Học bổng Canada – Chi tiết từng loại học bổng

0

Sẵn sàng du học – Một vài khái niệm về học bổng (Scholarship & Award)

1/ GOVERNMENT SCHOLARSHIP

Là loại học bổng do chính phủ Canada xét cấp mà chính phủ thì có 2 cấp là Liên bang (Federal) và Tỉnh bang (Provincial) .

– Các học bổng liên bang hầu hết là học bổng danh dự (dựa trên thành tích học tập) toàn bộ được list ở đây: https://www.canada.ca/…/…/educationfunding/scholarships.html .

– Tỉnh bang thì có học bổng danh dự và cả học bổng trợ cấp, chúng được list riêng tại website chính thức của mỗi tỉnh . Ví dụ như tỉnh bang Ontario có học bổng danh dự gọi là Ontario Graduate Scholarship cho bậc hậu cử nhân (MA và PhD): http://cou.on.ca/key-issu…/education/graduate-education/ogs/ và chương trình trợ cấp tài chánh cho SV gọi là OSAP: https://www.ontario.ca/…/osap-ontario-student-assistance-pr…

Cả hai thứ trên đều gọi chung là học bổng (scholarship), nhưng về thực chất, chúng hoàn toàn khác biệt . Học bổng danh dự (merit-based) giống như khoản tiền thưởng (award) vì thành tích học giỏi, được sử dụng để tiếp tục đào sâu nghiên cứu . Những học bổng này có thể chi trả toàn bộ học phí và tiền sinh sống trong thời gian nhiều năm học. Các học bổng lớn hầu hết là dành cho bậc PhD (tiến sĩ) .

Còn các học bổng need-based là các khoản trợ cấp tài chánh, thường là ít, có thể là cho đứt hay là các khoản nợ mượn trước trả sau . Mỗi tỉnh bang ở Canada đều có các chương trình tài trợ SV bản xứ riêng biệt. Các chương trình này giúp sinh viên vay tiền ngân hàng trả chi phí học tập và sinh sống. Tuỳ vào ngân sách giáo dục của từng tỉnh bang mà sinh viên được đài thọ nhiều hay ít và đài thọ các khoản nào. Nếu SV tốt nghiệp đúng thời hạn thì chính phủ sẽ cho SV một khoản tiền nhỏ trong số tiền vay đó. Một sinh viên khi đi học thì truy cập vào website của tỉnh bang mình cư trú để tìm loại học bổng này .

canadian-government-scholarship-1-e1543804219460

Xin nói rõ ở đây rằng các loại học bổng trợ cấp của tỉnh bang chỉ dành cho người dân Canada hay thường trú nhân mà thôi .Còn sinh viên du học thì chỉ có thể cạnh tranh với nhau để dành các học bổng danh dự (merit-based).

2/ INSTITUTIONAL SCHOLARSHIP

Là loại học bổng do chính các trường đại học xét cấp cho sinh viên. Nguồn học bổng lấy từ ngân quỹ của trường, các doanh nghiệp bên ngoài đầu tư, các tổ chức từ thiện hay mạnh thường quân hay chính phủ dành cho trường. Cũng giống như học bổng chính phủ, nó cũng có 2 dạng là merit-based hay need-based. Tất cả mọi học bổng đều được list công khai tại website của trường mà chúng ta rất dễ dùng Google để tìm kiếm theo công thức sau đây:

Search website Google.ca bằng từ khoá : “University name” + “Scholarship”. Có thể thay thế “scholarship” bằng funding, award, fund, grant, financial assistance… Tôi chỉ mất chưa tới 10 phút thì tìm ra những học bổng ở một số trường sau:

3/ GIÁ TRỊ HỌC BỔNG

– Full scholarship hay full funding package có nghĩa là học bổng toàn phần bao gồm học phí và khoản tiền ăn ở trong suốt thời gian của chương trình học. Ví dụ: Một chương trình PhD là 4 năm thì sinh viên sẽ được đại học miễn học phí suốt thời gian đó và một khoản chi phí đủ tiền sinh sống hàng năm. Định mức chi phí này tính theo giá cả sinh hoạt tại địa phương. Khoản học bổng này, sẽ được chia ra thành từng phần nhỏ và trả theo mỗi học kỳ chứ không phải một lần trả hết.

– Half scholarship hay half funding package là phân nửa của học bổng toàn phần. Điều này cũng hay thường xẩy ra khi đại học không đủ ngân khoản. Chỉ cho phân nửa thì giúp đại học có thể nhận hai sinh viên thay vì một người.

– Tuition fee waiver hay tuition fee coverage: miễn học phí. Sinh viên học không tốn tiền, khoa nhận họ vào đã trả tiền cho đại học từ ngân quỹ của khoa rồi.

Ngoài hai loại học bổng danh dự và học bổng trợ cấp, có một loại thứ ba nữa mà các bạn bên VN thấy thường xuyên đó là học bổng chiêu sinh hay học bổng khuyến mãi mà tôi xin tạm xài chữ tiếng Anh là recruitment scholarship. Đó có nghĩa là học bổng dụ các bạn vào học. Trường nào đặt nặng nhu cầu thương mại, càng khát sinh viên thì sẽ càng rộng rãi ban phát loại học bổng này. Giá trị của loại học bổng này không dựa trên thành tích học tập của sinh viên mà là dựa trên số tiền sinh viên đóng cho trường. Thực chất, nó trích ra từ số tiền học phí của SV đóng vào đó con dấu học bổng, để làm vui lòng, nở mặt phụ huynh. Sinh viên học càng lâu, đóng càng nhiều tiền thì càng được nhiều “học bổng”. Đối với các trường tư vô danh ở Canada mà người dân địa phương không học, họ chỉ có thể chiêu sinh từ ngoại quốc (Việt Nam, China, Korea…) thì họ sử dụng tối đa loại học bổng khuyến mãi này. Đó là thứ mà các trung tâm du học quảng cáo ở Việt Nam.

Tại Canada thì hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều nhận ngân sách của chính phủ cho nên họ không cần quảng cáo nhiều. Tuy nhiên, trong khoảng 15 năm trở lại đây, khi kỹ nghệ du học ngày càng khởi sắc thì có rất nhiều trường college sử dụng chiêu học bổng khuyến mãi để chiêu sinh. Nếu các bạn tới du học tại Canada thì sẽ thấy rõ là nhiều trường college mà trong đó sinh viên địa phương không tới 1/3.

4/ HỌC BỔNG Ở CANADA KHÓ HAY DỄ CHO SINH VIÊN VIỆT NAM?

Học bổng càng lớn thì càng khó xin đối với sinh viên Canada và vô cùng khó đối với sinh viên tới từ Việt Nam bởi vì:

A/ Các học bổng lớn toàn phần, bán phần…. đa số nó nằm ở bậc hậu cử nhân (Graduate Studies), tức là các chương trình đào tại Cao Học (MA) và Tiến Sĩ (PhD). Lý do rất đơn giản là vì đó là những chuyên viên nghiên cứu các đề tài khoa học. Những thành tựu của họ, nếu có sẽ giúp ích trực tiếp cho xã hội. Đầu tư tiền bạc vào đây còn giúp các chuyên viên này tiếp tục đào sâu nghiên cứu, phát triển chuyên môn của họ.

Còn các em nhỏ 18 tuổi, mới vào cao đẳng, đại học thì dù các em xuất sắc tới đâu đi nữa, nó chỉ là những điểm số trong trường chưa nói lên điều gì cụ thể. Học xong, ra trường, các em cũng có tay nghề chuyên môn như bao nhiều người bình thường khác đang sống trong xã hội, mà ở Canada này mức độ tốt nghiệp đại học và cao đẳng là gần 1/3 dân số. Dân Canada đi học đã được chính phủ hỗ trợ rồi vì học phí rất thấp bằng phân nửa SV ngoại quốc và còn được cho mượn tiền ăn học.

Đó là lý do Canada không có nhiều học bổng toàn phần cho bậc undergraduate (cử nhân). Private Sector scholarship – Học bổng tư nhân từ các hãng lớn cũng vậy. Họ chủ trương đầu tư vào các công trình nghiên cứu có giá trị, còn ở bậc undergraduate, chỉ có những học bổng danh dự nhỏ.

B/ Các học bổng ở bậc Graduate Studies đòi hỏi bộ hồ sơ rất phức tạp, nhiều đơn từ mà một sinh viên từ Việt Nam khó đáp ứng nổi khi còn lệ thuộc vào chế độ giáo dục hiện hành. Tôi đưa ra một ví dụ cụ thể cho các bạn thấy yêu cầu của một học bổng:

a/ Program of Study/Kế hoạch nghiên cứu: Là một lá thư dài viết cho hội đồng học bổng. Trong đó, bạn liệt kê những điểm mạnh của bạn là gì, tại sao bạn xứng đáng được học bổng đó và những chi tiết cụ thể bạn sẽ sử dụng học bổng đó như thế nào trong từng giai đoạn. Những người viết thư như vầy thường là những người có suy nghĩ rất trưởng thành, có định hướng nghiên cứu rõ rệt và biết lên kế hoạch thực hiện nó .

b/ Letters of Reference/Thư đề cử: Thường thì mỗi học bổng người ta đòi hỏi ít nhất 2 lá thứ đề cử từ giáo sư hướng dẫn và một lá thư đề cử từ trưởng khoa. Những người viết thư này có thể là supervisor (hướng dẫn luận án nghiên cứu) của sinh viên đó, phải là người hiểu biết điểm mạnh của sinh viên để thuyết phục hội đồng học bổng. Khi một lá thư đề cử được viết bởi một giáo sư Canada hay Mỹ thì nó là dài như một bài luận, lời lẽ rất hùng hồn, chi tiết mạch lạc. Xong phần thư đề cử của giáo sư thì lại tới phần thư đề cử của khoa (department) được viết bởi người trưởng khoa. Trong các trường đại học VN, thử hỏi có dễ tìm giáo sư viết thư trôi chảy bằng tiếng Anh và sẵn sàng hết lòng giúp SV?

c/ Past research projects or list of publications: Liệt kê các dự án đã hoàn thành hay các công trình được đăng tải.

d/ Đó chỉ là 3 yêu cầu căn bản của một bộ hồ sơ học bổng. Chưa nói tới yêu cầu đầu tiên là bảng điểm. Một SV muốn nhận học bổng PhD thì ít nhất phải đạt được điểm A – mới nên nộp hồ sơ học bổng.

Sau khi một khoa trong một trường đại học nhận đơn của họ thì tiếp tục sàng lọc, và chỉ tuyển chọn vài ba người giỏi nhất, đệ trình lên hội đồng học bổng của đại học. Hội đồng này lại xem xét, sàng lọc một lần nữa và tuyển ra những ứng viên giỏi nhất của trường. Mỗi học bổng đều có định mức (quota). Giá trị học bổng càng cao, thì con số định mức càng nhỏ.

Định mức lại chia ra làm 2 loại là domestic (Canadian) và international. Con số international luôn luôn tí hon so với Canada. Điều đó có nghĩa là Canada chỉ chọn những nhân tài nào xuất chúng bậc nhất mà thôi. Điều này cũng dễ hiểu, ngân quỹ học bổng rút từ túi của dân chúng đóng góp cho nên phải trả lại cho con cháu dân Canada là lẽ đương nhiên. Còn các sinh viên quốc tế có thực tài thì được Canada hậu đãi để trở thành những người giúp ngược lại Canada trong tương lai. Đó chính là mục đích và ý nghĩa của học bổng. Mục đích của học bổng là đào tạo và để chiêu dụ nhân tài bậc nhất phục vụ cho đất nước. Nước Mỹ là thiên đường của nhân tài, ban phát rất nhiều học bổng nhưng tựu chung nó cũng vận hành cùng chung một nguyên tắc này. Học bổng là một sự đầu tư của quốc gia nhằm phục vụ quốc gia đó chứ không phải là bổng lộc trời cho để cá nhân hưởng.

Những người tài giỏi nhất sẽ nhận học bổng, còn nếu tài ít ít mà vẫn nhận học bổng, thì nên coi lại nó là học bổng gì, cha mẹ mình trả bao nhiêu tiền học phí. Nếu như các em ở VN qua Canada hay US học xong đại học tại các trường tốt bên này thì khác. Các em đã nằm trong một hệ thống tốt rồi. Nếu các em xuất sắc thì các em cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ bình đẳng từ hệ thống giáo dục này. Một năm, Việt Nam có gần trăm ngàn sinh viên xuất ngoại. Trong số đó, nếu tính ngàn người lấy một thì cũng sẽ có từ vài trăm tới cả ngàn tinh anh của đất nước. Lấy những tinh anh này, đem ra cạnh tranh với các phần tử tinh anh của HongKong, China, Taiwain, Đại Hàn, Ấn Độ, Europe… thì sẽ gạn lọc ra những phần tử giỏi nhất. Đó là những gì mà các nước như Mỹ, Canada, Anh, Úc họ tìm kiếm…

Các bạn đọc hết bài này thì sẽ hiểu ra cái gì gọi là “thợ săn học bổng” hay “tổ săn học bổng” của các trung tâm du học, các bạn sống ảo, agent du học rồi nhá. Các cháu nho nhỏ mai mốt đi Canada, USA… hỏi những câu như “em muốn học bổng, làm sao dễ nhận học bổng”… Các cháu sẽ đều nhận học bổng UTACHI* (theo anh Ho Hung Tien) như nhau hết.

Tui viết như vậy là dài và dai lắm rồi đó nha . Xong bài này, các bạn bắt buộc phải hiểu rõ ngọn ngành về học bổng. Vậy thì mau bấm like và SHARE đi . Coi như 2 cái click trả công tui. Tri thức là để chia sẻ, không phải giấu diếm nha các bạn. Tìm khắp trên net, sẽ không có bài nào chi tiết như vầy đâu. Không bấm, mai mốt tui không viết nữa á. 

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Canada

Share.

Leave A Reply