SSDH – Sinh viên nước ngoài đọc sách khi nào, ở đâu, với tác phong như thế nào và lí giải tại sao họ đọc sách với tất cả thích thú, mê say.
Việc đọc sách quan trọng như thế nào khi du học? – Ảnh minh họa
When – Họ đọc sách khi nào?
Bất kì lúc nào cũng thấy họ đọc sách, nhưng thường xuyên nhất là vào trước giờ lên lớp, trong thời điểm diễn ra các kỳ thi và cả những khi trời nắng đẹp. Thậm chí, vào những khoảnh khắc ngắn ngủi như chờ thầy cô trước giờ vào lớp, khoảng thời gian “chết” giữa hai tiết học, lúc đang ăn trưa mà không có bạn bè ngồi chung… họ cũng tranh thủ lôi quyển sách quen thuộc ra “ngấu nghiến”.
Where – Họ đọc sách ở đâu?
Bạn có thể bắt gặp hình ảnh anh/cô bạn sinh viên lăm lăm cuốn sách trên tàu điện ngầm vào buổi sáng, ngay trên quãng đường tới lớp, ở góc hành lang lớp học lúc chờ vào tiết, trong canteen trường vào giờ giải lao, giữa bãi cỏ ký rúc xá vào những ngày tâm trạng phơi phới, và tất nhiên là không thể không nhắc đến thư viện – nơi mà mọi tâm hồn mê sách đều từng ghé tới. Xu hướng mới, nhiều sinh viên chọn cho mình một góc café yên tĩnh để tới lui học bài, đọc sách và nhiều quán xá thậm chí còn tạo điều kiện cho thói quen này bằng cách mở cửa tới tận khuya.
What – Họ đọc sách gì?
Ở nước ngoài, hầu như môn học nào cũng được thầy cô dặn dò đọc thêm sách tham khảo, sau những bài giảng ở lớp. Tất nhiên mức độ quan trọng của việc đọc sách cũng có sự thay đổi theo phương pháp giảng dạy. Người viết vẫn nhớ, thời du học trao đổi ngành Truyền thông ở Hà Lan, việc đọc sách gần như là yêu cầu bắt buộc của các thầy cô. Nếu không đọc sách và soạn trước nội dung của tiết học, bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh “vịt nghe sấm”, đơn giản vì thầy cô quan niệm “45 phút ở lớp là để mọi người thảo luận về đề tài mà họ chuẩn bị trước ở nhà, chứ không phải là lúc rục rịch đọc bài”. Có nhiều thầy cô không hề giới hạn “đề cương” ôn thi, cứ thế buộc sinh viên phải đọc nguyên cả một quyển sách trước kỳ thi, đảm bảo không có chuyện học tủ, học vẹt.
How – Họ đọc sách như thế nào?
Người nước ngoài đọc sách với một thái độ rất chăm chú. Khi họ đọc sách, tưởng như trái đất đã ngừng quay, métro không còn ồn ào, không gian láo nháo của sân trường cũng chẳng thể gây ảnh hưởng đến sự tập trung của họ. Những người kỹ tính thậm chí còn ghi lại những chi tiết đắt giá vào quyển sổ tay mà lúc nào họ cũng kè kè bên mình.
Đối với những đầu sách chuyên ngành khó nhằn, các sinh viên nước ngoài thường tụ tập trong thư viện để cùng nhau vừa đọc vừa tra từ điển. Còn vào những dịp chuẩn bị cho bài thuyết trình, nhiều nhóm bạn cũng nghịch ngợm đối phó bằng cách chia sách ra thành từng chương mục, mỗi người sẽ chịu trách nhiệm một phần nhất định. Hay để chắc chắn hơn, mỗi người sẽ “lo liệu” phần đọc của mình và tóm tắt ý chính cho các thành viên còn lại, phòng trường hợp nhóm sẽ bị “xoay bài”.
Why – Tại sao họ phải đọc sách?
Sinh viên nước ngoài cũng được khuyến khích đọc sách như sinh viên trong nước vậy. Phải nhấn mạnh chữ “khuyến khích” vì họ không hề bị bắt buộc mà thói quen này dường như được hình thành từ khi tuổi còn rất nhỏ. Chính họ tự nhận thức sự quan trọng của việc đọc sách và ảnh hưởng của nó lên kết quả học tập mà quyết định có đọc hay không.
Đối với sinh viên nước ngoài, đọc sách là để đào sâu hiểu biết cho chính bản thân họ chứ không phải một ai khác. Rồi từ những đầu sách nhỏ được cô giáo giao đọc hết trong mùa hè, đến những giá trị tri thức truyền từ đời này sang đời khác thông qua tủ sách gia đình, cùng những yêu cầu tìm hiểu chuyên môn của nhà trường, họ cứ thế duy trì thói quen đọc sách ở bất kì đâu, tại bất kì thời điểm nào, và đọc với tất cả đam mê, chăm chú.
Nguồn: Báo mới