Sẵn sàng du học – Không như trước đây, khi bất kì một bộ hồ sơ xin thị thực dài hạn cho mục đích du học (Tier 4 visa) nào cũng phải trải qua buổi phỏng vấn 5-15 phút (sau khi lấy sinh trắc vân tay được thực hiện qua SKYPE), bắt đầu từ năm 2018, chuyện có phỏng vấn hay không trở nên ngẫu nhiên và nhiều trường hợp là được thực hiện qua điện thoại.
Vậy, buổi phỏng vấn qua điện thoại ấy có khó không? Thường những câu hỏi là gì? Và họ đưa ra quyết định dựa trên các tiêu chí nào?
Sau khi tiến hành khảo sát và thu thập một số lượng kha khá thông tin, SSDH xin tổng hợp, tóm gọn và cung cấp đến các bạn một số thông tin cơ bản sau, hi vọng các bạn có thể chuẩn bị tốt hơn để vượt qua buổi phỏng vấn dễ dàng, thắng lợi.
1.Tình hình tài chính được xoáy sâu hơn:
Visa UK thông thường được xem là đơn giản, dễ chịu khi SV chỉ cần có sổ tiết kiệm đủ để chi trả học phí và sinh hoạt phí tại UK trong vòng 9 tháng với tiêu chuẩn: GBP1265/tháng (London), GBP1015/tháng (ngoài London). Và nếu bạn đã đóng một phần nào học phí hay có thêm học bổng thì cứ tự trừ lại số tiền này trong khoản tiết kiệm đã chuẩn bị. Tuy nhiên, ở những cuộc phỏng vấn qua điện thoại, mặc dù đã cầm trong tay tất cả những giấy tờ tài chính có liên quan, interviewer vẫn hỏi bạn hàng tá câu về chi tiết khoản tiết kiệm cũng như nguồn tiền. Ví dụ:
• Who is your sponsor for your study?
• Who did pay for your deposit?
• What’s your father job?
• How much do your parent earn a yearly basic?
• What does your mother doing now?
• How do you convince your parends to invest in your study?
• How many people are there in your family and what do they do for a living?
Các bạn chú ý ở câu cuối, nếu như gia đình bạn còn nhiều người (anh/chị/em) phụ thuộc tài chính của bố mẹ, thì ở các câu liên quan đến nghề nghiệp và thu nhập của bố mẹ phải được tính toán và cân bằng cụ thể. Rõ ràng hơn, nếu bố mẹ chỉ nuôi mỗi mình bạn ở trời UK thì ngoài các khoản đã tiết kiệm rồi, bố mẹ bạn chỉ cần có thu nhập khả dụng tầm 45 triệu/tháng là đủ, nhưng nếu bạn còn em gái đang học cấp 3, anh trai đang học Đại học, thu nhập của bố mẹ phải cộng thêm chi phí cho 2 người “phụ thuộc” kia nữa.
Một mẹo vặt cho các bạn ở phần tài chính này là: nên kỹ càng hơn ở khâu chuẩn bị với nhiều sổ tiết kiệm hơn, thời gian mở sổ lâu hơn so với quy định (29 ngày) và giá trị của mỗi khoản tiết kiệm không quá cao (dưới 400tr cho mỗi cuốn).
2.Tiếng Anh lưu loát là một điểm + và +
Cái này có lẽ là dĩ nhiên rồi, không cần giải thích gì thêm, với các bạn có khả năng anh ngữ giới hạn, nên tập dược nhiều các dạng bài đối thoại để không bỡ ngỡ. Qua điện thoại, tiếng Anh của bạn sẽ dở hơn khi nói chuyện hằng ngày 1 tẹo đó!
3.Ngôi trường mà bạn chọn? Tại sao lại là ngôi trường đó?
Đây là câu hỏi mà theo kinh nghiệm của mình là các bạn SV trả lời dở nhất, các bạn nói về trường mình chọn như là mới Google nó, Wikipedia nó, học thuộc lòng nó và cuối cùng là hành văn nói như đang thi IELTS speaking task 2. Dở tệ!!! Chủ yếu, số đông các bạn kể về trường ở: danh tiếng, rank tốt, các giải thưởng, trường yên bình, blah blah blah và cuối cùng ai cũng như ai. Một số điểm bạn nên highlights khi nói về trường nè:
• Suất học bổng giá trị mà trường cho
• Ngành học mà bạn chọn thì trường đào tạo tốt, nổi bật (dựa vào các bảng xếp hạng uy tín theo ngành)
• Một số modules đặc biệt mà bạn muốn học (mà ở ngành này, thì trường khác không có)
• Lý do cá nhân: bạn thích thành phố đó, bạn của bạn học trường đó…
4.Việc làm thêm
Quy định của chính phủ Anh là sinh viên Đại học và Thạc sĩ được đi làm thêm tối đa 20h/ tuần. Các bạn lưu ý dùm SSDH là, 20h/tuần là tối đa, đừng vội vội vàng vàng phán rằng “mình sẽ kiếm việc làm thêm 20h/tuần ở UK trong khoảng thời gian đi học để kiếm thêm thu nhập vừa để trang trải các khoản phí lặt vặt vừa để học hỏi kinh nghiệm”. Uh thì họ không thích lắm điều này! Phải khéo léo hơn!
Chúc may mắn nè, cần gì khác hãy gọi SSDH!
Cá Domino (SSDH) – Theo thetreeacademy