Trẻ học tiếng Anh càng sớm càng dễ

0

Sẵn sàng du học – Việc học tiếng Anh như thế nào cho thật hiệu quả không chỉ là câu hỏi lớn của mỗi người dân mà còn là vấn đề quan trọng của ngành  GD&ĐT ở tất cả các quốc gia mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ (là ngôn ngữ thứ hai). Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện với TS Christine Chen – Chủ tịch hiệp hội Mầm non thế giới.

tre_hoc_tieng_anh_som_cang_de_LXQX

– Là Chủ tịch Hiệp hội Mầm Non Thế giới, bà có quan điểm như thế nào về việc cho trẻ học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ đặc biệt là tiếng Anh?

– Theo tôi, hiện nay việc chu du khắp thế giới của khách du lịch hay dân nhập cư đã trở thành hiện tượng phổ biến. Giờ đây chúng ta được tiếp xúc với những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Mỹ là một ví dụ điển hình, nơi mà dân nhập cư đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới; cũng có thể kể đến một vài nước như Nam Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Con em của những cư dân nhập cư này sẽ tới trường để học tiếng Anh chứ không phải học ngôn ngữ mẹ đẻ. Bởi vậy mà theo tôi, tiếng Anh rất quan trọng – nó là thứ ngôn ngữ phổ biến của thế giới.

Tại nhiều quốc gia có vị trí gần với Việt Nam như Thái Lan, Singapo, trẻ em cũng tới trường học tiếng Anh nhưng lại không phải là ngôn ngữ chính của mình. Ở Thái Lan, trẻ em có thể học ở các trường quốc tế, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh mặc dù ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng là tiếng Thái. Ở Singapore, trẻ em gốc Hoa, gốc Malaysia hay gốc Ấn Độ sẽ theo học tạc các trường công lập của Singapore và học tiếng Anh như là ngôn ngữ chính còn ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng sẽ được học như là một ngôn ngữ bổ sung.

Ngoài 3 nhóm dân tộc trên, hiện nay Singapore cũng đón nhận thêm nhiều người nhập cư từ Ân Độ, từ Trung Quốc, hay Việt Nam, Philippin và Myanmar. Vì vậy hiện nay ngày càng có nhiều trẻ em Singapore tới trường học tiếng Anh – thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của chúng. Như vậy có thể thấy rằng xu thế toàn cầu hiện nay là trẻ em tới trường để học thêm một ngoại ngữ không phải tiếng mẹ đẻ.

– Như bà nói, tiếng Anh là thứ ngôn ngữ phổ biến thế giới và ở nước sở tại của bà là Singapore thì trẻ ở bất kì nước nào đến đây sinh sống cũng đều dùng chung một ngôn ngữ tiếng Anh. Vậy xin bà cho biết, Singapore đã có những chương trình gì để giúp trẻ học tốt ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ?

Tại Singapore mọi người đều nhận thức rất rõ rằng: Khi học thêm một ngoại ngữ là biết thêm một thế giới khác mở ra trước mắt. Với trẻ nhỏ cũng vậy, bước vào thế giới mới trẻ hiểu được cách mọi người nói (mọi người ở đây chính là ở thế giới trẻ đang được tiếp xúc và khám phá – ngôn ngữ thứ hai). Hơn nữa khi học một ngoại ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ, trẻ sẽ có được tư duy ban đầu về thế giới.

Bởi vậy mới nói cho trẻ học thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, chắc chắn sẽ trang bị cho trẻ một tầm nhìn thế giới rộng mở. Tuy nhiên học một ngoại ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ sẽ mang lại nhiều thách thức đối với trẻ, gia đình cũng như trường học. Bởi vậy đỏi hỏi phải có chương trình chuẩn cũng như đội ngũ, cơ sở vật chất phải thật sự tốt.

Tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã đề xướng chương trình Tập trung hỗ trợ phát triển ngôn ngữ qua việc đọc (FLAIR) từ năm 2007. Đây là chương trình hỗ trợ đọc và viết sớm cho trẻ 5 tuổi nhằm tập trung phát triển kỹ năng nghe – nói cho trẻ. Chương trình được phát triển dựa trên những điều chúng ta biết về cách mà trẻ em học thêm một ngoại ngữ khác. Cho đến nay chương trình này vẫn được áp dụng dạy cho trẻ ở các trường mầm non và đem lại hiệu quả rất tốt, giúp trẻ học một ngôn ngữ thứ hai rất dễ dàng.

– Theo bà để trẻ tiếp thu ngôn ngữ thứ hai tốt nhất, cụ thể là việc làm quen với tiếng Anh ở trường MN tại Việt Nam hiện nay thì cần phải có cách làm gì?

– Điều thứ nhất, chúng ta tin rằng ngôn ngữ được “tiếp nhận”, chứ không được “dạy”. Như vậy chúng ta cần sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong tình huống có ý nghĩa nơi mà tiếng Anh có thể được “tiếp nhận” một cách tự nhiên vào trẻ.

Ví dụ như khi trẻ đang tô màu và vô tình một vài vệt màu dính lên tay của người lớn, người lớn có thể lấy một chiếc khăn và đưa tay cho trẻ xem vết màu trên tay và nói với trẻ: “Please take this towel” (Con hãy cầm khăn này), khi nói đồng thời đưa cho trẻ chiếc khăn; “and clean the paint off my arm (và lau giúp cô vệt màu này) sau đó đưa chiếc khăn cho trẻ. Đây là một ví dụ cho việc sử dụng tiếng Anh trong tình huống có ý nghĩa.

Điều thứ hai, chúng ta nên đảm bảo rằng, việc học tiếng Anh là một việc vui vẻ, thú vị. Đối với trẻ nhỏ, thơ ca, chuyện kể và trò chơi đóng kịch là những phương pháp tạo cơ hội cho trẻ được “nhập tâm” với ngôn ngữ tiếng Anh. Trẻ và giáo viên có thể thư giãn và tận hưởng việc ca hát, đọc thơ và nghe các câu chuyện tiếng Anh. Bẵng những hình thức này, trẻ có thể dễ dàng làm quen với những từ vựng mới.

Điều thứ ba, học từ vựng trong tiếng Anh yêu cầu của môi trường nơi mà tạo cho trẻ cơ hội được tương tác với ngôn ngữ. Môi trường tương tác bao gồm sách, truyện tiếng Anh mà trẻ có thể lật giở từng trang và học những từ mới. Cung cấp những loại đồ chơi về con vật này bằng tiếng Anh. Làm sao để trẻ có cơ hội sử dụng tiếng Anh hàng ngày, gần với những trải nghiệm hàng ngày của trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta có thể giúp trẻ chơi những trò chơi trải nghiệm trực tiếp bằng tay như là chơi đất nặn, tạo hình thủ công hoặc là trò chơi đóng kịch để trẻ có thể nghe hiểu tiếng Anh và có khả năng phản xạ lại được bằng tiếng Anh.

Tôi tin rằng, khi ở trường các cô giáo giúp trẻ thực hành tốt các hoạt động trên, về nhà phụ huynh lại có ý thức luyện cùng con, chắc chắn tiếng Anh sẽ rất gần gũi với trẻ. Bởi vì trẻ càng nhỏ học một ngôn ngữ thứ hai như tiếng Anh càng dễ.

– Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ

Share.

Leave A Reply