Sẵn sàng du học – Áp lực tâm lý, khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, môi trường sống khiến không ít du học sinh trầm cảm nặng, thậm chí có ý định tự tử để giải thoát bản thân khi mới bước chân sang xứ người.
Anh Giang Đông ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, con gái lớn của anh học giỏi và quyết tâm du học sớm nên cháu tự ôn luyện tiếng Anh suốt mấy năm. Trước khi lên đường sang Anh để học phổ thông, cháu rất phấn khởi, còn dặn dò bố mẹ ở nhà không phải lo gì cho mình. Ấy vậy mà, chỉ sau một tuần, mỗi lần gọi điện về là cháu khóc, nói nhớ nhà, muốn quay lại Việt Nam. Cháu bảo, sang đây không hợp đồ ăn và nhớ nhà. "Vợ tôi nhớ, thương con nên khóc suốt, bố mẹ tôi thì đứng ngồi không yên quay ra trách móc hai vợ chồng tôi rằng: Con còn trứng nước đã vội cho sang bên Anh để bây giờ nên nông nỗi này. Nó mà ốm hoặc có việc gì ra đó thì ai lo”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Văn Xuân (Bệnh viện Hà Nội) cho biết, ông từng tiếp nhận tư vấn, trị liệu cho nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm phải về nước khi đi du học sớm. Việc các gia đình có điều kiện kinh tế muốn con có môi trường học tập ở các nước tiên tiến nên sẵn sàng đầu tư số tiền lớn. Nhưng không phải ai cũng thành công, thậm chí có người ôm hận.
Trường hợp một cậu học sinh đi du học ở Úc về mà ông từng tiếp nhận tư vấn là một điển hình. Thấy con trai học giỏi xuất sắc, bố mẹ Tuấn Anh ở Đống Đa, Hà Nội cho con sang Úc học khi 15 tuổi. Bố mẹ Tuấn Anh kỳ vọng, sau khi lấy bằng tú tài Úc, con mình sẽ được học tại một trong các trường đại học nổi tiếng ở Úc. Thế nhưng mọi sự không như dự tính. Những ngày tháng đầu cậu hào hứng gọi điện về nhà nhưng sau đó thưa dần.
Hơn một năm sau, bố mẹ có chủ động gọi điện thì Tuấn Anh chỉ trả lời ậm ừ vài tiếng cho qua chuyện, còn không cậu chả mấy khi chủ động gọi về. Không yên tâm về con, bố Tuấn Anh đã phải bay tận sang Úc để thăm con. Ông đau lòng khi thấy Tuấn Anh gầy gò, uể oải mang hình hài của một con nghiện game. Đôi mắt của Tuấn Anh cận nặng đến hơn 6 đi ốp, người gầy còm. Gặp con, bố Tuấn Anh không thể tin vào mắt mình.
Chuyên gia Trịnh Văn Xuân cho biết: “Vì sang Úc, Tuấn Anh không có nhiều bạn chơi nên ít khi ra ngoài. Cậu chơi game để khuây khỏa thời gian và rồi nghiện game khi nào không hay. Khi bố mẹ Tuấn Anh đưa cậu đến gặp tôi thì triệu chứng của Tuấn Anh là hoang tưởng nhẹ”. Vị chuyên gia này còn cho biết thêm, nhiều trường hợp còn đau lòng hơn Tuấn Anh vì ăn chơi đua đòi theo bạn bè mà trở nên hư hỏng và ông cho rằng, du học sớm (từ phổ thông) là một con dao hai lưỡi với các em.
“Nếu các em có đủ thông mình và ý thức tự học tốt thì sẽ sớm hòa nhập vào môi trường giáo dục tốt, phát triển tư duy, sáng tạo và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, rèn tính tự lập… Nhưng nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các em có thể vấp nhiều vấn đề như không thể thích nghi với môi trường và văn hóa nước bạn, không theo kịp chương trình nên sinh ra sợ học, trầm cảm hay dễ đánh mất bản thân dẫn tới đua đòi, ăn chơi. Trầm cảm dễ gặp ở đối tượng du học sinh, nghiên cứu sinh vì người trẻ phải chịu áp lực tâm lý lớn như: khác ngôn ngữ, văn hóa, nỗi nhớ nhà… ', vị chuyên gia này khuyến cáo.
Trong khi đó, anh Trần Ngọc Cảnh hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ cho biết, một số học sinh Việt Nam sang Mỹ du học ở cấp phổ thông phải chuyển trường vì không hòa nhập được với bạn hoặc phải chuyển nhà vì không hợp với lối sống của gia chủ. Thậm chí, bị trầm cảm, phải quay về Việt Nam.
Một nữ sinh ở TP.HCM vốn học giỏi và em tự tạo áp lực cho mình là phải luôn đạt điểm tốt ở trường mới. Tuy nhiên, môi trường học tập tại Mỹ đòi hỏi phải sáng tạo, tư duy chứ không chỉ cần học thêm và học thuộc nhiều như ở Việt Nam. Không đạt được kết quả như ý, em buồn chán, buông xuôi và cuối cùng được gia đình đưa về nước.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thường bố mẹ cho con đi du học chỉ nghĩ tới đạt theo kỳ vọng mà ít ai ngờ tới sự trả giá, đường về của các em thế nào. Nhiều bạn sau thời gian trải nghiệm học tập xa nhà, văn hóa mới thì hoang mang, sợ hãi nơi xứ người không dám chia sẻ với bố mẹ, phải tìm cớ như ốm, bệnh… để được quay về.
Chị Mai Thị Phượng ở Đống Đa, Hà Nội tâm sự rằng, con gái lớn của chị hiện muốn đi du học ngay khi còn phổ thông nhưng chị nghĩ rằng, khi con ở phương xa, bố mẹ rất khó giúp đỡ. Việc liên lạc cũng không thuận tiện do lệch giờ, khoảng cách xa. Điều sợ rằng con gái của chị không thích nghi được với môi trường mới nên chưa quyết định có cho con đi du học sớm hay không.
“Không phải ai đi du học sớm cũng thành công. Sang nước ngoài thì văn hóa, lối sống khác biệt. Nhiều cháu sang bên là ăn chơi, đua đòi dẫn tới hư hỏng nên tôi không yên tâm cho cháu xa gia đình khi 15 tuổi” – chị Phượng tâm sự.
Đa số các chuyên gia khuyên rằng, tốt nhất chọn được môi trường học tập ở Việt Nam phù hợp, chuẩn bị đầy đủ kiến thức để sau này đi du học đại học. Còn việc cho con cái đi du học sớm cần phải cân nhắc kỹ. Vì các cháu còn nhỏ tuổi, hơn nữa giá thành học tập lại rất cao. Chi phí cho việc du học 3 năm phổ thông lên đến hơn 5 tỉ đồng.
Nguyễn An Nhi hiện đang là du học sinh Trường ĐH quốc tế Tokyo (Nhật Bản) cho hay khi đi du học thì cảm giác mất cân bằng hay nhớ nhà trong thời gian đầu mới sang là khó tránh khỏi, cô cũng không phải ngoại lệ. Việc giúp cô lấy lại thăng bằng và không phải đối diện với sự cô đơn chính là tham gia các hoạt động trong trường ĐH và kết bạn với những người cùng đất nước, cùng nền văn hóa với mình.
Trong khi đó, một du học sinh tại Pháp cho hay các bạn trẻ cần lưu ý không nên ảo tưởng về việc đi du học, bởi nếu quá kỳ vọng sẽ dễ suy sụp, kiệt sức, âu lo, stress nếu gặp thực tế phũ phàng hơn.
“Các bạn trẻ cần rèn luyện sức khỏe tốt, cơ thể khỏe mạnh sẽ làm mọi thứ tốt hơn, nhất là ở đất nước khác. Thậm chí phải hoàn toàn tự lập, tự tạo cho bản thân một môi trường tốt nhất như sống với gia đình, tạo niềm vui cho chính bản thân, biết chăm sóc mình khi ở nơi đất khách chứ không thể chờ đợi ai đó lo lắng cho mình. Đó là điều không thể khi các học sinh bước chân sang một đất nước hoàn toàn mới để bắt đầu một cuộc sống mới cho mình''.
Thành Chung