SSDH – Có rất nhiều thứ phải lo khi chuyển đến sống một đất nước hoàn toàn mới lạ, đặc biệt là nỗi lo mỗi khi đau ốm không có ai kề cạnh và khi bạn cũng chẳng thông thạo hệ thống y tế ở quốc gia đó. Vì thế, bạn cần lưu ý những điều dưới đây để luôn là một du học sinh khỏe mạnh nhé.
Chuẩn bị từ trước
Cách tốt nhất để đề phòng bệnh là phải chuẩn bị từ trước. Nếu bạn định tham gia một khóa học kéo dài hơn 6 tháng tại Vương quốc Anh thì bạn tự động sẽ được hưởng những tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của Dịch vụ Y tế quốc gia, như một người cư trú.
Nếu bạn chuẩn bị trước các sản phẩm Y khoa thì sẽ cần phải có toa thuốc từ bác sĩ được dịch sang tiếng Anh. Giấy tờ này sẽ rất có lợi cho bạn khi đi đăng ký bác sĩ địa phương (GP), người sẽ là bác sĩ chẩn đoán và đôi khi là điều trị cho bạn trong những lúc cần điều trị không khẩn cấp. Chế độ này thường cung cấp các điều trị miễn phí, còn thuốc thì sẽ có giá ưu đãi.
Khi đến Anh, bạn cũng cần cung cấp những giấy tờ chứng nhận tình trạng sức khỏe của bản thân để đảm bảo đã chích ngừa theo đúng yêu cầu. Thường thì những sinh viên đến từ các nước có rủi ro cao về bệnh lao (TB) cũng sẽ bị yêu cầu chụp phổi. Vì thế bạn cần chuẩn bị sẵn những giấy tờ này, phòng trường hợp bị hỏi ở hải quan.
Nếu bạn đang phải điều trị một căn bệnh nào đó thì hãy đem theo các hóa đơn thuốc, giấy tờ chẩn đoán bệnh được dịch sang tiếng Anh để thuận tiện hơn cho việc làm việc với các bác sĩ đa khoa tại Anh.
Thường thì bạn sẽ có được thẻ NHS sau khi đã cung cấp giấy tờ hợp đồng thuê nhà cũng như số sinh viên, điền vào một số đơn từ, cho bác sĩ địa phương.
Tìm hiểu về NHS
Dưới đây là một số vấn đề y tế được sự “hậu thuẫn” lớn từ Dịch vụ Y tế quốc gia Anh quốc.
- GP (General Practitioner – Dịch vụ bác sĩ đa khoa): Bác sĩ đa khoa sẽ là người bạn cần liên hệ khi cảm thấy không khỏe và thường là trong những trường hợp không khẩn cấp. Đây là những người có kiến thức bao quát cho nhều vấn đề chuyên môn khác nhau và thậm chí là một số kĩ năng chẩn đoán bệnh ở những giai đoạn đầu. Nếu trong trường hợp cần thiết, bạn sẽ được bác sĩ đa khoa giới thiệu đến những chuyên gia cho các lĩnh vực riêng.
- Bị thương nhẹ – Hầu hết các bệnh viện sẽ có dịch vụ riêng dành cho những trường hợp chấn thương nhẹ không khẩn cấp, chẳng hạn như khi bị bong gân hay bỏng nhẹ. Nếu bạn bị thương trong lúc đang theo một đợt điều trị nào đó thì phải thông báo cho người xử lí vết thương biết trước.
- Tai nạn cấp cứu – Tất cả những bệnh viện lớn đều có khoa cấp cứu, chuyên giải quyết những vấn đề khẩn cấp và nên nhớ là bạn chỉ sử dụng dịch vụ này trong tình huống không thể chờ đợi thêm.
- Thuốc – Nếu bạn đang phải chịu những căn bệnh như cảm cúm, hãy tìm đến khu vực mua thuốc không qua đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc. Nếu không chắc chắn về loại thuốc đó, bạn có thể trò chuyện với dược sĩ để được tư vấn thêm.
Những dịch vụ không được bao hàm trong NHS
Ở Anh, mỗi đầu thuốc sẽ gắn liền với một mức phí cụ thể trong hóa đơn, thường ở mức 6,85 bảng Anh/đầu thuốc. Tuy nhiên cũng có một số loại thuốc hoàn toàn miễn phí cho những người có thẻ NHS. Bạn có thể liên hệ với nhà thuốc gần nhà để có thông tin chính xác về những loại thuốc này.
Tương tự, bạn sẽ có lúc cần phải có Giấy khám sức khỏe để chứng nhận bệnh tình của mình trước khi đi mua thuốc.
Bảo hiểm
Sinh viên quốc tế học tập tại Vương quốc Anh thật ra không cần sắm bảo hiểm sức khỏe, tuy nhiên bạn cần có bảo hiểm đồ cá nhân để phòng trường hợp rơi vào những tình huống tài chính khó khăn do thất lạc, mất cắp đồ đạc.
Nhiều trường Đại học thường bao gồm bảo hiểm vào trong tiền thuê nhà cho các sinh viên trọ lại trong khu học xá, trong khi đó nhiều sinh viên cũng chọn dùng bảo hiểm của phụ huynh. Bạn có thể tìm hiểu thông tin cụ thể về các loại bảo hiểm qua những công ty chuyên nghiệp như Endsleigh.
Nếu bị mất cắp hoặc gặp tai nạn , hãy đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi báo với công ty bảo hiểm.
Còn nữa, trong trường hợp chia nhà chung với nhiều người khác, bạn cũng nên mua bảo hiểm cho cá nhân thay vì ỷ lại vì an toàn của bản thân vẫn là trên nhất.
Thái Hải (SSDH) – Theo hotcourses