Những khó khăn và thuận lợi khi làm việc tại Canada?

0

Sẵn sàng du học – Một câu hỏi mà mình hay được hỏi, đó là sang Canada rồi sẽ làm gì? Xin việc có khó không, nếu không có việc gì sẽ làm gì? Chẳng lẽ đi làm bồi bàn, thu ngân hay làm nail cả đời hay sao?

Mọi người đi theo con đường Express Entry thường có công việc ổn định ở Việt Nam, thậm chí có việc tốt ở các nước phát triển như Hàn, Nhật, hay cả các nước châu Âu. Nhưng tự nhiên bỏ công việc ổn định đó, để sang một đất nước hoàn toàn xa lạ, và không có việc làm thì hoàn toàn đáng lo lắng và e ngại. Vì không những đi một mình, mà còn kéo theo cả gia đình nữa.

Gia đình mình qua Canada theo diện Express Entry, lần đầu qua 10 ngày để landing (kích hoạt Permanent Resident), rồi quay trở lại Hàn Quốc, thu xếp công việc, xin nghỉ ở tập đoàn Samsung, sau đó 2 tháng, cả gia đình khăn gói quả mướp bay sang Canada. Bạn bè nhiều người thấy có công việc ổn định bên Hàn Quốc, mà tự dưng bán xe, bán nhà rồi đi sang một nước làm lại từ đầu, cũng hỏi mình câu hỏi này khá nhiều lần. Mình chia sẻ một số bất lợi và lợi thế khi đảo qua một vòng thị trường lao động ở Canada.

Bất lợi?

du-hoc-sinhĐể xin được việc ở Canada, bạn cần có 3 thứ sau:

a, Học vấn và bằng cấp Canada

b, Kinh nghiệm làm việc ở Canada

c, Có người giới thiệu cho vào các vị trí ở công ty (thường là mentor, có quen biết).

Tưởng rằng Canada không coi trọng bằng cấp, nhưng khi bạn xin việc, gửi hồ sơ, họ ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp từ trường cùng tỉnh bang, hoặc tốt nghiệp tại Canada, vì chất lượng giáo dục đào tạo đã được khẳng định. Do đó đây là bước cản khá lớn trên con đường xin việc của bạn.

Thứ hai, kinh nghiệm làm việc ở Canada, cái này mình cũng không có. Các công ty ở Canada thường ưu tiên những người làm việc ở Canada, quen với văn hoá công sở ở đây, cái này bao gồm kỹ năng giao tiếp, lên kế hoạch, báo cáo. Mình sẽ viết 1 bài về văn hoá làm việc ở các công ty của Canada sau, làm việc với những người hiểu văn hoá công sở ở đây, hơn là tuyển một người mới và đào tạo cả về kỹ thuật, công nghệ hay văn hoá nữa.

Cuối cùng là mentor, nếu bạn học ở Canada, giáo sư hướng dẫn hồi ở đại học, hoặc bạn bè thân thiết đang làm trong các công ty, tập đoàn lớn, có thể giới thiệu cho bạn, và coi như là 1 người đảm bảo, giúp cho bộ phận HR tiết kiệm thời gian công sức tuyển chọn hồ sơ.

Vậy thì làm thế nào để xin được việc, câu trả lời đơn giản nhất là đi học lại, hoặc bạn phải có kỹ năng ở mức có kinh nghiệm (senior) trong các ngành mà Canada đang thiếu (ví dụ như kỹ sư phần mềm, …)

Lợi thế?

du-hoc-sinh

Người đi sang Canada, mang cả gia đình theo, và chuyển một số tiền không nhỏ sang để làm ăn, mua nhà, mua xe, nên đều là những người có năng lực, có khả năng đóng góp cho kinh tế Canada sau này. Nên nhớ rằng bạn qua đây là chính phủ họ Invited (mời), chứ không phải bạn xin sang.

Và chính phủ Canada mặc nhiên coi bạn sẽ dành thời gian đầu, có thể là 1 đến 2 năm, để học tập, hoà nhập, họ hỗ trợ rất nhiều, nếu hai vợ chồng đều không có việc, có thể nhận hỗ trợ $300/tháng để thuê nhà, tiền sữa cho con được tối đa $1100 cho 2 đứa con, và một loạt các chương trình học tiếng Anh, học các skills cần thiết để xin việc, chương trình metorship để tìm mentor cùng ngành cho bạn kiếm việc, v.v… Do đó bạn sẽ yên tâm về khoản kinh tế trong vài năm đầu.

Qua Canada với PR trong tay, bạn đã hơn một loạt du học sinh mới ra trường, hay người đi làm mới chỉ có workpermit có thời hạn (hết hạn mà không gia hạn là về nước), hoặc các dạng tạm thời khác. Do vậy hãy tận dụng lợi thế này để học tập và hoà nhập càng nhanh càng tốt. Kiếm việc chuyên môn (professional job), tính hướng phát triển lâu dài cho sự nghiệp.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Canada

Share.

Leave A Reply