Du học sinh Việt Nam đến Nhật Bản cần phải biết những điều này

0

Sẵn sàng du học – Nhật Bản hiện là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi đến đây, học sinh, sinh viên người Việt cần phải biết rõ những thông tin quan trọng sau.

1. Nước máy tại Nhật có thể uống ngay. Hệ thống lọc nước máy của Nhật rất khoa học và bảo đảm. Tuy nhiên, phần lớn người Nhật cho rằng nước máy không ngon và họ thường mua nước tinh khiết đóng chai.

2. Nhật Bản hầu như không mất điện.

3. Nhật Bản là quốc gia duy nhất bạn không lo đói, kể cả giữa đêm khuya. Các quán ăn như Matsuya, Yoshinoya… mở cửa 24 giờ, các cửa hàng tiện lợi (kombini) và một số siêu thị cũng mở cửa 24 giờ, 365 ngày một năm.

4. Nhật Bản là nước an toàn nhất trên thế giới. Bạn có thể đi dạo vào giữa đêm khuya trên một con đường vắng. Người Nhật có thói quen lịch sự là đi cách xa bạn (hoặc lùi sau hẳn, hoặc tiến lên hẳn) để không làm bạn lo lắng về sự an toàn cá nhân. Khi vượt ngang nhau họ cũng đánh vòng rất xa để tránh gây phiền về tâm lý cho bạn.

Một con đường xinh đẹp của Nhật Bản -Ảnh: Internet

Một con đường xinh đẹp của Nhật Bản -Ảnh: Internet

5. Người Nhật mê truyện tranh, bất kể tuổi tác. Lý do: Đi tàu chẳng biết làm gì ngoài đọc truyện tranh giết thời gian.

6. Phần lớn người Nhật sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại. Họ đi bộ ra ga, lên tàu, xuống tàu ra khỏi ga và đi bộ tới trường hoặc nơi làm. Tàu điện tại Nhật chính xác từng phút. Điều này khác châu Âu hay Mỹ và tất nhiên là cả tàu hỏa của Việt Nam chúng ta. Một ngày trung bình người Nhật dành 1 giờ đến 3 giờ ngồi trên tàu để đi học và đi làm.

Ở Nhật Bản có nhiều hệ thống nhà ga rất hiện đại -Ảnh: Internet

Ở Nhật Bản có nhiều hệ thống nhà ga rất hiện đại -Ảnh: Internet

7. Không khí tại Nhật rất trong lành. So với các thành phố lớn của Trung Quốc hay Việt Nam thì Nhật Bản là thiên đường về không khí sạch.

8. Ở Nhật, bạn không lo về vấn đề nhà vệ sinh. Chỉ cần vào bất cứ siêu thị thực phẩm, siêu thị điện máy hay trung tâm thương mại là sẽ có.

9. Ở Nhật không thiếu các công viên để các bạn nghỉ ngơi, thư giãn. Trong mọi khu dân cư đều có công viên.

10. Xe đạp ở Nhật có thể dựng ở siêu thị, cửa hàng. Tuy nhiên, nếu bạn để vào những chỗ cấm để xe, xe bạn có thể bị phạt.

Khi bạn mua xe đạp ở Nhật, cửa hàng xe đạp sẽ làm "Đăng ký chống mất cắp" cho bạn với giá 500 yên. Xe bạn sẽ được dán một mã số với thông tin bạn đăng ký. Bạn có thể không làm cũng được.

Nếu bạn không "Đăng ký chống mất cắp" cho xe đạp của bạn, khi xe bị mất, bị tạm giữ do để sai chỗ thì bạn sẽ khó tìm lại được. Ngoài ra, nếu bạn có đăng ký thì khi cảnh sát chặn lại họ sẽ dễ dàng gọi về trung tâm để xác minh đó là xe của bạn.

Nếu xe bạn bị giữ do để sai chỗ, một giấy báo sẽ gửi về địa chỉ đăng ký (khi bạn làm "Đăng ký chống mất cắp") của bạn. Bạn đến địa chỉ lưu xe cùng với giấy tờ tùy thân và nộp phạt (3000 yên/xe) rồi lấy xe về. Nếu bạn không có giấy báo (do đã chuyển địa chỉ chẳng hạn) thì lên mạng tra xem khu vực bạn để xe sẽ bị hốt về bãi xe nào và đến đó tìm.

11. Có cần nhiều tiền để sống tại Nhật Bản không? Chi phí du học Nhật có đắt không? Câu trả lời là "không". Ở Nhật, ngay cả khi bạn du học tại Tokyo bạn vẫn có thể chi tiêu tiết kiệm. Cụ thể bạn có thể thuê nhà 25,000 yên và tự nấu ăn, tổng chi phí không quá 45,000 yên/tháng.

12. Nhật Bản là xã hội thẳng đứng (縦社会 tate shakai), theo nghĩa là người đi trước (先輩 sempai = tiền bối) có quyền tuyệt đối với người đi sau (後輩 kouhai = hậu bối). Kounai phải tôn trọng, lễ phép và làm theo chỉ dạy của sempai. Điều này ở mọi nơi, từ trường đại học, công ty, chỗ làm thêm, câu lạc bộ…

Có rất nhiều các cửa hàng tiện ích trên mọi nẻo đường - Ảnh: Internet

Có rất nhiều các cửa hàng tiện ích trên mọi nẻo đường – Ảnh: Internet

13. Các thành phố lớn của Nhật dùng hệ thống đường ống dẫn ga gọi là "ga thành phố" (都市ガス toshi gasu = đô thị gas) nối trực tiếp đến nhà dân mà không dùng bình. Ở vùng nông thôn thì dùng bình gọi là LP gas (LPガス = eeru pii gasu) nhưng công ty sẽ kiểm tra và thay thường xuyên mà không làm phiền bạn. Khi mua bếp ga, bạn phải kiểm tra cẩn thận xem nhà bạn dùng toshi gasu hay LP gasu vì nếu mua sai sẽ phí tiền đó.

14. Nhật Bản là nhà nước pháp quyền, trong đó mọi người đều tuân thủ tuyệt đối pháp luật. Các cơ quan hành chính của Nhật không hề có nhũng nhiễu, hạch sách. Tất cả đều làm việc chuyên cần, mẫn cán và lịch sự. Đó là đức tính trọng danh dự và trách nhiệm của người Nhật.

15. Điện thoại báo cho gia đình biết bạn đã đến nơi an toàn- Gọi về máy cố định: bấm 00 84 + mã vùng + số cố định. Ví dụ: gọi về Hà Nội, mã vùng là “4”, bạn sẽ bấm 00 84 4 + số cố định của gia đình bạn.

– Gọi về máy di động: bấm 00 84 + số di động (bỏ số 0 đầu tiên). Ví dụ, số di động của gia đình bạn là 090 xxxxxxx thì bạn sẽ bấm: 00 84 90 xxxxxxx. Hoặc liên hệ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản, như Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các văn phòng tư vấn du học của Việt Nam.

Thái Hải (SSDH) – Theo Một thế giới

Share.

Leave A Reply