Căng thẳng Mỹ – Trung “ám ảnh” sinh viên Trung Quốc

0

Sẵn sàng du học – Không chỉ nhiều ngành sản xuất và các công ty tư nhân lâm vào tình trạng“điêu đứng”, nhiều cử nhân tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc cũng đang đứng trước triển vọng việc làm mờ mịt do thị trường tuyển dụng “đóng băng” vì ngấm đòn chiến tranh thương mại.

Cơn “ác mộng” bất ngờ

Tan Shinyang (24 tuổi) là một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Khoa học Sinh học và Kỹ thuật Y tế – một trong những chuyên ngành hàng đầu của Đại học Beihang – một trong những trường thuộc top những trường danh tiếng nhất nhì Trung Quốc và được thế giới đánh giá ngang ngửa với Viện Khoa học Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Hiển nhiên, với một nền tảng như vậy, Tan Shinyang nhận được rất nhiều lời mời từ các nhà tuyển dụng ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Cuối cùng, Tan quyết định đến Thâm Quyến để nhận vị trí chuyên viên nghiên cứu tại Mindray – một trong những tập đoàn sản xuất thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc.

Với tâm lý an tâm rằng mình sẽ có một công việc “nhiều người mơ ước” ngay sau khi tốt nghiệp, Tan quay trở lại Đại học Beihang để hoàn thành nốt chương trình học. Tuy nhiên, Tan không hề lường trước được cơn “ác mộng” bất ngờ đang chờ đón mình.

Tháng 12/2018, tình hình chuyển biến đột ngột khi Tập đoàn Mindray thay đổi kế hoạch tuyển dụng, vị trí công việc được đề xuất cho Tan bị hủy bỏ. Mindray hứa sẽ bồi thường cho Tan khoảng 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 727 USD), chỉ bằng 1/3 tháng lương trung bình của Tan. 

Nhiều sinh viên tốt nghiệp tại Trung Quốc đang đứng trước triển vọng việc làm mờ mịt do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. (Nguồn: AFP)

Nhiều sinh viên tốt nghiệp tại Trung Quốc đang đứng trước triển vọng việc làm mờ mịt do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. (Nguồn: AFP)

Sự thay đổi bất ngờ khiến cuộc sống của Tan hoàn toàn bị đảo lộn. “Giờ tôi lại phải quay lại tìm việc từ đầu. Trước đây tôi không hề bận tâm đến tình trạng suy thoái kinh tế nhưng giờ tôi đã thấm thía mình đang là một nạn nhân của nó”, Tan than thở.

Tan không phải là sinh viên duy nhất hứng chịu hậu quả của chiến tranh thương mại. Giống như Tan, Eric Li cũng nhận lời mời làm việc tại Mindray với mức lương dự kiến hằng năm khoảng 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 29.000 USD)/năm. Khi biết Mindray tuyên bố dừng tuyển dụng, Eric Li cảm tưởng như giấc mơ của mình đã vỡ vụn. “Tôi định tiết kiệm để chuẩn bị cưới vợ và mua một căn hộ nhỏ ở Thâm Quyến. Và bây giờ mọi thứ đều biến mất”, Eric Li tâm sự.

Mindray cho biết, Tập đoàn đã ký các thỏa thuận tuyển dụng dự kiến với 485 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ khoảng 50 trường đại học ở Trung Quốc kể từ tháng 9/2018. Nhưng cuối tháng 12, công ty đã quyết định chấm dứt 254/485 hợp đồng đã ký trước đó.

Thành lập từ năm 1991, Tập đoàn Mindray hiện có khoảng 7.000 nhân viên trên toàn cầu, công bố lợi nhuận 2,6 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2017 với doanh thu 11,2 tỷ Nhân dân tệ. Mindray cũng là công ty nhận được 13% doanh thu từ thị trường Bắc Mỹ năm 2017.

Theo quy định của Trung Quốc, thỏa thuận giữa sinh viên và người sử dụng lao động tiềm năng là một dạng hợp đồng thỏa thuận, không phải hợp đồng lao động chính thức. Do đó, các nhà tuyển dụng có thể chấm dứt hợp đồng hợp pháp sau khi các sinh viên đồng ý với điều khoản. Tuy nhiên, việc các nhà tuyển dụng Trung Quốc chấm dứt hợp đồng với hàng trăm sinh viên cùng một lúc là trường hợp rất hiếm gặp. 

Tương lai mịt mờ

Báo cáo về tình trạng thất nghiệp chính thức tại Trung Quốc mới đây cho thấy, số lượng việc làm tương đối ổn định, bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài hàng tháng và những biến động từ thị trường chứng khoán.

Trong 11 tháng đầu năm 2018, đã có thêm 12,93 triệu việc làm, tăng 130.000 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát về tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc vào tháng 11/2018, tỷ lệ này đã giảm xuống 4,8% sau khi tăng lên 4,9% trong tháng 10.

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường tuyển dụng dường như đang cách khá xa so với những con số thống kê chính thức. Sự gia tăng số lượng các công ty thông báo “đóng băng” tuyển dụng và dự định cắt giảm việc làm ngay cả trong những lĩnh vực “hot” như công nghệ cao hay tài chính cho thấy bức tranh thị trường việc làm của Trung Quốc đang khá ảm đạm.

Chỉ trong vòng 5 tháng đã có khoảng 2 triệu yêu cầu tuyển dụng biến mất khỏi trang 51job.com - trang web tuyển dụng hàng đầu của Trung Quốc. (Nguồn: CCTV News)

Chỉ trong vòng 5 tháng đã có khoảng 2 triệu yêu cầu tuyển dụng biến mất khỏi trang 51job.com – trang web tuyển dụng hàng đầu của Trung Quốc. (Nguồn: CCTV News)

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2019, dự kiến sẽ có khoảng 8,34 triệu sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2009. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ trở lại đây.

Song Xuetao, chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán Tianfeng cho biết, chỉ trong vòng 5 tháng đã có khoảng 2 triệu yêu cầu tuyển dụng biến mất khỏi trang 51job.com – trang web tuyển dụng hàng đầu của Trung Quốc. Những công ty tư nhân có quy mô từ 50 đến 500 nhân sự cũng hiếm khi đăng tin tuyển người vào giai đoạn này.

Sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu tuyển dụng của rất nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Trung Quốc đã đẩy nhiều thanh niên nước này rơi vào tâm lý hoang mang, lo lắng. Nhiều người bắt đầu chuyển hướng sang tìm các công việc với mức lương thấp nhưng ổn định tại các cơ quan thuộc Chính phủ hoặc các doanh nghiệp Nhà nước.

“Một tập đoàn lớn như Mindray còn phải chấm dứt hàng loạt hợp đồng như vậy thì những công ty nhỏ sẽ phải xoay xở như thế nào?Tương lai việc làm của chúng tôi thật mờ mịt”, Joan Liu – một sinh viên khác cũng vừa bị Mindray chấm dứt hợp đồng buồn bã chia sẻ. 

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Quốc Tế

Share.

Leave A Reply