Sẵn sàng du học – Còn tôi, tuy không theo một tôn giáo nào, tôi luôn tin vào hai chữ “nhân duyên”. Tôi tin rằng, tôi và bác gặp nhau, biết đến nhau, trở thành bạn của nhau, tất cả là vì cái duyên. Ngẫm thấy thật đúng bởi chỉ cần chạy chậm một phút thôi, tôi đã lỡ chiếc xe bus 61 rồi. Nếu thế tôi đã chẳng thể gặp được bác…
“Nhanh lên. Tớ không muốn phải đứng đợi xe bus thêm 30 phút nữa đâu”.
Thoáng thấy bóng chiếc xe bus số 61, tôi vội chạy và giục thằng bạn Hàn Quốc đang đủng đỉnh ngắm những bụi hoa dại đỏ rực ven đường. Vừa chạy, tôi vừa nghĩ đến những bài văn tả cảnh hồi tiểu học, và bất giác mỉm cười. Hồi ấy, dù thời tiết có đang nắng hay mưa, bầu trời trong các bài văn của tôi lúc nào cũng hiện lên thi vị và lạc quan “ Trời trong xanh không một gợn mây”.
Phải chăng, tôi đang tả bầu trời Arizona hôm nay? Rất xanh. Rất trong. Các đám mây trốn lẩn khuất đâu đó, tôi chẳng biết. Ngày nhỏ, tôi chỉ vô tình quên mất một chi tiết: trời trong xanh không gợn mây thường là người bạn đồng hành lý tưởng với cái nắng chói chang.
Vừa dứt dòng suy nghĩ, tôi đã thấy đôi chân mình chạm bến đợi xe bus. May quá, bác tài xế thấy tôi vẫy tay từ xa, nên đã dừng lại đợi chúng tôi.
Tôi và thằng bạn Hàn Quốc (tôi và nó học cùng lớp và thật tình cờ, cùng ở một khu chung cư) chợt thèm nấu những bữa ăn đậm chất quê hương. Cuối tuần, tôi và nó rủ nhau đi siêu thị Lee Lee International Market- một siêu thị chuyên bán đồ Á- ở phía Tây thành phố.
Trên xe bus, tôi và nó thay nhau kể về những món ăn ngon nổi tiếng của đất nước mình. Phở bò. Phở gà. Bánh cuốn. Bún đậu. Canh cá chua. Cơm rang dưa bò. Ôi, tôi chợt nhận ra tôi yêu những món ăn này biết bao nhiêu. Nó thì lại khiến tôi khát khao được đến thăm Seoul lần nữa để thưởng thức Kimchi, Kimbap, canh rong biển, canh gà. Bất chợt tôi và nó im lặng. Phải chăng, kỷ niệm, mùi vị, màu sắc quê hương đang bám víu vào những món ăn để len lỏi vào hiện tại của tôi và nó.
Để ngăn không cho bản thân chìm đắm trong cảm xúc về quê hương, tôi đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh thành phố lướt nhanh ngoài cửa sổ. Bất chợt tôi nhận ra, thành phố dưới cái nắng chói chang hiện lên thật đẹp và thơ mộng. Nắng dường như làm rực rỡ hơn những sắc màu tươi mát của hoa dâm bụt, hoa xương rồng và đám hoa dại nhỏ xíu mọc ven đường. Khi xe bus lướt qua bụi hoa dại đỏ rực dưới nắng trưa, tôi và nó bất ngờ thốt lên “Đẹp quá”. Tôi phá lên cười vì sự trùng hợp này.
Siêu thị Lee Lee nằm ngay cạnh bến đỗ của xe bus 61, nên chỉ cần đi bộ ba phút, tôi và nó đã có mặt bên trong siêu thị . Lấy một chiếc xe đẩy to, tôi và nó đi thẳng đến khu rau và hoa quả tươi. Chao ôi, phải chăng tôi đang đi siêu thị ở Việt Nam?. Thì là. Tía tô. Bầu. Đu đủ. Mướp. Cải xoong. Có loại rau quả nào ở Việt Nam mà tôi không thể tìm thấy ở đây đâu. Tôi cứ mải chọn mà quên mất thằng bạn. Một lúc sau, quay sang tìm, nó đã biến đâu mất rồi.
“Này, cậu đang ở đâu thế?”, tôi gọi cho nó.
“Tớ vừa gặp một người phụ nữ hay lắm, bác ấy đang chỉ dẫn tớ mấy thứ. Xuống quầy gạo đi”.
Người phụ nữ ấy mặc một chiếc áo sơ mi đỏ nhạt, quần jean xanh và đi một đôi giày thể thao xanh nhẹ pha vàng. Trông bác năng động đúng kiểu Mỹ. Bác đậm người với mái tóc vàng, ngắn, ôm trọn khuôn mặt. Bác nhìn trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 49. Vừa thấy tôi, bác nở một nụ cười thật tươi:
“Bác là Kelly, bác đã từng làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Quận 7 cháu ạ. Bác rất thích Việt Nam. Bác cũng đã từng sống và làm việc ở Hàn Quốc nữa. Thật vui khi được gặp hai cháu”.
Bất ngờ quá, tôi cứ ngoác miệng cười. Ai có thể tin được rằng, ở một thành phố cách xa Việt Nam thế này, tôi lại tình cờ gặp một người Mỹ đã từng sống, hiểu và yêu thích Việt Nam.
“Siêu thị Lee Lee này là địa chỉ số một để mua thực phẩm Việt Nam. Còn địa điểm tốt nhất để mua đồ Hàn Quốc không phải ở đây. Các cháu mua đồ xong, bác sẽ chở hai cháu đến siêu thị đó. Sau đó, bác muốn mời hai cháu ăn trưa và đưa hai cháu về khu chung cư”.
Tôi và thằng bạn Hàn Quốc cảm thấy vừa vui, vừa ngại. Chúng tôi không muốn làm phiền bác- một người vừa quen biết. Ấy thế nhưng, tôi tin bác. Có lẽ đôi mắt hiền, khuôn mặt trẻ trung, phúc hậu của bác đã chiếm được cảm tình của tôi.
Tôi bẽn lẽn hỏi bác: “Bác có chắc sẽ có thời gian đi cùng tụi cháu không ạ?”
“Đó là vinh hạnh của bác (it is my pleasure). Bác rất hiểu cảm giác và lo lắng của các cháu- những người mới chuyển đến sống ở một đất nước xa lạ. Bác đã ở vào hoàn cảnh của các cháu. Bác thật lòng muốn giúp các cháu”.
Trên đường chở chúng tôi đến cửa hàng Hàn Quốc, tôi có cơ hội hiểu hơn về bác. Bác hiện là giáo viên tại một trường tiểu học ngay cạnh khu chung cư tôi đang ở. Bác đã từng sống, làm việc ở Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bác quay về Mỹ để được gần và chăm sóc bố mẹ vì hai cụ đã nhiều tuổi.
Bác cho chúng tôi rất nhiều lời khuyên bổ ích về cuộc sống ở Tucson. Bác lái xe qua từng địa điểm của thành phố, và luôn miệng nhận xét “khu này không an toàn để đi bộ vào buổi tối”, “khu này an toàn, cháu có thể thoải mái đi lại mà không lo sợ gì”, “còn đây là nơi dành cho giới giàu có, toàn nhà hơn một triệu đô cả, ở đây rất an toàn”, vân vân và vân vân.
Bác còn cẩn thận ghi lại cho chúng tôi một số “tips” để mua được đồ ngon ở siêu thị, thông tin về giá cả và các chương trình khuyến mại của siêu thị. Bác nói để sống sót được ở Mỹ, tôi và thằng bạn phải hiểu rõ hệ thống y tế, và bảo hiểm vô cùng phức tạp của đất nước này. Khi tôi nói rằng, các điều khoản trong gói bảo hiểm của tôi quá dài và khó hiểu, bác đề nghị được đọc và giải thích những chỗ tôi còn băn khoăn. Bác còn chia sẻ với chúng tôi những chuẩn mực văn hoá và giao tiếp của người Mỹ, đặc biệt người Mỹ ở Arizona.
Sau đó, bác mời tôi và thằng bạn ăn trưa tại nhà hàng Hàn Quốc lâu đời nhất Tucson.
Tôi sớm nhận ra, bác là một người phụ nữ hài hước. Bác kể rằng, bác đã từng kết hôn với một người Mỹ gốc Hàn.
“Ông ấy chỉ mang hình dáng của một người Hàn Quốc, còn lại mọi thứ của ông ấy: phong cách, tiếng Anh, tư tưởng, cách nói năng đều đậm chất Mỹ. Bác chưa bao giờ nghĩ ông ấy là một người Hàn”. Bác vừa cười vừa nói.
“Khi sống ở Hàn, hai bác có gặp khó khăn gì không?”. Thằng bạn Hàn Quốc rất tò mò về việc này. Nó từng tâm sự với tôi rằng, bắt gặp một người phụ nữ da trắng và một người đàn ông Hàn tay trong tay trên đường phố Seoul là một điều vô cùng hiếm.
“Hai lăm năm trước, lúc còn trẻ và mặn nồng, bác và ông ấy đến thăm Hàn Quốc lần đầu tiên. Có một chuyện đáng xấu hổ đã xảy ra. Một lần, một cảnh sát đã trông thấy ông ấy nắm tay và hôn bác trên đường. Lập tức, vị cảnh sát đó chạy đến bắt giữ ông ấy và xin lỗi bác, vì cho rằng bác- một phụ nữ nước ngoài- đã bị một người đàn ông Hàn Quốc …sàm sỡ. Bác buộc phải về khách sạn lấy hộ chiếu của ông ấy để chứng mình ông ấy là người Mỹ và rằng hai bác là vợ chồng”. Giọng nói và ánh mắt của bác dường như đang hướng về một quá khứ xa xôi.
“Nếu hai cháu cần bất cứ điều gì: một lời khuyên hay cần đi đâu, hãy gọi cho bác. Sang tháng, bác sẽ mời cháu đến nhà bố mẹ bác, họ nấu ăn rất ngon. Cháu hãy nhớ một điều: nếu một người Mỹ muốn kết bạn với cháu, đơn giản là vì họ yêu quý cháu thật lòng, và họ thật tâm muốn làm bạn với cháu. Họ không mong đợi cháu phải đền đáp gì đâu”. Bác nói khi chúng tôi vừa trao nhau cái ôm tạm biệt.
“Vì sao bác lại tốt với bọn cháu thế?”. Không ngăn được sự tò mò của tâm trí, cái miệng tôi bất ngờ bật lên câu hỏi.
“Vì khi ở Việt Nam và ở Hàn Quốc, ai cũng tốt với bác. Ngày đầu tiên đến Việt Nam làm việc, bác đã bị cướp điện thoại. Bác rất lo lắng bởi bác không thể nói được tiếng Việt. Bác thậm chí không nhớ được tên, địa chỉ nơi ở và nơi làm việc vì bác đã lưu hết vào điện thoại.
Bất ngờ một người đàn ông đã gọi giúp bác taxi, và nhờ tài xế Taxi đưa bác đến một cửa hàng điện thoại giá rẻ nơi bác có thể mua một chiếc dùng tạm. Mọi người ở cửa hàng điện thoại cũng rất tốt với bác, họ cho bác dùng nhờ internet để bác tìm địa chỉ cơ quan. Bác taxi thậm chí còn không lấy tiền của bác. Bác, thật sự, đã gặp rất nhiều người tốt ở Việt Nam”.
“Thật may mắn vì cháu đã gặp bác ở đây”. Tôi nói trong xúc động.
“Bác tin rằng đó là mong muốn của chúa. Chúa đã gửi bác đến để chăm sóc, và giúp đỡ các cháu. Hãy coi bác như một người mẹ ở Mỹ”.
Thằng bạn Hàn Quốc nhẹ nhàng gật đầu. Còn tôi, tuy không theo một tôn giáo nào, tôi luôn tin vào hai chữ “nhân duyên”. Tôi tin rằng, tôi và bác gặp nhau, biết đến nhau, trở thành bạn của nhau, tất cả là vì cái duyên. Ngẫm thấy thật đúng bởi chỉ cần chạy chậm một phút thôi, tôi đã lỡ chiếc xe bus 61 rồi. Nếu thế tôi đã chẳng thể gặp được bác!
Tác giả Trương Thanh Mai – (Nghiên cứu sinh ngành Chính sách công, ĐH Arizona, Mỹ)
Thái Hải (SSDH) – Theo Dân trí