Tìm việc ở Úc khi chưa có PR

0

SSDH – Tìm kiếm công việc phù hợp ở một quốc gia mới không phải là điều dễ dàng. Dành cho những ai đang cảm thấy chênh vênh trên con đường sự nghiệp, hãy tham khảo bài chia sẻ dưới đây từ chị Phương Fia Trần, thạc sỹ International Business tại Úc nhé!

Xem thêm:

Định cư Úc diện công ty bảo lãnh

Một góc nhìn khác về du học Úc

Khác với các bạn đi du học từ cấp 3 hay đại học thì những ai qua nước ngoài dạng định cư tay nghề hay học thạc sĩ/tiến sĩ rồi mới ở lại làm việc có những sự khác biệt nhất định đối với việc phát triển sự nghiệp. Mình biết nhiều trường hợp rất ưu tú khi làm việc ở Việt Nam nhưng qua Úc lại gặp đủ mọi khó khăn trong quá trình tìm việc cũng như là hoà nhập với môi trường làm việc ở đây.

Những khó khăn trong khoảng thời gian mới gia nhập thị trường việc làm ở một nước phát triển nhiều khi sẽ khiến bạn phải hoài nghi về khả năng, giá trị của bản thân mình.

Mình cũng đã từng trải qua cảm giác này nên muốn chia sẻ một chút để giúp cho những ai đang ở trong giai đoạn thử thách đó có thêm động lực hay là kinh nghiệm để hành trình của bạn dễ dàng hơn chút ít.

Trước khi qua Úc học thạc sĩ ngành International Business thì mình cũng đã có hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam trong lĩnh vực Marketing và Project Management, đều là công ty và tổ chức nước ngoài. Hồi làm việc ở Việt Nam có thể nói là khả năng của mình được đánh giá rất cao, hầu như chưa một công ty nào mà mình apply không được, kể cả Big 4 hay Consulting firms như McKinsey.

Thế nên là khi sang Úc rồi mình mới như bị một cái tát vào mặt. Sau khi hết năm nhất thì mình bắt đầu đi tìm các việc part-time, casual liên quan đến Marketing, Project Management, rồi Admin các thứ. Biết là student visa thì khó nên mình cũng xin toàn những công việc không đòi hỏi cao. Thế nhưng mà apply cả chục chỗ mà không có một cái interview nào. Mình lúc đấy thấy hoang mang lắm vì bản thân có 3 năm kinh nghiệm làm việc đàng hoàng, tiếng Anh cũng không tệ mà đến một cái việc nhập liệu dễ ẹc cũng chẳng ai gọi. Nhiều lúc còn không khỏi tự hỏi ‘chả nhẽ mình kém cỏi lắm sao?’.

Qua nói chuyện với mọi người thì mình cũng biết là thứ nhất visa du học sinh rất khó để xin việc office và thứ 2 là những cái ngành mình có kinh nghiệm làm việc, những cái công việc liên quan rất khó có cơ hội cho người nhập cư. Lý do là vì những công việc marketing, project management, admin đòi hỏi khả năng ngôn ngữ, kiến thức bản địa nên các công ty họ muốn tuyển local. Mà nhu cầu của locals cho những jobs này cũng cao.

THAY ĐỔI CHIẾN LỰC TÌM VIỆC
Đến thời điểm đó là mình biết là mình phải đổi chiến lược tìm việc rồi. Biết là không có cơ hội xin part-time đúng ngành ở bên ngoài nên mình thôi luôn cho đỡ mất thời gian. Mình chỉ tập trung săn các công việc part-time, casual trong trường đại học bởi vì lúc ấy mình cũng tìm hiểu được là các trường đại học luôn phân bổ các cơ hội việc làm đồng đều cho cả du học sinh. Đồng thời mình cũng bổ sung thêm các technical skills để dần dịch chuyển ngành bởi mình thấy ở Úc thì các vị trí công nghệ thông tin cởi mở hơn với du học sinh, người nhập cư.
Cũng may mắn là ngay sau đó mình sau đó đã tìm được một job part-time cho dự án trong trường đại học của mình là University of Melbourne. Công việc đầu tiên cũng đơn giản lắm, chỉ là nhập liệu, làm giấy tờ đơn giản thôi. Nhưng mà sau đó supervisor biết mình có kĩ năng phân tích (cũng vừa mới học bổ sung) nên đã cho mình làm thêm những task liên quan. Và chính công việc này về sau đã giúp ích cho mình rất nhiều trong quá trình tìm việc full-time sau này.

Kì cuối ở trường đại học thì mình bắt đầu xin việc full-time. Thời điểm đó Covid-19 vẫn còn nóng nên thị trường việc làm không được dễ như bây giờ. Visa cũng là một yếu tố nữa gây khó khăn. Nhưng lúc này mình đã ‘biết địch biết ta’ nên là thoải mái hơn về mặt tâm lý cũng như có chiến lược phù hợp hơn. Mình không dải CV diện rộng như hồi tìm việc part-time nữa mà tập trung vào những chỗ mình có cơ hội cao thôi. Lúc này thì kĩ năng data analytics của mình cũng chưa chín lắm nên chỉ dám xin những job liên quan đến công việc trước đây của mình mà cũng dính chút chút tới analytics kiểu growth, market analyst.

Mình cũng chịu khó networking, tham gia các project, rồi kết nối với người Việt đang làm việc tại các công ty mình quan tâm. Nhờ vậy mà sau vài tháng mình cũng xin được việc tại 1 consulting firm nhỏ. Công việc này không phải là lý tưởng về mặt lương bổng nhưng nó cho mình professional experience, reference ở Úc cũng như là thời gian để chuẩn bị cho quá trình xin việc tiếp theo.

XIN VIỆC VỚI BRIDGING VISA
Mình làm việc ở consulting firm này hơn 6 tháng cho tới cả sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Lúc này mình cũng đã nộp 485 và đang ở visa chờ BVA. Các bạn đã ở bridging visa thì biết bị các công ty ghẻ lạnh thế nào rồi đấy. Lúc gần học xong thì mình đã apply gần 20 chỗ rồi (cho các vị trí Data Analyst/Business Intelligence Analyst) nhưng mà toàn kiểu không được phản hồi lại hoặc là recruiter phone screen nghe bảo visa status là bridging visa thì im luôn ấy. Bây giờ nghĩ lại thì mình nghĩ còn 1 lý do nữa là do thời điểm apply không phù hợp. Cái đợt đó là tầm tháng 12 – tháng 1. Đây là thời điểm holiday nên nhu cầu tuyển dụng không cao.

Sau đợt đó thì mình cũng bắt đầu hơi nản vì nghĩ kiểu bị cái visa nó ràng buộc quá trời. Nhưng may mắn một cái là mình được một người chị đồng hành giúp đỡ về cả mặt tinh thần và hoàn thiện hồ sơ apply. Nhờ có những chia sẻ về những khó khăn chị ấy gặp phải khi xin việc trước đây mà mình có thêm động lực để tiếp tục quá trình xin việc. Những lời khuyên thực tế của chị ấy cũng giúp mình tránh khỏi những sai lầm thường gặp và hoàn thiện hồ sơ cũng như cách phỏng vấn cho phù hợp với phong cách ở Úc hơn.

Thế nên mới nói là trong quá trình xin việc thì ai cũng nên có một mentor, một người đi trước đồng hành để không chỉ là giới thiệu cơ hội, hướng dẫn, cho bạn những lời khuyên, hướng đi đúng đắn mà còn là tiếp thêm động lực khi bạn bị nản trí trước những thư từ chối của recruiters. Với lại đôi khi chúng ta không nhìn rõ được những vẫn đề của chính bản thân mình.

Quay trở lại công cuộc tìm việc thì sau khi được củng cố tinh thần thì khoảng vài tháng sau (vẫn đang ở bridging visa) mình bắt đầu apply lại. Đợt đó mình nộp đúng 10 chỗ và đã nhận được tới 7 offer. Những chỗ còn lại thì chỉ là không chấp nhận bridging visa thôi.

Có nhiều yếu tố khiến cho lần xin việc đó của mình thành công hơn hẳn lần trước đó dù chỉ là cách nhau có vài tháng ngắn ngủi thôi. Có thể là do hồ sơ của mình hoàn thiện hơn. Có thể là cho mình apply vào những công ty, vị trí phù hợp hơn. Mà cũng có thể là do thời điểm lúc đó tốt hơn nữa. Nhưng mà mình nghĩ là yếu tố quan trọng nhất vẫn là mình tự tin hơn và có lòng tin là người khác làm được thì mình cũng sẽ làm được. Đối với những ai vừa chuyển môi trường làm việc từ Việt Nam sang nước ngoài thì mình nghĩ sự tự tin là vô cùng quan trọng.
Vậy thôi, mong là bài viết của mình cũng sẽ đem lại chút động lực cho những ai vẫn đang vật lộn với việc tìm kiếm việc làm phù hợp tại Úc. Nếu có thời gian và được mọi người ủng hộ thì bài tiếp theo mình sẽ viết về những tips, kinh nghiệm mình đã áp dụng để vượt qua trở ngại giao tiếp ban đầu cũng như những khác biệt khi làm việc tại một môi trường 100% Aussie và được giao lead 1 team chỉ sau gần nửa năm làm việc nhé!

SSDH (tác giả Phuong Fia Tran)

Share.

Leave A Reply