Sẵn sàng du học – Cho con du học sớm từ bậc THPT phụ huynh Việt đã chắc mình biết rõ về chương trình học của con cũng nhưng khả năng đạt visa khi đưa con du học Anh. Hy vọng chuỗi bài viết này về chủ đề học tập sẽ giúp ích được cho các bạn học sinh đang học phổ thông và quý vị phụ huynh.
Chương trình học phổ thông ở Anh – England và Wales có thể chia làm ba giai đoạn. Trẻ con bắt đầu đi học lớp 1 lúc 5 tuổi. Học đến hết lớp 7 tức là khoản 11 tuổi thì sẽ hết chương trình tiểu học. Trước đây khi học hết tiểu học còn phải trải qua kỳ thi 11 Plus, nhưng sau này người ta bỏ kỳ thi này đi vì tạo nhiều áp lực cho học sinh nhỏ tuổi, và tạo sự phân hoá trong xã hội. Chương trình cấp hai- Secondary school kéo dài bốn năm, từ lớp 8 đến lớp 11, học sinh học 8 đến 10 môn học. Kết thúc năm lớp 11, học sinh khoảng 16 tuổi sẽ phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp cấp hai hay còn gọi là GCSE – General Certificate of Secondary Education. Trước đây kỳ thi tốt nghiệp cấp hai ở Anh còn gọi là kỳ thì O-Level (Ordinary level). Một số nước như Singapore, Sri Lanka, và Hong Kong trước đây vẫn giữ tên gọi O-level cho kỳ thi cấp hai. Những học sinh nào tốt nghiệp cấp hai và có nguyện vọng học tiếp thì sẽ học thêm hai năm lớp 12 và 13 hay còn gọi là A-level (Advance Level). Một số trường trung học sẽ không dạy hai lớp này, mà học sinh phải chuyển qua học tại Sixth Form College hoặc Further Education College. Trong hai năm A-level các học sinh chỉ học 3 môn học để chuẩn bị cho chương trình đại học sau này. Những ai thích học ứng dụng, hoặc thể thao, hoặc học nghề thì không nhất thiết phải học chương trình A-level vì có nhiều chương trình thú vị khác để học.
Các trường ở Anh chỉ được phép dạy nhưng không được ra đề thi hay chấm thi. Vì các việc ra đề thi và chấm thi thuộc thẩm quyền của các tổ chức chuyên phụ trách việc cấp bằng và giám sát chất lượng hay còn gọi là Awarding bodies. Các trường học có thể đăng ký làm bài thi với một hoặc nhiều awarding bodies. Ví dụ một trường trung học có thể đăng ký môn toán, lý, hoá với tổ chức AQA, môn văn, lịch sử với Cambridge exams hoặc Edexcel. Nói chung đăng ký với tổ chức nào cũng được miễn là thuận tiện dễ làm việc cho trường. Không có chuyện bài thi của tổ chức này sẽ dễ hoặc khó hơn tổ chức kia. Các tổ chức này ngoài việc cấp bằng và giám sát chất lượng còn có nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế chương trình dạy sao cho cập nhật với những thay đổi của xã hội. Nói chung chương trình dạy học ở Anh thay đổi, cập nhật liên tục, khoản 3-5 năm là có sự khác biệt khá nhiều.
Vậy ai sẽ chấm thi và kết quả được công bố ra sao? Đến ngày thi có thể hiểu đơn giản là awarding bodies sẽ gởi một túi đề bài đến trường, rồi trường giám sát cho học sinh thi, sau đó gởi trả lại bài làm cho awarding bodies. Dĩ nhiên là có rất nhiều bài thi có thể thi trên máy tính nên cũng không nhất thiết làm theo kiểu thủ công. Các giáo viên nếu muốn kiếm thêm thu nhập có thể học và thi một khoá làm người chấm bài-examiner. Người ta sẽ gởi bài thi đã cắt phách tới cho giáo viên chấm. Thường là các bài thi sẽ được chấm hai lần bởi hai examiner khác nhau. Ngoài ra giáo viên cũng có thể thi thêm chứng chỉ moderator tức là giám sát chất lượng. Sau khi bài thi đã được chấm hai lần, người moderator sẽ lấy bài ra kiểm tra thêm nữa để xem có đồng ý với kết quả không. Nói chung quá trình chấm thi và kiểm tra chéo rất dài mất khoảng gần hai tháng. Người ta sẽ ấn định một ngày chung để thông báo kết quả trên toàn quốc. Năm 2020 ngày thông báo kết quả của kỳ thi A-level là 13/8, và của kỳ thi GCSE là ngày 20/8.
Vì Anh quốc rất giỏi trong việc làm giám sát chất lượng và chuyển giao công nghệ giáo dục nên khoảng 50% các trường trung học quốc tế trên thế giới sẽ chọn dạy chương trình của Anh. Kỳ thi tốt nghiệp cấp hai ở các trường quốc tế sẽ có tên gọi IGCSE tức là International GCSE, bằng tốt nghiệp thường là do một tổ chức khảo thí ở Anh cấp, ví dụ như University of Cambridge Exams/Assessment. Các nước như Singapore cũng dạy chương trình tương tự như của Anh.
Còn nói chuyện kỳ thi phổ thông GCSE ở Anh bây giờ dễ hay khó có thể tham khảo một số câu như sau:
1. Môn Lịch sử: Điều nào sau đây là lý do quan trọng hơn? Tại sao người Mỹ da trắng đi qua The Great Plains- Đại Bình nguyên trong những năm 1840 và 1850: tôn giáo hoặc cơ hội kinh tế? (Which of the following was the more important reason why white Americans travelled across the Great Plains in the 1840s and 1850s: religion or economic opportunity?)
Các thí sinh được yêu cầu giải thích câu trả lời của họ với tham chiếu đến cả hai lý do, và dự kiến sẽ trả lời câu hỏi trong khoảng 15 phút.
2. Môn Địa lý: Đối với một môi trường sa mạc nóng hoặc môi trường lạnh mà bạn đã nghiên cứu, môi trường đó cung cấp cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển đến mức độ nào? (For a hot desert environment or cold environment you have studied, to what extent does that environment provide both opportunities and challenges for development?)
Câu hỏi này chiếm 10% số điểm trong bài kiểm tra, thí sinh nên dành khoảng chín phút để trả lời.
3. Môn Kinh tế học: Có đạo đức không khi các nước đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc, chỉ có một mục đích là tăng trưởng kinh tế nhanh chóng? (Is it ethical for developing countries, such as China, to aim for rapid economic growth?)
Câu hỏi này có giá trị 20% số điểm, các thí sinh dự kiến sẽ dành khoảng 15 phút để trả lời.
4. Môn Âm nhạc: Giải thích về cách Haydn đã sử dụng các yếu tố âm nhạc để tạo ra cảm giác về sự cân bằng trong chương hai của bản nhạc. (Explain how Haydn has used musical elements to create a sense of “balance” in the second movement.)
Tác phẩm được chơi cho các thí sinh là một trích đoạn Haydn Trumpet Concerto do nghệ sĩ Alison Balsom biểu diễn. Câu hỏi này có giá trị tám điểm, và các thí sinh dự kiến sẽ dành khoảng tám phút rưỡi để trả lời.
Khánh Ngọc (SSDH)