Hàng nghìn sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi trường đại học Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Những năm qua, hàng nghìn sinh viên Trung Quốc ở Mỹ bị đuổi học vì kết quả yếu kém hoặc gian lận trong tuyển sinh.

"Ông trùm" đường dây gian lận thi cử William “Rick” Singer. Ảnh: Bloomberg.

"Ông trùm" đường dây gian lận thi cử William “Rick” Singer. Ảnh: Bloomberg.

6,5 triệu USD cho một suất học tại ĐH Stanford hay 1,2 triệu USD để vào ĐH Yale là 2 trường hợp đáng chú ý trong vụ án gian lận tuyển sinh gây chấn động nước Mỹ vừa bị phanh phui hồi tháng ba.

Cả 2 sinh viên bị đuổi học đều là người Trung Quốc, nơi vốn nổi tiếng với "nỗi ám ảnh" du học Mỹ, cũng như hàng loạt vụ sinh viên bị đuổi vì kết quả kém hoặc gian lận.

Gian lận, học kém

Trong đường dây mua suất vào trường cho con trị giá 25 triệu USD của William "Rick" Singer, 2 trường hợp bị đuổi học được xác nhận là du học sinh Trung Quốc, gồm Zhao Yusi, người trúng tuyển ĐH Stanford nhờ 6,5 triệu USD, và Sherry Gou – nữ sinh bước vào ĐH Yale với 1,2 triệu USD "lót đường".

Ngay trong tháng 3, Mỹ cũng phát hiện đường dây gian lận thị thực do Liu Cai – du học sinh Trung Quốc – cầm đầu, với sự tham gia của 4 người Mỹ gốc Hoa khác.

Những người này nhận tiền từ các "khách hàng" giàu có, làm giả hộ chiếu và thi hộ để họ vượt qua kỳ thi tiếng Anh, được cấp thị thực du học.

Từ năm 2015, nhóm này đã nhận tiền để làm visa trái phép cho 14 công dân Trung Quốc. 40 sinh viên đã “hưởng lợi từ thủ đoạn của Liu” để có thể theo học những trường hàng đầu như UCLA, ĐH Columbia, ĐH New York.

Những người cần thi hộ đều kém tiếng Anh. Dùng tiền để thuê người thi hộ, họ có suất học tại các đại học Mỹ nhưng không thể theo kịp chương trình học.

Khi số lượng du học sinh Trung Quốc tăng vọt, các giáo sư ĐH California ở Santa Barbara thường xuyên phàn nàn về trình độ tiếng Anh của những người này. Khả năng giao tiếp hạn chế khiến họ học hành không tốt, gây sức ép lớn lên hiệu quả công việc giảng dạy của giáo sư.

Năm 2016, đường dây gian lận thi cử tinh vi tại ĐH Iowa, Mỹ, bị phát hiện buộc trường phải tiến hành điều tra ít nhất 30 du học sinh. Dịch vụ gian lận này được quảng cáo bằng tiếng Trung. Theo đó, du học sinh chỉ cần trả 1.000 USDmỗi khóa học sẽ có người thi và làm bài luận hộ. 

Năm 2015, 15 công dân Trung Quốc bị buộc tội vì tham gia vào đường dây thi hộ SAT và các kỳ thi đại học tại phía tây bang Pennsylvania từ năm 2011. Một trường hợp khai đã nhận 6.000 USD để thi hộ thí sinh khác.

Trước đó một năm, 8.000 du học sinh nước này bị buộc thôi học. Trong đó, khoảng 81% bị đuổi vì kết quả học tập yếu kém hoặc gian lận trong thi cử, nghiên cứu.

Du học không bằng thực lực

Du học sinh Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng số sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ. Đây là nguồn thu lớn đối với ngành công nghiệp giáo dục hàng đầu thế giới. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ, cũng như thế giới, nhờ thực lực. 

Chỉ cần cha mẹ chi số tiền lớn, du học sinh Trung Quốc rộng cửa vào đại học Mỹ. Ảnh: New York Times.

Chỉ cần cha mẹ chi số tiền lớn, du học sinh Trung Quốc rộng cửa vào đại học Mỹ. Ảnh: New York Times.

Khi chia sẻ với cộng đồng mạng về thành tích trúng tuyển Stanford, Zhao Yusi nhấn mạnh cô vào trường nhờ khổ công học hành. Hai năm sau bài "chém gió" mạnh bạo, con gái đại gia bị đuổi khỏi trường vì hóa ra, suất học của cô được mua bằng 6,5 triệu USD

Không chỉ Zhao Yusi, Sherry Gou hay 40 sinh viên kiếm được thị thực nhờ đường dây thi hộ do Liu Cai cầm đầu, hàng nghìn người trẻ Trung Quốc đặt chân vào đại học Mỹ nhờ tiền của bố mẹ.

Theo Foreign Policy, nỗi ám ảnh du học Mỹ của phụ huynh Trung Quốc biến tư vấn du học thành thị trường trị giá 3,9 tỷ USD ở nước này năm 2016. Nhiều công ty có hẳn dịch vụ trọn gói, từ “gợi ý” viết luận, ôn thi, định hướng trường để nộp hồ sơ, lên kế hoạch học tập, “chuốt” hồ sơ, cam kết 99% trúng tuyển.

Một gia đình thậm chí chi đến 90.000 USD để con được "tư vấn" trong quá trình làm hồ sơ và cam kết trúng tuyển 5 trường thuộc top 60.

Khoản tiền phong phú này giúp con họ thoải mái hưởng thành quả khi công ty gần như lo từ A đến Z với việc sửa bài luận, đưa hoạt động ngoại khóa vào hồ sơ, ứng tuyển trường nào, ôn thi SAT hoặc ACT cho thí sinh.

“Đó là nỗi xấu hổ thực sự. Các hành vi trái đạo đức diễn ra rầm rộ trong quá trình phụ huynh gửi con du học. Họ coi viết hộ bài luận là trách nhiệm của công ty du học”, Nini Suet, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty tư vấn giáo dục Shang Learning, nói.

Chuyên gia này cho biết thêm nhiều phụ huynh bỏ qua công ty của bà khi biết con họ phải tự viết bài luận cho hồ sơ ứng tuyển.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News

Share.

Leave A Reply