Trải nghiệm cuộc sống du học Nauy

0

SSDH- Mình sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nên từ bé chỉ biết đến đồng ruộng như bao đứa trẻ nông thôn khác. ‘Du học’ là một điều gì đó xa xỉ và khó chạm tới, với mình lúc đó du học chỉ là thứ mà con nhà giàu hay cực kì xuất sắc mới có thể làm được. Tất nhiên mình đã rất ngưỡng mộ những bạn được đi du học và ước rằng mình cũng có điều kiện để được đi du học.

Mình còn nhớ vào một buổi chiều mùa hè năm lớp 11, mình mượn được một tờ báo Hoa Học Trò trong đó có chuyên mục du học và mình còn nhớ mình đã đọc được yêu cầu để đi du học là bạn phải đạt IELTS tối thiểu 5.0 hoặc TOEFL 60 gì đó. Tại thời điểm đó mình còn chưa biết IELTS hay TOEFL là gì. Cho đến những năm đại học khi việc du học dường như trở nên phổ biến hơn tuy nhiên mình vẫn nghĩ rằng mình không thể đi du học vì mình không quá xuất sắc để xin được học bổng toàn phần và nếu để đi du học tự túc thì bố mẹ không thể hỗ trợ được vì đi học ở nước ngoài quá đắt đỏ so với hoàn cảnh gia đình. Vậy là ước mơ du học vẫn chỉ là ước mơ. Bốn năm đại học cũng qua nhanh và mình tốt nghiệp rồi đi làm văn phòng một ngày 8 tiếng. Những ngày đầu đi làm thật sự nó không như những gì mà mình mong đợi, ngồi làm việc ở văn phòng một ngày 8 tiếng đã khiến mình nghĩ lại bản thân mình thực sự muốn gì. Lúc đó mình nghĩ mình chỉ mới 22 tuổi nếu suốt quãng đời còn lại mình cứ tiếp tục sáng đi làm và hết 8 tiếng rồi về nhà thì cuộc sống thật sự rất nhàm chán.
Mình lại nhớ tới câu nói ‘You only live once – Bạn chỉ sống một lần mà thôi’, nên mình phải sống thật ý nghĩa và có được những trải nghiệm quý giá. Lúc đấy thứ duy nhất khơi gợi trong mình là ước mơ du học mà mình vẫn có từ lâu nhưng chưa bao giờ nghiêm túc nghĩ về nó và cũng chưa dám thử tìm hiểu kĩ càng. Vậy nên mình đã bắt đầu lên Google tìm kiếm kinh nghiệm xin học bổng và đúng như mọi người nói Google là công cụ ‘thần thánh’ vì tất cả mọi thứ đều có thể tìm thấy trên đó. Rồi trong vòng 1 tháng mình đã đọc hầu như tất cả các bài chia sẻ về xin học bổng toàn phần, bán phần, trao đổi,…
Tuy nhiên, sau khi đọc các bài chia sẻ và thông tin thì thấy hầu như mọi người xin được học bổng đều rất xuất sắc, hơn nữa nghành học của mọi người đều thuộc nghành STEM hoặc về kinh tế, kinh doanh. Trong khi đó nghành học của mình – English Linguistics rất khó để xin được học bổng kể cả bán phần, lúc đầu mình có hơi nản nhưng không vì thế mà mình bỏ cuộc. Sau giờ làm, tối nào mình cũng đọc và tìm kiếm trên Google rồi tình cờ mình tìm thấy và đọc được về chất lượng của hệ thống giáo dục ở Bắc Âu gồm 5 nước: Phần Lan, Đan Mạch, Nauy, Iceland và Thụy Điển rất tốt. Hơn nữa, mình đã tìm hiểu và biết được rằng nếu được chấp nhận vào một trong các trường đại học công lập ở Nauy thì sẽ được granted 100% học phí nhưng việc xin học thì cực kì cạnh trạnh và chỉ có 3-4% số lượng sinh viên được granted. Mình đã đắn đo và cũng tìm hiểu các nước miễn phí học phí khác như Đức hay Pháp nhưng cuối cùng mình đã apply vào Nauy dù biết tỷ lệ đậu rất cạnh tranh.
Từ lúc nung nấu ý định phải đi du học cho tới lúc mình nạp hồ sơ chỉ vỏn vẹn 6 tháng – từ tháng 6 đến tháng 12/2018. Và rồi vào ngày 24/04/2019 sau 4 tháng apply khi đang làm việc ở văn phòng thì mình nhận được email từ trường NTNU – Norwegian University of Science and Technology báo mình đã được granted vào ngành English Linguistics and Language Acquisition. Cảm giác lúc đó thật sự không gì diễn tả được niềm vui sướng khi biết mình sắp xa Việt nam và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình. Thật sự mình cảm thấy mình rất may mắn vì mình là 1 trong số 4% đươc granted và lớp mình chỉ có 6 bạn đến từ các nước khác nhau (Mỹ, Nauy, Lithuania và Việt Nam).
Qua đây mình muốn nhắn nhủ đến những ai đang có ý định đi du học nhưng cứ nghĩ ngành học của mình không có học bổng, cơ hội xin học thấp vân vân và mây mây thì hãy tin mình ‘CỨ TÌM RỒI SỄ THẤY’ chỉ cần bạn đủ kiên trì thì chắc chắn sẽ có cơ hội cho bạn. Bởi vì điều kiện của mình dường như đều không thể để đi du học từ ngành khó xin học bổng đến gia đình không có điều kiện hỗ trợ nhưng hôm nay ngồi gõ những dòng này thì mình vừa hoàn thành xong năm thứ nhất chương trình Thạc sĩ.

Cuộc sống ở Nauy như thế nào ?

Du học Nauy chắc không được nhiều người biết đến như du học Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Hàn hay Nhật và đó cũng chính là lí do mà mình luôn được hỏi ‘tại sao lại du học Nauy mà không phải là các nước khác’. Dưới đây cũng có thể xem là câu trả lời:
  • Về Nauy:
Nauy là quốc gia Bắc Âu nằm ở Tây Bắc Châu Âu có lãnh thổ bao gồm phần phía Tây và Cực Bắc của Bán đảo Scandinavia có tổng diện tích là 385.207m2 nhưng chỉ có khoảng 6 triệu dân. Quy mô dân số nhỏ nhưng các chỉ số phát triển luôn thuộc top thế giới. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người cao thứ tư trên thế giới trong danh sách của Ngân hàng Thế giới và IMF. Na Uy đứng đầu trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2017 và hiện cũng đang đứng đầu về Chỉ số Cuộc sống Tốt của OECD, Chỉ số Chính trực Công khai và Chỉ số Dân chủ và cũng là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trên thế giới. Hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và hệ thống an sinh xã hội toàn diện để đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội. Mình cảm thấy rất may mắn khi được là một du học sinh tại Nauy bởi mình được đối xử như một sinh viên người Nauy được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, y tế tốt nhất trên thế giới.
  • Thiên nhiên Nauy:
Đặc sản thiên nhiên của Nauy là các Fjords – vịnh hẹp và Aurora (Northern Lights) – Bắc Cực Quang kì ảo. Hơn nữa, rừng ở Nauy cũng rất hùng vĩ và mình đã rất nhiều lần phải mắt chữ O và mồm chữ A vì quá ngạc nhiên với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Nauy. Điều làm mình rất ấn tượng đó là ý thức bảo vệ rừng cũng như tình yêu thiên nhiên của người Nauy. Từ người già tới trẻ nhỏ đều thường xuyên hiking vào rừng. Còn nhớ lần đầu tiên đi hiking mình đã rất ngạc nhiên khi một đứa trẻ chừng 4-5 tuổi đi cùng với mẹ đã leo lên tận đỉnh núi và đi qua chặng đường mà đối với người lớn cũng không phải dễ dàng. Chắc vì được trải nghiệm và quen với việc hòa mình vào thiên nhiên từ nhỏ nên người Nauy sống rất gần gũi với thiên nhiên. Người Nauy thường sẽ thích sống ở những vùng cách xa trung tâm thành phố, gần rừng núi và đặc biệt là nhà ở càng cao trên núi thì giá thành lại càng cao. Vào các kỳ nghỉ lễ người dân thường đi nghỉ ở các Cabin cao tít trên đỉnh núi cách xa nơi cư dân ở để thư giãn cũng như hòa mình vào thiên nhiên.
Tất nhiên vào mùa đông giá rét tuyết phủ kín mọi người không thể vào rừng nhưng mùa nào Nauy cũng có vẻ đẹp riêng. Mùa đông đặc biệt vào dịp Giáng sinh khi nhà nhà đều trang trí nhà cửa với đủ loại đèn trang trí thì với ánh sáng của đèn trang trí hòa cùng tuyết trắng tạo một bức tranh đẹp mê hồn.
Người dân Nauy có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường nên môi trường ở đây rất sạch sẽ. Rác sẽ được phân loại, hạn chế sử dùng đồ nhựa nên khi đi siêu thị nếu muốn lấy túi nilon thì bạn phải trả 2 NOK (tương đương 5000 VND) cho mỗi túi – điều này giúp hạn chế việc sử dụng túi nilon.
  • Luật pháp Nauy:
Người dân Nauy có thể nói là sống và làm việc theo pháp luật. Thứ nhất, người dân có tính tự giác cao trong việc tuân thủ luật pháp. Thứ hai, nếu phạm luật thì bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Ví dụ, nếu một công ty bị phát hiện trốn thuế hay nhận tiền đen (tiền đen có nghĩa là số tiền đó không bị đóng thuế mà người chủ sẽ nhận 100% bằng tiền mặt) thì điều đầu tiên là công ty đó sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, tiếp theo tiền thuế sẽ được tính từ ngày đầu tiên công ty đó mở cửa cho đến thời điểm hiện tại. Có nhiều công ty đã phải bán hết nhà cửa và tài sản chỉ để đóng thuế do việc vi phạm luật pháp. Hay ví dụ như uống rượu bia và lái xe thì người lái xe sẽ bị tịch thu bằng lái vĩnh viễn. Rồi tới việc đi xe bus, khi đi xe bus sẽ không có người kiểm tra vé và phải mua vé trước khi lên xe bus nhưng nếu bạn không mua và bị phát hiện thì bạn sẽ phải chịu phạt gấp nhiều lần giá trị vé gốc. Nauy đề cao tính tự giác, xã hội được vẫn hành dựa vào lòng tin tuy nhiên nếu vi phạm luật pháp thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Đây cũng là điều mà mình thích nhất ở xã hội Nauy.
  • Con người Nauy:
Mình có đọc được đâu đấy nói rằng người dân Nauy lạnh lùng, khó gần nhưng theo như trải nghiệm của mình thì người dân Nauy rất thân thiện, tốt bụng và tử tế. Hơn nữa, họ luôn giữ khoảng cách an toàn và tôn trọng không gian riêng của người khác. Ví dụ khi họ lên xe bus, mỗi hàng sẽ có 2 ghế nhưng nếu đã có 1 người ngồi vào 1 vị trí hàng ghế thì họ sẽ tìm hàng ghế khác nếu còn trống. Nếu không còn hàng ghế trống thì họ sẽ chọn đứng thay vì ngồi cạnh người khác. Nhưng nói chung, họ rất tôn trọng không gian riêng của mọi người. Người dân Bắc Âu nói chung và Nauy nói riêng rất coi trọng các giá trị gia đình. Thường sau giờ làm, thì họ sẽ về nhà quây quần với gia đình, nấu ăn cùng nhau và chơi với các con. Bạn học người Nauy của mình đã lập gia đình và kể rằng sau mỗi lần xong công việc thì chỉ muốn về nhà với gia đình. Hoặc nếu bạn ấy không tìm được việc gần nhà thì bạn ấy sẽ không đi làm và sẽ chỉ ở nhà chơi cùng các con.
  • Việc làm:
Về cơ hội việc làm, dân số Nauy có trình độ học vấn rất cao hầu như họ đều có thể nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ của họ vậy nên thị trường việc làm rất rất cạnh tranh. Để xin được một công việc ở đây ngoài kĩ năng Tiếng Anh tốt thôi thì chưa đủ, bạn cần phải có chuyên môn thật xuất sắc cùng với nhiều kĩ năng khác nữa. Đối với người nước ngoài ở Nauy thì câu chuyện tìm việc làm bất kể là việc làm thêm hay công việc toàn thời gian luôn là một thách thức.
  • Tiền:
Nếu kiếm được tiền rồi thì tiêu thế nào? Thật ra mình muốn nói về việc người dân rất ít dùng tiền mặt mà chủ yếu thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Chính phủ Nauy kiểm soát tiền rất chặt nên đó là lý do mà bất cứ người dân Nauy hay người nước ngoài sinh sống hợp pháp ở Nauy đều phải có thẻ ngân hàng. Đúng là không có thẻ ngân hàng thì không làm ăn gì được ở đây. Ở tất cả các quầy dịch vụ, nhà hàng hay nơi có trao đổi mua bán thì đều có máy quẹt thẻ. Tất nhiên người ta vẫn chấp nhận tiền mặt nhưng chỉ với một số tiền nhỏ ngoài ra đều phải thanh toán bằng thẻ. Nếu bạn có một cục tiền mặt với giá trị lớn mang tới ngân hàng thì bạn chắc chắn sẽ gặp rắc rối vì người ta sẽ điều tra tiền của bạn từ đâu mà có, rồi vân vân mây mây hoặc bạn muốn đến ngân hàng rút tiền cũng như vậy bạn sẽ được điều tra kĩ là rút tiền để làm gì mặc dù đó là tiền của bạn gửi ở ngân hàng.
  • Nhịp sống:
Ở đây gần một năm thì mình nhận thấy mọi thứ ở đây dường như diễn ra chậm rãi từ cảnh vật, thiên nhiên đến con người nơi đây đều nhẹ nhàng, cuộc sống không ồn ào, nhộn nhịp như ở Việt Nam. Mình cảm thấy dễ thở hơn.
  • Đồ ăn:
Chắc chắn ai xa Việt Nam đều nhớ đồ ăn Việt Nam và mình cũng vậy. Mặc dù ở đây có các cửa hàng Châu Á, Việt Nam nhưng mình không hiểu sao vẫn nhớ đồ ăn Việt Nam. Có khoảng thời gian mình đã bị khủng hoảng vì đồ ăn, mình không biết ăn gì và ngày nào cũng nghĩ hôm nay ăn gì L Rồi giữa đêm thường bị đói vì ban ngày không ăn được. Mình và bạn cùng nhà còn nói đùa là đúng chỉ có food mới làm chúng ta hạnh phúc thôi. Vì mỗi lần được ăn món Việt Nam là mood lại được lên cao. Nên những bạn nào sắp đi du học thì mình khuyên nên mang đồ ăn Việt Nam nhiều vào và các thứ khác ít lại vì theo kinh nghiệm của mình bên này không thiếu bất cứ thứ gì và chất lượng đôi khi còn tốt hơn ở Việt Nam. Vì thế chỉ mang các vật dụng khác vừa đủ dùng cho 1-2 tuần đầu tiên thôi còn lại hãy mang nhiều đồ ăn Việt Nam vào không sang đây thèm lắmmm. Lúc trước khi đi mình cũng đọc bài chia sẻ của các anh chị về việc mang đồ ăn nhiều và các thứ khác ít nhưng do lần đầu đi ra nước ngoài nên mình vẫn mua rất nhiều thứ không cần thiết. Có những thứ mình mua qua đến nay đã hơn 1 năm mà mình vẫn chưa đụng tới.
  • Thời tiết:
Nãi giờ toàn khen nên đến lúc nói về những khó khăn khi sống ở Nauy nè. Cuộc sống ở Nauy cũng không phải dễ dàng bởi thời tiết rất khắc nghiệt. Do nằm gần Cực Bắc nên mùa đông khắc nghiệt thường kéo rất dài và mùa hè thì rất ngắn. Vào mùa đông thì hầu như sống trong bóng tối vì một ngày chỉ có 2-3 giờ sáng, mặt trời chỉ nằm ở chân trời chứ không mọc lên đỉnh. Còn mùa hè thì không có ban đêm, mặt trời mọc từ 2-3h sáng và lặn lúc 12h đêm nên đi ngủ phải kéo rèm hoặc che mắt mới ngủ được. Thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông do không có ánh nắng để hấp thụ vitamin D nên cơ thể mệt mỏi và hay buồn ngủ rồi chỉ ra ngoài khi cần thiết còn lại chỉ ở trong nhà. Đây cũng là lý do Nauy là quốc gia có tỷ lệ bị trầm cảm và tự tử rất cao.
  • Chi phí sinh hoạt:
Nauy cái gì cũng thuộc top cao nhất thế giới và chi phí sinh hoạt không phải là ngoại lệ. Lúc mới sang mình rất hay tính ra tiền Việt Nam nhưng bây giờ thì mình đã dừng việc đổi ra tiền Việt vì nếu đổi như vậy chắc không sống được ở đây. Chí phí từ tiền thuê nhà cho tới mua sắm, food, bus… đều rất cao. Nhưng cũng rất may vì là sinh viên nên thường có giá cho sinh viên nên cũng tiết kiệm được một số chi phí.
Tuy nhiên, nếu có việc làm thì mọi thứ lại trở nên dễ dàng hơn vì thu nhập Nauy cũng thuộc top cao nhất thế giới. Rồi thu nhập cao thì thuế cũng cao top nốt. Đúng là không có cái gì hoàn hảo mà. Thuế cao nhưng người dân luôn tự hào vì họ là nước đóng thế cao. Không chỉ Nauy mà các nước như Đan Mạch hay Thụy Điển cũng có mức thuế thu nhập cá nhân rất cao, càng làm nhiều thì phải đóng thuế càng cao, có những người đóng tận 50% thuế của tổng thu nhập. Tiền thuế được sử dụng vào việc đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội như hệ thống giáo dục miễn phí, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh miễn phí, người thất nghiệp được hưởng lương,…
  • Góc nhìn cá nhân:
Mình nghĩ ai cũng nên một lần sinh sống và học tập ở nước ngoài dù là định cư hay trở về nước thì nó cũng giúp bạn có được cái nhìn đa chiều hơn và hơn nữa sẽ mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc mà không phải trải nghiệm nào cũng có được. Đối với mình, du học Nauy đã khiến mình lo lắng, hồi hộp, nhưng cũng đầy bất ngờ, cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Hành trình du học của mình bắt đầu với vô vàn điều mới mẻ, thú vị và tuyệt vời. Đúng là lần đầu đi du học nên mình đã có rất nhiều thứ lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm, thấy và làm. Lần đầu đi máy bay, lần đầu xa nhà, sống tự lập một mình, lần đầu thấy tuyết, trượt tuyết, lần đầu chơi các môn thể thao mới như zipline, lần đầu đi chợ Giáng Sinh, lần đầu xách balo đi du lịch 1 mình ở Châu Âu, lần đầu được học ở môi trường quốc tế với bạn bè khắp năm châu, lần đầu ở chung nhà với các bạn đến từ khắp nơi: Đức, Ý, Malawi, lần đầu có cảm giác như mình đang ở trong bộ phim học đường Âu Mỹ mà mình từng xem. Cảnh các bạn ôm sách ngồi giữa các bãi cỏ xanh mướt, nhâm nhi tách cafe rồi cặm cụi đọc sách hay các nhóm bạn cùng ăn trưa ở canteen trường. Sau giờ học hoặc giờ giải lao mình và các bạn cùng lớp thường ra canteen hoặc các bãi cỏ tám chuyện và chia sẻ về nhiều chủ đề khác nhau.
Du học chắc chắn sẽ là bước ngoặt của cuộc đời, là những trải nghiệm quý giá, là tuổi trẻ và cũng là ước mơ. Nếu đã lỡ mơ về nó thì hãy cố gắng để đạt được nó. Chúc cho các bạn có ước mơ du học sẽ thực hiện được ước mơ của mình, các bạn sắp đi du học sẽ có chuyến đi an toàn, và những bạn đang du học có được kết quả học tập tốt và những trải nghiệm quý giá. Đợt này do Covid-19 nên tình hình du học chắc chắn sẽ khó khăn cũng như có nhiều thay đổi, mình hy vọng các bạn cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tác giả: Kim Dung
Share.

Leave A Reply