SSDH – Đang du học ở nước ngoài mà bị ốm thì ngoài sự mệt mỏi về thể chất, “tâm bệnh” còn nặng hơn vì không ai ở bên chăm sóc. Nhưng nếu biết cách du học sinh vẫn có thể vượt qua những lần ốm một cách nhẹ nhàng.
Không ai có thể đoán trước khi nào mình bị ốm, nếu có sự chuẩn bị trước, bạn sẽ không bị động và hậu quả cũng không lớn.
Luôn có các loại thuốc cơ bản
Thuốc cảm, ho, hạ sốt, đau bụng, nhỏ mũi, nhiệt kế…, bất cứ loại nào bạn thường phải dùng khi bị ốm ở Việt Nam, hãy đem theo khi du học. Ngoài ra, sổ y bạ gần nhất của bạn cũng rất quan trọng. Nó sẽ giúp bác sĩ bản địa dựa vào và chuẩn đoán tình hình sức khỏe hiện tại của bạn (tất nhiên là bạn phải dịch từ tiếng Việt sang). Cảm sốt hay chấn thương nhẹ là một chuyện, nhưng nếu trước khi du học bạn biết có thể mắc những chứng bệnh nghiêm trọng khác, thì chắc chắn lịch sử khám bệnh trước đây của bạn rất quan trọng.
Hiểu cơ bản về hệ thống y tế của nước bản địa
Sau khi đến nước bản địa, bạn nên làm quen và hỏi thăm những người đã sống ở đó về hệ thống y tế và cách vận hành của bảo hiểm. Biết được thông tin cơ bản như thế sẽ rất có lợi, nhất là khi bạn không mạnh về kinh tế. Nói cách khác, bạn cần tìm hiểu đâu là bệnh viện tốt nhất trong khu vực, các khoản bảo hiểm sẽ trả trong trường hợp bạn bị ốm, các gói khám bệnh có lợi nhất cho sinh viên…
Xa gia đình, bạn bè trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là khi bạn ốm. Ảnh: Blogger Van AB Road
Biết những từ bản địa để diễn tả triệu chứng khi trao đổi với bác sĩ
Nếu bạn ở Mỹ, Anh, Australia hay các nước nói tiếng Anh khác thì không vấn đề. Nhưng ở châu Âu, bạn nên cẩn thận một chút. Rất nhiều bệnh viện không nói tiếng Anh, như ở Phần Lan hay Đức. Vì thế, bạn nên học trước một số từ tiếng bản địa để trao đổi thông tin, diễn tả triệu chứng bệnh. Hoặc đơn giản là cảm, sốt, chấn thương thôi cũng cần chuẩn bị vốn từ vựng đề phòng trường hợp bạn cần gặp bác sĩ khi đang du lịch khám phá mạo hiểm ở vùng hẻo lánh.
Luôn có bảo hiểm sức khỏe
Điều này đối với du học sinh Đức không phải vấn đề, vì muốn vào được Đức du học sinh phải làm hợp đồng bảo hiểm AOK ngay. Tuy nhiên, nếu bạn đi du lịch nhiều thì nên mua bảo hiểm du lịch nữa. Bình thường bạn hẳn rất không vui mỗi khi trả tiền bảo hiểm hàng tháng, nhưng đến lúc “có biến” thì mới thấy giá trị.
Nhờ bạn bè thân và thầy cô giáo
Du học có nghĩa là xa gia đình và khi ấy bạn bè là rất quan trọng. Khi thấy mình bắt đầu sốt hoặc chấn thương, hãy nói ngay với những người bạn tin tưởng của mình ở đó (kể cả là người nước ngoài), nhờ họ giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên. Ví dụ nên uống thuốc gì, khám ở đâu; trong đám bạn của họ có ai đem thuốc này, dụng cụ y tế kia theo không… Bởi vì khi ốm, ta không được sáng suốt và có thể có những quyết định sai. Hơn nữa, ở nước ngoài nên sẽ có rào cản ngôn ngữ nhất định. Vì thế, 2 đôi tai, 2 cái đầu luôn sáng suốt hơn 1.
Đừng gọi điện ngay cho bố mẹ
Trừ khi bạn là con của chuyên gia y tế, không thì không nên gọi ngay cho bố mẹ khiến cả nhà lo lắng. Có thể trận ốm của bạn không quá nặng. Đây cũng là lúc bạn luyện để vững vàng hơn trong thời điểm khó khăn. Còn tất nhiên, nếu bạn ốm nặng thì nên hỏi bố mẹ.
Tìm đến bác sĩ
Rất nhiều bạn bè sống ở các thành phổ nhỏ hoặc khu vực xa trung tâm. Nếu gặp vấn đề nặng, khẩn cấp khi ở xa bệnh viện như thế, bạn nên cân nhắc gọi taxi nếu xe cứu thương không đến kịp. Ngoài ra, hãy để bạn bè biết tình trạng của bạn. Biết đâu họ có thể gọi nhân viên y tế của trường gần ký túc xá, tiện lợi và kịp thời hơn rất nhiều.
Blogger Van AB Road