng để thuê. Tình trạng mất cân đối lớn này đã dẫn đến việc chủ nhà tìm mọi cách chèn ép người thuê nhà, để khách thuê những nơi ở tạm, dưới tiêu chuẩn.

Tình trạng chật chội quá mức không chỉ xảy ra ở vùng trung tâm thành phố: Tại Melbourne, một số căn nhà ở vùng Caulfield đã được biến thành nơi trọ rẻ (cheap hostel) với phòng ngủ trung bình kê từ 5 đến 7 giường cho dân du lịch balô. Khách trả 90 đồng/ tuần tiền thuê chỗ ngủ. Chiếc garage sau nhà cũng được chuyển thành phòng ở, chủ nhà kê thêm 10 giường. Chỉ có 4 thùng rác cho 26 cư dân của căn nhà chật chội. Lý do dọn đến ‘nhà trọ’, theo Jeremy, một công nhân đến từ New Zealand là “chúng tôi không có nhiều tiền, nơi nào mướn rẻ là được rồi. Tất cả chỉ vì tiền”, bản tin của Đài số 9 cho hay.

Các chuyên gia bảo vệ quyền lợi của người mướn nhà nói rằng chính phủ cần có chế tài mạnh đối với giới chủ nhà vô đạo đức, có hành động bóc lột người thuê.

Nhóm người mướn nhà được cho là thiếu kinh nghiệm như sinh viên quốc tế, người vô gia cư, dân du lịch ba lô, người đến Úc làm việc theo thời vụ là mục tiêu của các chủ nhà “cao bồi” này.

Trong khi đó, cơ quan theo dõi thị trường địa ốc RP Data dự đoán tiền mướn nhà trong năm nay tại Melbourne sẽ tăng khoảng 7 phần trăm. Phân tích các quảng cáo về thuê mướn bất động sản trên báo tại Victoria, RP Data cho rằng tiền thuê căn nhà ba phòng ngủ tại tại Melbourne nay trung bình ở mức 360 AUD/tuần. Đối với căn hộ, người thuê sẽ phải trả ít nhất 350 AUD/tuần.

(Tên của nhân vật người Việt trong bài đã được thay đổi)

(Nguồn Bay vút)

Share.

Leave A Reply