Sẵn sàng du học – Hannah Morrish, nhà quản lý, cố vấn học tập tại Anh, khuyên học sinh không nên sử dụng những từ sáo rỗng như "đam mê", "khát khao cháy bỏng" trong bài luận.
Nhiều học sinh lo lắng việc viết bài luận giới thiệu bản thân để đưa vào hồ sơ du học bởi lần đầu tiên họ phải viết một cái gì đó về chính mình với mục đích để một người lạ hiểu về tính cách, con người họ.
Khi cảm thấy áp lực vì phải viết ra những điều chứng tỏ bạn phi thường, thật khó để bạn tạo ra một bài luận với nội dung đáng tin cậy. Thay vào đó, hãy viết một cách đơn giản và trung thực từ những bản thảo đầu tiên. Bạn cần nhớ rằng bạn là duy nhất và khác biệt với mọi ứng viên khác. Bạn cần cá nhân hoá bài luận của mình và bạn sẽ trở nên nổi bật trong mắt nhà tuyển sinh.
Dưới đây là những lời khuyên của Hannah Morrish.
Tạo hai danh sách
Bạn nên viết ra một danh sách chi tiết những gì biết về khoá học đang kỳ vọng trúng tuyển và tại sao biết đó là lựa chọn đúng đắn. Danh sách thứ hai, bạn tập trung vào lý do bạn là sinh viên lý tưởng cho khoá học của trường.
Nghiên cứu kỹ lưỡng sự lựa chọn ngành học
Nhà tuyển sinh sẽ đọc bài luận giới thiệu bản thân để đánh giá xem liệu bạn có phù hợp với khoá học hay không. Bằng cách tham gia những ngày hội mở, giới thiệu và trải nghiệm tại trường, xem xét nội dung, module khoá học và nghiên cứu các giá trị của trường đại học, bạn sẽ cảm thấy tự tin để chia sẻ lý do bạn muốn dành những năm tiếp theo cho khoá học đã chọn.
Nêu bật kiến thức đã có
Hãy nói rõ bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng khoá học và giải thích lý do tại sao bạn đưa ra quyết định học nó tại trường đại học. Bạn cũng nên làm nổi bật kiến thức môn học bạn đã có, nhấn mạnh lý do bạn chính là một trong những sinh viên mà trường đang tìm kiếm.
Thể hiện khả năng
Bạn hãy cung cấp cho nhà tuyển sinh cái nhìn tổng quan về cách bạn đã phát triển như một sinh viên và cách để các kỹ năng, phẩm chất cá nhân riêng có sẽ giúp bạn phát triển mạnh mẽ trong trường đại học. Bài luận giới thiệu bản thân cần thuyết phục các trường việc bạn có kỹ năng học tập để thúc đẩy bản thân và làm việc chăm chỉ. Hãy đưa ra các ví dụ liên quan đến cách bạn đã phát triển các kỹ năng học tập độc lập và điều gì thúc đẩy bạn.
Đi từ lý do gốc
Bạn biết lý do cảm thấy phấn khích về khoá học ngay khi bạn đọc thông tin hoặc khi tham gia phần hỏi đáp với một trong những giảng viên trong ngày hội trải nghiệm ở trường. Hãy sử dụng bài luận giới thiệu bản thân như một cơ hội để chia sẻ sự nhiệt tình của bạn.
Nếu thực sự muốn học một cái gì đó từ khi còn nhỏ, bạn có thể đưa vào bài luận này. Bạn cũng phải giải thích điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn học các môn bổ trợ và dành thời gian cho sở thích hoặc sở thích liên quan trực tiếp đến những gì bạn muốn học tại trường.
Hạn chế sử dụng từ "đam mê" và một số từ khác
Chắc hẳn ai nộp đơn vào đại học đều phải có đam mê với môn học của mình. Hàng nghìn sinh viên sẽ sử dụng từ sáo rỗng này ít nhất một lần trong các bài luận giới thiệu bản thân của họ. Vì vậy, việc bạn không sử dụng từ "đam mê" sẽ ngay lập tức khiến bạn khác biệt với các ứng viên khác.
Các từ, cụm từ khác thường được sử dụng mà bạn nên cân nhắc để tạo ra sự khác biệt bao gồm:
1. Đề cập đến kinh nghiệm làm việc của bạn tại "father's company" (công ty của cha).
2. Sử dụng cụm từ "quenched my thirst for…" (làm dịu/dập tắt cơn khát của tôi đối với…).
3. Bất kỳ phép ẩn dụ liên quan đến "lửa" như:
– sparked my interest (châm ngòi sự hứng thú của tôi).
– burning desire (khát khao cháy bỏng).
4. Bắt đầu với câu nói "ever since I was a child" (từ khi tôi còn nhỏ) hay "from a young age" (từ nhỏ).
5. Sử dụng bất kỳ từ nào sau đây:
– passion (niềm đam mê).
– fascinated (cuốn hút).
– always (luôn luôn).
– ignited (đốt cháy, cháy rực).
– fuelled (tiếp nhiên liệu).
– enthralled (say mê).
– aspiration (khát vọng).
– intrigue (âm mưu).
– furthermore (hơn nữa).
– ground-breaking (đột phá, sáng tạo, tiên phong).
– thought-provoking (kích thích tư duy).
– inspiring (cảm hứng).
Hỏi ý kiến phản hồi
Đừng ngại khi nhờ mọi người xem qua bài luận giới thiệu bản thân bởi khi đã suy nghĩ đến nó quá nhiều trong thời gian dài, bạn rất khó có thể phát hiện ra những lỗi sai, điểm chưa hợp lý. Vì vậy, bạn nên nhờ bạn bè, gia đình hoặc giáo viên đọc và đưa ra ý kiến.
Viết bài luận giới thiệu bản thân có vẻ là nhiệm vụ khó khăn nhưng nếu chuẩn bị đúng cách và lên kế hoạch cho những gì bạn muốn nói trước khi bắt đầu, bạn sẽ hoàn thành được nó. Hãy nhớ khi viết một bài luận trung thức và đơn giản, bạn sẽ không cần phải sử dụng những lời sáo rỗng. Nó sẽ cung cấp cho bạn lợi thế duy nhất khiến bạn khác biệt với những ứng viên khác.
Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress