Đường lên đỉnh Olympia và chuyện “chảy máu chất xám”

0

Sẵn sàng du học – Nếu đánh giá mức độ thu hút và giữ chân nhân tài qua lăng kính của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” thì mục tiêu này dường như thất bại thảm hại. Vì sao?

Vì 19 quán quân của chương trình này trong suốt 19 năm tồn tại chỉ có 2 trường hợp đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Phần còn lại đều trở thành công dân Australia, đương nhiên họ đang làm việc và cống hiến từng giờ từng phút cho xứ sở chuột túi.

Cứ sau mỗi trận chung kết năm, một hạt mầm tinh túy nhất lộ diện, dư luận lại tranh luận nảy lửa về câu hỏi, các quán quân – nên đi hay ở? Mặc cho tranh luận, sự thật vẫn rõ ràng hơn hết qua những con số thống kê.

chay-mau-chat-xam

"Chảy máu chất xám" không phải là vấn đề của riêng Việt Nam.

Nhưng nếu đặt vấn đề này trong hệ tham chiếu rộng hơn, ta sẽ thấy cái gọi là “chảy máu chất xám” không phải là vấn đề nan giải chỉ riêng Việt Nam hứng chịu.

Hàn Quốc – một quốc gia rất phát triển có 83 ngàn người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, rất nhiều trong số đó thuộc tầng lớp tinh hoa như chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư.

Ngược lại có gần 150 ngàn người Việt đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, đa phần là du học sinh, lao động phổ thông.

Hãy lấy trường hợp HLV bóng đá Park Hang-seo làm ví dụ. Trước khi đến Việt Nam ông là nhà cầm quân “bình thường” – xét theo nghĩa chưa được nổi danh như hiện nay. Sau khi bén duyên với bóng đá Việt Nam, ông Park vụt sáng không chỉ ở lĩnh vực bóng đá mà như là “đại sứ ngoại giao” giúp hai nước trở nên gần gũi hơn.

Trong trường hợp này, có phải Hàn Quốc bị “chảy máy chất xám”? Người viết bài này không nghĩ như vậy, ngược lại phải cảm ơn Việt Nam là nơi lý tưởng để một người Hàn Quốc phát huy hết tài năng vốn có.

Thành công của ông Park còn giúp tô điểm thêm hình ảnh đất nước và con người xứ sở Kim chi, từ đó giới làm bóng đá nước này được chú ý hơn, mở ra cơ hội xuất ngoại, tạo dựng sự nghiệp ở đấu trường quốc tế.

Đất nước Singapore tuy là một trong những nơi đáng sống nhất thế giới nhưng cũng có 200 ngàn người định cư và làm việc khắp nơi trên thế giới. Nước này cũng mất chất xám?

Nghĩ thật kỹ những con số trên, hóa ra cái gọi là “chảy máu chất xám” chỉ là sự di chuyển nguồn lực con người một cách tự nhiên, theo quy luật phân công lao động. Người Việt có tài ra nước ngoài định cư nhưng cũng có luồng di chuyển ngược lại vào Việt Nam.

Vì vậy, không nên bó hẹp quan điểm về nguồn lực như xưa nay, người Việt ra đi để học tập, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại là điều đáng mừng. Nếu một trong những số đó trở thành vĩ nhân cũng nên cảm ơn nên giáo dục và môi trường nước ngoài.

Nếu nhân tài Việt trở thành “công dân toàn cầu” thì cống hiến của họ mặc nhiên là tài sản chung, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tận dụng được. Ví dụ như thông qua chuyển giao công nghệ, phát minh của họ có thể thúc đẩy tiến bộ chung…

Những con số trên cũng khẳng định – mặc dù trớ trêu nhưng Việt Nam thực sự là nơi hưởng thụ dòng nhân lực chất lượng cao khắp nơi đổ về, do muộn hội nhập, nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai phá, điển hình như vốn FDI kèm theo là chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm quản lý…

Dĩ nhiên, sự ra đi và không trở về của những “măng non nhân tài” đầy tiềm năng đặt ra một dấu hỏi rất lớn, rất thời sự về chất lượng nền giáo dục, chất lượng môi trường sống.

Tại sao họ phải lựa chọn học tập một trường đại học ở nước Úc mà không phải ở trong nước? Hẳn nhiên là vì chất lượng, sự thật là “mác” du học vẫn uy tín hơn tấm bằng trong nước.

Không ai chắc một cử nhân tốt nghiệp tại Việt Nam có thể làm việc ngon lành tại Úc, mà không cần phải đào tạo lại. Nhưng chắc chắn sản phẩm của đại học Swinburne, Monash, Deakin (Úc) có thể làm việc ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại sao đa phần chọn ở lại định cư nước ngoài? Chắc chắn cũng vì môi trường làm việc, mức đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra và phần nào đó là sự hấp dẫn khó cưỡng của môi trường xã hội, luật pháp, an sinh…

Nguồn nhân lực chất lượng đến là một chuyện, họ có vui vẻ ở lại lâu dài hay không lại là chuyện khác. Rất nhiều trường hợp “về rồi lại đi” cho thấy điều gì?

Di chuyển lao động dù là dòng chảy tất nhiên, nhưng có thể thấy người nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu tìm cơ hội làm ăn, khai thác những tiềm năng mà người Việt chưa đủ sức khai thác, họ là những “ông chủ”.

Còn người Việt ra nước ngoài, có bao nhiêu phần trăm ngẩng cao đầu với tư cách là chuyên gia, nhà khoa học mang tri thức mới đến cho nước bạn? Đó là vấn đề rất đáng suy ngẫm.

Không quá nếu nhận xét rằng, chúng ta xuất khẩu lao động chân tay đi khắp nơi, còn Nhật Bản, Úc, Mỹ, Singapore… lại xuất khẩu “ông chủ” đến các nước kém phát triển. 

Thái Hải (SSDH) – Theo Dân trí

Share.

Leave A Reply