Để việc học tiếng Anh bớt nhàm chán bằng trò chơi điện tử

0

SSDH – Đạt điểm 7.0 trong kỳ thi IELTS gần đây, Võ Phương Tú cho biết một phần vốn tiếng Anh của mình đến từ việc chơi điện tử.

 

Võ Phương Tú đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Tiếng Anh tại Đại học Công Nghệ TP HCM. Bạn đã đạt nhiều giải thưởng của trường, bao gồm giải nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh năm 2014. Cũng trong năm đó, bạn đã thực hiện đề tài nghiên cứu mang tên: “Sử dụng trò chơi điện tử làm động lực học tiếng Anh cho trẻ em”. Trong đợt thi IELTS mới đây, Tú đã đạt được số điểm 7.0. Tú đã viết một chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh thông qua trò chơi điện tử của mình.

 choi-dien-tu.jpg

Chơi game qua tiếng Anh là cách học lạ nhưng hiệu quả với một số người.

 

Từ một học sinh yếu tiếng Anh, tôi đã trở thành một sinh viên xuất sắc ngành Ngữ văn Anh tại trường đại học. Tất cả đều nhờ vào một quá trình lâu dài tiếp xúc với tiếng Anh.

 

Tiếng Anh đối với tôi là một ác mộng những năm trung học cơ sở. Khi ấy, mặc dù là học sinh giỏi nhưng hễ nói đến môn Anh văn thì tôi chỉ mong vượt qua điểm 6,5. Một trong những bước ngoặt lớn nhất của tôi là vào kỳ nghỉ hè để chuẩn bị bước vào năm lớp 9. Lúc đấy, tôi vẫn nhớ rõ mình quyết tâm học tiếng Anh. Lý do chỉ là để… chơi game một cách thoải mái, dễ chịu.

 

Thế rồi trong suốt mùa hè đó, tôi cố gắng sử dụng từ điển để tra tất cả những từ vựng học được trong game. Sau một tháng, tôi đã có thể dừng việc sử dụng từ điển, vì tôi nhận ra rằng cái tôi cần là nghĩa của từ, và đó chính là những hình ảnh trong game.

 

Khi vào lớp 9, tôi đã đạt được tiến bộ rõ rệt. Tôi tự tin trả lời các câu hỏi trong môn học mà tôi vốn kinh sợ. Những từ vựng, cấu trúc đều trở nên quen thuộc. Thậm chí, tôi còn chẳng nhớ các từ đấy mình đọc từ đâu.

 

Suốt năm lớp 9 và những năm cấp 3, tôi liên tục trau dồi vốn từ vựng nhờ vào những trò chơi điện tử. The Sims là một trong những trò yêu thích của tôi, và tôi học được vô vàn những danh từ diễn tả các vật dụng thông thường: Couch, bed, fence, cupboard…. Civilization 4 với hàng tá đoạn văn miêu tả những sự kiện lịch sử. Hay những trò chơi chiến thuật với những câu thoại lặp đi lặp lại liên tục: “For the warchief”, “Alright, bring it on”

 

Tất cả những từ ngữ, câu nói được lặp đi lặp lại liên tục, và tôi tiếp xúc với chúng hằng ngày, thậm chí còn nhiều hơn cả tiếng mẹ đẻ. Điều tôi thích nhất chính là nghĩa của từ đã được minh họa sẵn trong trò chơi, khiến tôi nhớ rất lâu. Dĩ nhiên, tất cả những trò mà tôi chơi đều là tiếng Anh. Mục tiêu chính của tôi khi chơi game vẫn là để học chứ không phải là đắm chìm vào trò chơi.

 

Thế rồi trong suốt cấp 3, với quá trình học-mà-chơi liên tục như vậy, tôi đã trở thành học sinh xuất sắc của lớp với điểm số ít khi nào dưới 8,5. Một thành tích như vậy cũng có một cái giá khá đắt, đó là tôi đã thụt lùi đối với các môn toán, lý, hóa mà mình vốn là học sinh giỏi năm nào.

 

Tuy vậy, với khả năng tiếng Anh đã thấm nhuần suốt nhiều năm “cọ xát”, tôi đã có thể thi vào chuyên ngành tiếng Anh. Trong suốt 4 năm đại học, tôi liên tục tiếp thu những cấu trúc hay mà mình thấy trong game, thường lặp đi lặp lại những câu nói trong các trò chơi chiến thuật, chẳng hạn như: “If a mouse farts in this mine field, it will blow us sky high”. Lúc rảnh, tôi sử dụng kiến thức đã học để phân tích những câu phức tạp như vậy.

 

Đến bây giờ, tôi tự hào là một người có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh, nắm vững các cấu trúc và thậm chí là những tiếng từ lóng.

 

Xin nhắc lại với các bạn là tôi đã trải qua một quá trình tiếp xúc khá lâu dài để có thể đạt được thành công với “công cuộc” học tiếng Anh của mình. Điều tôi muốn chia sẻ với các bạn chính là cách học để bớt nhàm chán. Để học một ngôn ngữ, kiên trì vẫn là chủ yếu.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply